Hậu IPO Vietcombank: Thấp thỏm đợi chờ
Cuối cùng thì kết quả đấu giá Vietcombank đã được công bố và tỏ ra khá phù hợp với những dự đoán trước đó.
93% các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước và nước ngoài (8792/9473) đã trúng giá thành công, với mức giá trung bình 107.860 VND.
Nước ngoài bỏ giá cao
Theo công bố chính thức từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM ngày 27/12/2007, kết quả đấu giá Vietcombank khá phù hợp với những dự đoán trước khi đấu giá, với mức giá thành công bình quân là 107.860 VND.
Nhà đầu tư nước ngoài đã lựa chọn mức giá bỏ thầu cao vượt trội so với nhà đầu tư trong nước để nâng cao xác suất trúng giá và đã đạt được tỷ lệ trúng giá bình quân 70,7% so với tỷ lệ thành công tối đa 72,5%. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua được 97% room dành cho họ. Mức giá mà các nhà đầu tư nước ngoài bỏ thầu phổ biến nằm trong khoảng 113-117 nghìn đồng.
Nhà đầu tư tổ chức trong nước đạt tỷ lệ đấu giá thành công cao nhất: 95,4% các tổ chức đã trúng giá 88% số lượng cổ phần đăng ký. Còn các nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đạt được tỷ lệ thành công khá cao: 81,6%.
Số lượng cổ phần đấu thầu không thành công là 24.717.200 (20,2%) bao gồm 11.932.866 là số lượng đăng ký của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 1.417.400 cổ phần nhà đầu tư nước ngoài đăng ký nhưng không trúng giá, dù vẫn còn room. Nguyên nhân là do các cổ phần này được bỏ ở mức giá thấp dưới mức giá thành công thấp nhất (102 nghìn) nên không trúng thầu.
Tỷ lệ cổ phần có mức bỏ giá dưới 102 nghìn của nhà đầu tư trong nước là 16% (12.784.384/81.549.500) phản ánh các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã lựa chọn mức giá bỏ thầu phổ biến trong khoảng 100-107 nghìn đồng.
Dấu hỏi hậu IPO
IPO Vietcombank được đánh giá là thành công, bởi lẽ số lượng cổ phần đã bán hết và tỷ lệ đấu giá thành công khá cao và thỏa mãn cho cả 4 nhóm nhà đầu tư.
Tính từ ngày đấu giá trái phiếu Vietcombank cách đây 2 năm (26/12/2005), quy trình IPO Vietcombank mang đến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Nhưng có lẽ, người chịu thiệt thòi nhất chính là các trái chủ Vietcombank, đặc biệt là các trái chủ đã nắm giữ số lượng lớn trái phiếu với mức lãi suất 6%/năm, hoặc mua lại từ thị trường giao dịch với giá 130-140.000 VND, thậm chí có lúc đến 260-270 nghìn đồng.
Ngay từ bây giờ, các cổ động mới của Vietcombank lại thấp thỏm đợi chờ. Những kế hoạch tiếp theo của quy trình IPO và niêm yết vẫn còn dài. Liệu đàm phán giữa Vietcombank và các đối tác chiến lược có thành công và khi nào thì mới có câu trả lời chính thức? Liệu thặng dư vốn sau IPO sẽ được phân bổ và sử dụng như thế nào?...
Bản cáo bạch của Vietcombank chỉ dám đưa ra mức lợi nhuận và mức sinh lời của vốn chủ sở hữu thấp. Phải chăng Vietcombank sẽ đi theo chiến lược thận trọng và dè dặt, hay tương lai của Vietcombank vẫn còn nhiều điều phải bàn? Điều này, nếu có, sẽ có phần đi ngược lại sự kỳ vọng rất cao của nhiều nhà đầu tư về một Vietcombank thay đổi và tăng trưởng hơn trong tương lai.
10.516 tỷ đồng là số tiền thu được từ đợt đấu giá lần này của Vietcombank. Đối với phần đông nhà đầu tư, mối quan tâm nhất vẫn là câu hỏi: với số tiền lớn như vậy bị hút vào IPO Vietcombank, liệu thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng ở mức độ nào?
8.411 nhà đầu tư cá nhân sẽ phải dành khoảng 4.000 tỷ đồng cho cổ phần Vietcombank nên tác động ngắn hạn đến luồng tiền đầu tư chứng khoán là có thể. Tuy nhiên, vì Vietcombank là ngân hàng thương mại, nên luồng vốn 10.516 tỷ đồng thu được từ đợt đấu giá này sẽ quay lại thị trường đầu tư trong nước, thông qua các kế hoạch đầu tư vào các công ty con, các ngân hàng mà Vietcombank có cổ phần và nguồn vốn tín dụng của Vietcombank, theo nguyên lý hệ số nhân của tiền tệ (money multiplier).
Và do vậy, có thể khẳng định tác động tích cực trong trung hạn và dài hạn do IPO Vietcombank mang lại sẽ lớn hơn nhiều lần so với luồng vốn bị thu hút trong vài ba tháng tới...
* Các tác giả bài viết thuộc Phòng Phân tích đầu tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt.
TBKTVN
|