Thứ Năm, 20/12/2007 22:45

Giao dịch trực tuyến có thể 'đẻ' giấy phép con

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn giao dịch điện tử đang được Ủy ban chứng khoán Nhà nước soạn thảo, các công ty chứng khoán nếu muốn cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến phải được sự chấp thuận của Ủy ban.

Điều 5.3.3 dự thảo quy định, trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ từ công ty chứng khoán, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước sẽ đưa ra các quyết định từ chối hoặc chấp thuận cho việc cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến. Trường hợp từ chối, ủy ban sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Tại cuộc họp lấy ý kiến dự thảo sáng 20/12, đại diện của nhiều công ty chứng khoán e ngại, quy định trên có thể sẽ dẫn tới cơ chế xin - cho giữa các công ty với cơ quan quản lý, bởi một khi đã "phải xin" thì rất dễ nảy sinh chuyện dùng "phí bôi trơn" để nhanh chóng "được cho".

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Tin học Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng, giao dịch trực tuyến chỉ là một mảng trong hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán. Do vậy, một khi công ty đã được cấp phép hoạt động và triển khai giao dịch thì họ cũng được cung cấp thêm các dịch vụ mới.

Theo ông Nguyễn Hữu Tú, phó Giám đốc Công ty chứng khoán IBS, thời gian cấp phép 45 ngày là quá lâu. "Giả sử có 62 công ty chứng khoán cùng nộp đơn xin phép cung cấp dịch vụ giao dịch trực tuyến mà với thời gian như vậy thì không biết bao giờ mới tới lượt", ông Tú nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam, Phó trưởng ban Phát triển thị trường, Ủy ban chứng khoán Nhà nước phân trần, bản thân Ủy ban cũng không muốn ôm thêm việc vào người. Việc đưa ra quy định này cũng là do yêu cầu bắt buộc về quản lý Nhà nước trong kiểm tra hoạt động của các công ty chứng khoán.

Giao dịch trực tuyến xuất hiện cách đây khoảng 5 tháng và người đi tiên phong cung cấp dịch vụ này ở VN là Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI). Với ưu điểm thuận tiện, có thể đặt lệnh mọi lúc, mọi nơi, loại hình giao dịch điện tử đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Do đó, một số công ty khác như VnDirect, FPTS cũng học tập và cung cấp dịch vụ này.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn thiếu một hành lang pháp lý cho giao dịch trực tuyến, nên các công ty chứng khoán mạnh ai nấy làm, không theo một quy định nào cả. Trong lúc nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn với loại hình giao dịch mới mẻ này vì sợ những rủi ro về công nghệ thì dự thảo thông tư chưa thấy nói đến chuyện phải đưa ra một bộ tiêu chuẩn cụ thể về giao dịch trực tuyến, mà chỉ nêu ra những quy định chung chung.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Công nghệ thông tin Công ty chứng khoán An Bình cho hay, hiện nay mỗi công ty chứng khoán tự đưa ra các chuẩn kỹ thuật cho mình. "Nhiều chuẩn khác nhau dẫn đến việc khó đảm bảo các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư, việc kết nối với cơ quan quản lý cũng rất khó khăn nên sẽ gây khó khăn cho việc kiểm tra giám sát", ông Tân nhấn mạnh. Do đó, một số trường hợp các nhà đầu tư không đạt được yêu cầu mong muốn, thậm chí còn bị thiệt hại mà họ cũng không biết phải kêu ai.

Ông Tân kiến nghị, dự thảo nên bổ sung một số phụ lục chi tiết kèm theo như bộ tiêu chuẩn về quy trình quản lý giao dịch trực tuyến, bộ tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật (thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền), tiêu chuẩn về bảo mật...

Một điểm khác trong dự thảo thông tư cũng khiến nhiều công ty chứng khoán băn khoăn là quy định các công ty phải lưu trữ, đảm bảo tính toàn vẹn của các chứng từ điện tử, phiếu lệnh điện tử, dữ liệu điện tử và ghi âm các cuộc điện thoại đặt lệnh của khách hàng ít nhất là 15 năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Tú, việc lưu trữ dữ liệu tốn rất nhiều tài nguyên hệ thống, ông cho rằng ban soản thảo nên quy định cụ thể việc chuyển đổi chứng từ điện tử sang chứng từ giấy và ngược lại. Đồng thời quy định tính pháp lý cho các chứng từ chuyển đổi này để tạo thuận lợi cho các công ty.

Mặc dù vậy, dự thảo thông tư được đánh giá là một nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý trong bối cảnh thị trường đang phát triển nhanh chóng như hiện nay.

Trong dự thảo có nhiều điểm nhận được sự đồng thuận của các công ty chứng khoán và nhà đầu tư như quy định các công ty chứng khoán phải ký một hợp đồng bằng văn bản với khách hàng, quy định rõ các trách nhiệm pháp lý của cả hai bên.

Ngoài ra, công ty chứng khoán phải nêu rõ các rủi ro liên quan đối với nhà đầu tư dưới hình thức một “Bản công bố rủi ro” đính kèm hợp đồng. Những rủi ro bao gồm rủi ro trong khi truyền tải qua mạng Internet, lệnh giao dịch có thể bị treo, bị ngừng, bị trì hoãn, hoặc có lỗi dữ liệu; việc nhận dạng các tổ chức hoặc nhà đầu tư có thể không chính xác, lỗi về bảo mật có thể xảy ra; giá cả thị trường và các thông tin chứng khoán khác có thể có lỗi hoặc sai lệch; các rủi ro khác mà các cơ quan quản lý chứng khoán, công ty chứng khoán có thể thấy cần thiết phải công bố.

VnE

Các tin tức khác

>   VNE: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng cho việc xin ý kiến cổ đông (20/12/2007)

>   AGF: TB ngày đăng ký cuối cùng để trả cổ tức năm 2007 (20/12/2007)

>   SRC: Thông tin nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu (20/12/2007)

>   SFI: Giao dịch quyền mua cổ phiếu của Tổng Giám đốc (20/12/2007)

>   VNM: Nghị quyết ý kiến cổ đông bằng văn bản (20/12/2007)

>   PF1: Nhận quyết định niêm yết lần đầu (20/12/2007)

>   SSI: Giao dịch cổ phiếu của người có liên quan (20/12/2007)

>   Thông tin nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu CTCP Xây dựng và kinh doanh Vật tư (20/12/2007)

>   PF1 niêm yết và ngày giao dịch đầu tiên (20/12/2007)

>   Nhiệt điện Phả Lại thực hiện cuộc vận động lớn (20/12/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật