FDI: đăng ký nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu !
Hơn 20 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào Việt Nam trong năm 2007, vượt xa mọi dự báo và vượt tới 53,2% kế hoạch năm. Nhưng “con số trong mơ” này vẫn chỉ là bề nổi của tảng băng, khi vốn thực hiện vẫn chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn 4,6 tỷ USD.
Vướng mắc vẫn còn nhiều, song con số kỷ lục thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) chứng tỏ sức hấp dẫn khó phủ nhận của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Thắng, Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch- Đầu tư.
Luồng vốn đầu tư thứ hai: có thật
+ Thưa ông, năm 2007 đã thiết lập nên một kỷ lục khó tin về thu hút FDI 20,3 tỷ USD (trong khi 2006 chỉ hơn 10 tỷ USD). Đâu là nguyên nhân sự tăng trưởng đột biến này?
- Theo tôi, kết quả này phản ánh những thành tựu đã “tích tụ” trong quá trình đổi mới. Đặc biệt, việc gia nhập WTO đã thêm một động lực, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam đang trở thành điểm hấp dẫn đầu tư thứ sáu chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil (kết quả điều tra của UNCTAD).
Bên cạnh đó, những diễn đàn đối thoại định kỳ giữa chính phủ và nhà đầu tư như Diễn đàn doanh nghiệp, rồi việc Sáng kiến chung Việt - Nhật bước sang giai đoạn ba, vừa là cơ hội nhà đầu tư bày tỏ khúc mắc vừa tạo điều kiện cập nhật và cải thiện cơ sở pháp lý cho môi trường đầu tư. Đây cũng là hai kênh rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư: một bên là Nhật Bản, một bên là các tổ chức khác như Ngân hàng thế giới, EU…
Việc thu hút tới 20,3 tỷ USD trong năm nay theo tôi đã chứng tỏ luồng vốn thứ hai trong thu hút đầu tư là có thật (luồng vốn thứ nhất là đầu những năm 90 thế kỷ 20- NV). Chỉ một năm nhưng đã bằng ¼ việc thu hút vốn cả giai đoạn trước (80 tỷ USD).
Điều đáng mừng là kết thúc năm 2007 này vẫn có một loạt dự án đang gối đầu, cho thấy xu hướng tăng mạnh thu hút FDI sẽ được tiếp tục trong năm 2008.
+ Luồng vốn thực hiện vẫn còn khá khiêm tốn với vốn đăng thu hút (4,6 tỷ USD), ông đánh giá gì về điều này?
- Đúng là việc tăng quá nhanh số lượng vốn thu hút đã làm tăng khoảng cách vốn thực hiện và vốn đăng ký. Mục tiêu của chúng ta vẫn là vốn thực hiện năm sau cao hơn năm trước, tuy nhiên khi lượng vốn quá lớn, khoảng cách này sẽ bị kéo rộng ra. Trong năm 2008, nhiệm vụ trọng tâm chính là giải ngân với mục tiêu từ 5,5 -6 tỷ USD để rút ngắn khoảng cách này.
“Lời giải mới”
+ Giải ngân vẫn là “chuyện cũ nói lại”, giải pháp thì nhiều nhưng việc thực hiện lại chưa cho kết quả hữu hiệu lắm. Để tăng mức giải ngân trong năm 2008 sẽ phải có những “cách tân” về giải pháp như thế nào thưa ông?
- Chúng ta cần nhìn thẳng những vấn đề đang vướng trong việc giải ngân, nếu chỉ hô hào suông theo kiểu phong trào sẽ không thực hiện được. Trong năm tới, sẽ thực hiện hai, ba đợt rà soát tổng thể, phân loại các dự án đang hoạt động tốt, còn vướng mắc đang triển khai, đã nhận giấy phép nhưng gặp vướng mắc trong thủ tục đất đai…và có những giải pháp cụ thể với từng dự án. Song sẽ chú trọng đặc biệt tới các dự án chưa đi vào hoạt động được do gặp vướng mắc.
Mặt khác, sẽ tập trung vào các dự án lớn, có tác động lớn tới nền kinh tế. Việc này sẽ được làm nhanh trong quý I, khuyến khích ưu tiên 20 địa phương, địa bàn có vốn đầu tư lớn nhất. Đặt mục tiêu cho từng dự án, cái nào đúng, chưa đúng cam kết, đâu là lỗi địa phương, đâu là lỗi nhà đầu tư để tháo gỡ nhanh tiến độ thực hiện. Để làm được việc này, các cơ quan TW phải vào cuộc, ví dụ như vướng đất đai thì Bộ Tài nguyên- Môi trường phối hợp xử lý, vướng quy hoạch thì Bộ Xây dựng, thủ tục hành chính thì Hải quan…
Các dự án lớn trên 100 triệu USD đều phải có lộ trình thực hiện cụ thể từng quý và Bộ Kế hoạch- Đầu tư phải nắm rõ lộ trình này. Còn về vướng mắc đất đai, giải phóng mặt bằng, quy hoạch chi tiết, chính quyền địa phương phải phê duyệt nhanh không để nhà đầu tư phải chờ đợi lâu.
+ Việc phân cấp đầu tư cho địa phương đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tế năng lực cấp phép của các địa phương vẫn bị đánh giá là chưa tốt. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Phân cấp cho địa phương mới ở trong giai đoạn đầu và đương nhiên sẽ có những khó khăn nhất định, đặc biệt là việc thẩm tra các dự án lớn. Quy định cứ trên 300 tỷ đồng (tương ứng 19 triệu USD) là phải theo quy trình thẩm tra, nếu đầu tư vào các ngành có điều kiện sẽ phải xin ý kiến các Bộ ngành chủ quản, nên rất nhiều dự án địa phương không thể tự quyết.
+ Dự kiến, mục tiêu thu hút FDI trong năm 2008 sẽ là 15 tỷ USD. Theo ông, liệu con số này có quá khiêm tốn so với năm nay?
- Chúng tôi đặt ra mục tiêu căn cứ trên khả năng tiếp nhận, hấp thụ của nền kinh tế. Sang năm nếu cố gắng cao nhất chúng ta cũng chỉ thực hiện được 6 tỷ USD. Nếu chỉ kêu gọi nhiều mà không thực hiện sẽ bị ngập vốn, nợ đọng, không tốt cho chất lượng kinh tế. Hơn nữa, cũng cần đảm bảo quy hoạch, kêu gọi dự án phải chú trọng vấn đề môi trường.
Theo tôi, cần có nhìn nhận mới: không nên có suy nghĩ năm sau phải cao hơn năm trước mới là thành công, cam kết chỉ là cam kết, thực hiện thế nào mới là quan trọng. Ví dụ như Nhật Bản, chúng tôi đánh giá rất cao nhà đầu tư này, bởi tuy vốn đăng ký không cao nhưng vốn thực hiện luôn là số một. Việc thu hút FDI giai đoạn tới sẽ tính tới chất lượng, chứ không chỉ đơn thuần liên tiếp lập các kỷ lục về cam kết nữa.
"Ba đột phá về FDI: Đột phá về số lượng; Chuyển biến chất lượng (đầu tư tập trung lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, dự án quy mô lớn và làm từ A-Z); Không khí hoạt động tại các địa phương đặc biệt sôi nổi sau phân cấp".
Ông Phan Hữu Thắng
Tổ quốc
|