Thứ Hai, 03/12/2007 08:59

Doanh nghiệp VN: Chọn niêm yết trên thị trường nào?

Niêm yết trên TTCK nước ngoài luôn là một dấu hỏi lớn đối với các DNVN. Mặc dù cánh cửa của các TTGDCK Malaysia, Singapore, Hồng Kông luôn rộng mở với rất nhiều ưu đãi và thuận lợi, nhưng cho tới nay, chưa có một DNVN nào chính thức niêm yết trên các thị trường này.

Một phần do hạn chế về khung pháp lý, một phần do quy mô của các DNVN còn nhỏ chưa đáp ứng được điều kiện niêm yết.

Cánh cửa rộng

Hiện tại mới chỉ có một số DNVN tham gia niêm yết giao dịch trên TTCK nước ngoài, trong đó phải kể đến Cavico - Cty đầu tiên niêm yết trên TTCK Mỹ thông qua hình thức niêm yết cửa sau; ATIP niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE - Euronext tại Pháp và 3 quỹ đầu tư của Vina Capital giao dịch tại thị trường đầu tư lựa chọn của TTCK London (LSE) - AIM.

Vừa qua, sự kiện đoàn đại biểu tài chính - CK Hồng Kông sang thăm và đặt mối quan hệ hợp tác giữa TTCKVN - Hồng Kông đã thu hút sự chú ý của nhiều NĐT và mở ra cơ hội lớn để các DNVN tiến xa hơn trên con đường huy động vốn của mình.

Hồng Kông được đánh giá là một TTCK sôi động, CK giao dịch tại HKEx có tính thanh khoản và độ tin cậy cao. Hiện có 397 Cty của Trung Quốc niêm yết trên TTCK Hồng Kông chiếm 60% vốn hoá thị trường và 67% doanh thu thị trường.

Với tổng giá trị vốn hoá thị trường đạt xấp xỉ 3.000 tỉ USD, HKEx là thị trường lớn thứ 7 trên thế giới và đứng thứ 3 tại Châu Á. Đây là thị trường được rất nhiều NĐT quốc tế quan tâm, thực tế đã có hơn 40% là NĐT nước ngoài và gần 70% là các "đại gia" với số vốn đầu tư lớn.

Một TTCK khác cũng đang là trung tâm thu hút sự chú ý của nhiều DNVN đó là sàn Catalish - một sàn giao dịch CK của Singapore, được chuyển đổi từ sàn SESDAQ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17.12.2007.

Catalish sẽ là sàn giao dịch chủ yếu phục vụ cho các Cty và NĐT trong khu vực Châu Á. Không chỉ dành riêng cho các DN vừa và nhỏ, mà sẽ phục vụ tất cả các Cty, với điều kiện là họ chấp nhận có nhà bảo lãnh.

So sánh điều kiện niêm yết

Để được niêm yết trên HKEx, các DNVN phải đạt tổng doanh thu 64 triệu USD, lợi nhuận 6,4 triệu USD trong 3 năm gần nhất và giá trị vốn hoá thị trường tối thiểu là 256 triệu USD. Với điều kiện này, việc niêm yết trên TTCK Hồng Kông quả là còn "xa vời" với hầu hết các DNVN.

Các Cty được niêm yết trên 2 sàn Hose và Hastc vốn đã được đánh giá các DN có kết quả kinh doanh tốt, nhưng mức vốn hoá thị trường quá nhỏ. Tính đến thời điểm hiện tại (30.11.2007) mới chỉ có khoảng 25/230 Cty có vốn hoá thị trường trên 256 triệu USD.

Theo thống kê, kể từ năm 2005 đến hết quý III/2007, số Cty có doanh thu đạt trên 64 triệu USD chỉ có khoảng 70 Cty, chiếm 30,4% tổng số Cty đang niêm yết trên TTCKVN. Các Cty có lợi nhuận trên 6,4 triệu USD cũng rất ít (khoảng 48/230 Cty).

Như vậy, cơ hội đã đến, nhưng "thực lực" có hạn. So với các DN trên thế giới, DNVN còn khiêm tốn cả về quy mô và hiệu quả hoạt động.

Catalish dường như dễ tính hơn. Không có quy định về tiêu chuẩn tài chính (không có yêu cầu về lợi nhuận tối thiểu hoặc thành tích hoạt động kinh doanh của DN) và không có hạn chế về quy mô Cty khi niêm yết trên sàn Catalish. Nhưng đổi lại, các Cty niêm yết phải thông qua nhà bảo lãnh. Thay vì phải nộp bản cáo bạch, các Cty niêm yết chỉ cần có bài giới thiệu được nhà bảo lãnh chấp thuận.

Mặt khác, các DNVN khi niêm yết tại Catalish là phải có ít nhất một trong số những nhà điều hành độc lập cư trú tại Singapore. Và cổ đông sáng lập không được bán CP nếu số CP của họ ít hơn 50% số vốn phát hành tại thời điểm IPO; hoặc sau khi bán CP, số CP họ nắm giữ sẽ chỉ còn dưới 50% số vốn phát hành tại thời điểm niêm yết.

Phí niêm yết tại Catalish cũng rất "bình dân". Phí niêm yết ban đầu từ 30.000 đến 100.000SGD - Singapore dollar và phí niêm yết hàng năm từ 15.000 đến 50.000SGD. Khi niêm yết CP phát hành thêm, DN phải nộp 8.000SGD tiền phí.

Rõ ràng với Catalish, các DNVN có nhiều cơ hội hơn. Nhưng chọn sàn giao dịch nào để niêm yết hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh và nội lực của mỗi Cty. Thực tế đã có một số DNVN có kế hoạch niêm yết trên TTCK nước ngoài: Trên TTCK Singapore có Vinamilk; TTCK Hồng Kông có TCty Bất động sản Lilama.

Như vậy, con đường huy động vốn trên TTCK nước ngoài của các DNVN sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi mỗi DN luôn phải nỗ lực hết mình mới có thể đứng vững trên thị trường quốc tế.

Các tin tức khác

>   VDSC khai trương đại lý nhận lệnh tại Đà Nẵng - Cần Thơ - Nha Trang (03/12/2007)

>   Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đến (03/12/2007)

>   Nhà đầu tư đang khan vốn (01/12/2007)

>   Vốn hóa thị trường chứng khoán sẽ chiếm 60% GDP (01/12/2007)

>   Niêm yết hai quỹ đầu tư VN trên thị trường châu Âu (01/12/2007)

>   Xây dựng thị trường chứng khoán hiện đại (30/11/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho TDH (30/11/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP Sông Đà 505 (30/11/2007)

>   IMP Thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phiếu (30/11/2007)

>   TCM: Khởi công xây dựng Tower 1 (30/11/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật