Cổ phiếu OTC vẫn trong cơn bĩ cực
Cung ngày một nhiều trong khi cầu có hạn khiến chợ OTC vẫn loay hoay trong cảnh ế ẩm. Không ít nhà đầu tư vì quá cần tiền muốn đẩy hàng đi, song chẳng có người mua, tới các công ty chứng khoán xin thế chấp cổ phiếu để có tiền mua hàng ngon hơn cũng không được.
Theo ông Bùi Ngọc Long, Giám đốc Marketing, Phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán IRS, thị trường OTC lâu nay chịu ảnh hưởng khá lớn bởi các "cò". Trước đây, các "cò" thường bỏ vốn ôm vào rất nhiều cổ phiếu, sau đó dùng các chiêu thổi giá để kích cầu, góp phần làm cho thị trường sôi động, dù đôi khi chỉ là giả tạo. Tuy nhiên, gần đây, họ cũng không dám ôm hàng bởi người mua ngày càng như "lá rụng mùa thu".
Vốn có quan hệ rộng trên thị trường OTC, ông Long cho biết, các "cò" giờ không còn thiết lên sàn nữa vì không kiếm được khách. Anh Quyền, một người môi giới lâu năm vẫn quyết bám trụ trên OTC cũng thừa nhận, để môi giới thành công một vụ mua bán cổ phiếu OTC bây giờ rất khó. Theo anh, hàng hóa trên cả thị trường niêm yết lẫn thị trường không chính thức ngày càng nhiều, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn.
Ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc phòng Phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán Tân Việt cho biết, thời điểm thực hiện chỉ thị 03 đang đến rất gần, trong khi đó, thị trường tập trung lại bị điều chỉnh mạnh, nhiều nhà đầu tư cần tiền muốn bán cổ phiếu trên OTC đi nhưng rao mãi mà chẳng có người mua.
Ông Quyến cho hay, gần đây, một số nhà đầu tư tới công ty xin thế chấp cổ phiếu OTC để lấy tiền trả nợ ngân hàng, hoặc để tham gia đấu giá IPO Vietcombank, nhưng Tân Việt không đồng ý. Việc thế chấp phải thông qua quá trình định giá, trong khi đó, việc làm này cũng phức tạp bởi nhiều cổ phiếu OTC không biết khi nào mới lên sàn.
Khảo sát của VnExpress cũng cho thấy, ngoại trừ các cổ phiếu sắp chào sàn và một số mã thuộc ngành bất động sản, còn lại các cổ phiếu khác trên OTC giao dịch rất chậm chạp, hoặc gần như không có giao dịch.
Hiện cổ phiếu của công ty cổ phần Thép Nam Vang được giới đầu tư trên OTC bàn tán nhiều nhất. Nguyên nhân là có thông tin cho biết công ty này chuẩn bị niêm yết trên sàn HASTC. Giá cũng tăng nhanh, từ 36.000 đồng ngày 10/12 được đẩy lên 40.000-41.000 đồng chỉ trong vòng 2 ngày.
Nhóm địa ốc, xây dựng chỉ có cổ phiếu HAGL của Công ty Hoàng Anh Gia Lai là tăng giá, còn lại đều giảm. So với thời điểm đầu tháng 12, giá của HAGL tăng khoảng 5.000 đồng, và đang được giao dịch ở giá 171.500 đồng. Còn lại, các mã khác như CONTECONS hay NBB giảm từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng.
Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, sau thông tin về giá khởi điểm của Vietcombank được tiết lộ, giá đột ngột khởi sắc trở lại, giao dịch cũng trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, những dự đoán trái ngược nhau về tác động cũng như giá trúng của Vietcombank liên tục đưa ra khiến nhóm này cũng chịu cảnh lừng khừng, giá liên tục giảm.
Nếu như ngày 3/12, cổ phiếu HBB được giao dịch thành công ở mức 66.500 đồng thì ngày hôm qua giảm còn 56.000 đồng, thậm chí đầu giờ sáng nay chỉ còn được trả ở giá 41.000 đồng.
Tương tự, cổ phiếu EIB cũng giảm khoảng 2.000 đồng, xuống còn 67.000 đồng, trong khi VIB cũng chỉ còn 61.400 đồng, rơi khoảng 1.000 đồng.
Theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ bật lên hoặc có thể tiếp tục giảm khi ngã ngũ kết quả IPO của Vietcombank. Nếu đợt đấu giá này thành công, giá của các cổ phiếu ngân hàng khác có thể được kéo lên.
Chợ OTC tới hết tháng 12 sẽ còn lình xình, theo nhận định của các chuyên gia. Nhà đầu tư nên thận trọng với các mua bán bởi tình hình giá cả trên thị trường OTC đang rất lộn xộn. Tình trạng làm giá, "thổi giá" thường xuyên diễn ra.
Chị Hương, ở Gia Lâm cho biết: "Hôm trước thấy một nhà đầu tư tên Thùy giao rao mua cổ phiếu FPTS ở giá 60.000 đồng, có cả số điện thoại di động hẳn hoi. Nhưng khi gọi thì chị ấy nói không hề đăng tin này, chắc là có ai đó dùng chiêu tự thổi giá".
VnE
|