Xử lý những vi phạm ở Inexim Đăk Lăk: Vẫn là… dấu hỏi
Sau khi Báo SGGP có bài viết về những khuất tất sau vụ phân chia cổ phiếu phát hành thêm của Sadabeco tại Công ty Đầu tư Xuất nhập khẩu Đăk Lăk (sau đây gọi tắt là Inexim), nhiều bạn đọc đã cung cấp thêm thông tin xung quanh những bê bối của giám đốc Inexim Đăk Lăk – ông Vân Thành Huy…
Công ty nhà nước lỗ nặng, giám đốc giàu lên...
Theo kết luận thanh tra số 16/BC-TTr ngày 14-7-2006 của Thanh tra Nhà nước tỉnh Đăk Lăk (sau đây gọi tắt là Thanh tra) thì chỉ riêng trong năm 2005, Inexim làm ăn thua lỗ hơn 9,6 tỷ đồng. Năm 2006, theo báo cáo quyết toán thuế của Inexim trình lên cục thuế thì con số lỗ tăng vọt lên gần 31,6 tỷ đồng.
Trước đó, theo báo cáo thuế của đơn vị này, các năm 2003, 2004 đều lỗ hoặc không có lãi. Đặc biệt, theo kết luận thanh tra, công nợ phải thu tính đến thời điểm thanh tra là còn khá lớn - gần 511 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản thu từ khách hàng và thu nội bộ. Tuy nhiên, các khoản nợ phải trả mới thật sự đáng quan tâm với hơn 731 tỷ đồng, đây là con số khá lớn so với nguồn vốn của công ty.
Ngoài ra, dự án liên doanh giữa Inexim và Nhật Bản kinh doanh căn hộ cao cấp tại thành phố Hồ Chí Minh cũng lỗ trầm trọng. Vốn góp ban đầu của Inexim là 1 triệu 569 ngàn USD (chiếm 47% tổng số vốn liên doanh), đi vào hoạt động từ năm 1998 nhưng do kinh doanh không hiệu quả nên tính tới 31-12-2005 đã lỗ đến 2 triệu 912 ngàn USD.
Đến nay vốn góp của Inexim chỉ còn… chưa đầy 201.000 USD, tương đương 6,01% tổng số vốn góp liên doanh ban đầu! Theo giải thích của ông Vân Thành Huy thì việc lỗ là có thật, nhưng do trên 50% giá trị vốn góp của công ty là quyền sử dụng đất nên công ty không bị mất tiền mặt (?!).
Công ty liên tục làm ăn thua lỗ, cán bộ công nhân viên thì “chết lên, chết xuống”, vậy mà khi công ty tiến hành cổ phần, ông Huy lại có tiền để đứng tên cá nhân mua 180.000 cổ phần (mệnh giá ban đầu là 10.500 đồng/cổ phần). Với giá trúng thầu là 38.000 đồng/cổ phần, từ gần 1,9 tỷ đồng mua số cổ phần nói trên, ông Huy đã “nhẹ nhàng” sở hữu gần… 7 tỷ đồng!
Những bí ẩn cần được giải mã
Đó là cách gọi mỉa mai của cán bộ công nhân viên Inexim Đăk Lăk khi nói về những “sự kiện” đã diễn ra tại đơn vị này.
Lý giải về thua lỗ trong năm 2005, Inexim cho biết do năm 2001 giá cà phê rớt mạnh. Dù được nhà nước cho khoanh nợ nhưng vì ngân hàng hối thúc nên doanh nghiệp phải bán cà phê giá thấp để trả nợ, sau đó phải mua lại giá cao nhằm giao hàng theo hợp đồng và dẫn đến bị lỗ. Riêng khoản lỗ gần 31,6 tỷ đồng của năm 2006 thì công ty không đưa ra được lời giải trình rõ ràng. Trong khi đó, dư luận đặt dấu hỏi về việc năm 2006, công ty tổ chức mua bán cà phê qua mạng Internet đã dẫn tới lỗ 18 tỷ đồng. Và điều đặc biệt ở đây là ai, tổ chức nào đã “thắng” ở các thương vụ mua bán qua mạng?
Trong khi công ty liên tục làm ăn thua lỗ, cán bộ công nhân viên “chết lên, chết xuống”, giám đốc Vân Thành Huy lại được tặng thưởng… Huân chương Lao động hạng 3 và danh hiệu “Doanh nhân tiêu biểu” (?!).
Sau khi Thanh tra có kết luận thanh tra và kiến nghị UBND tỉnh Đăk Lăk xử lý nghiêm những sai phạm của Inexim, ngày 6-11-2006, lãnh đạo UBND tỉnh Đăk Lăk đã có công văn số 3369/UBND-NC yêu cầu các cơ quan chức năng (trong đó có công an tỉnh) xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thế nhưng đến nay, hơn 1 năm trôi qua, mọi chuyện có vẻ như đang được “chìm” dần vào quên lãng. Mới đây, dư luận còn biết thêm thông tin về một vụ nhập kho giả 2.000 tấn cà phê trị giá 16 tỷ đồng của công ty này.
Theo đó, phiếu nhập kho không phải mẫu giấy ban hành của Bộ Tài chính; trong phiếu nhập kho không có các chữ ký của thủ kho, kế toán và người giao hàng mà chỉ có chữ ký của giám đốc Vân Thành Huy cùng người lập phiếu (chỉ ký mà không ghi tên). Một cán bộ lãnh đạo của công ty thừa nhận đã lập phiếu khống để thế chấp vay ngân hàng lấy tiền kinh doanh, sau đó đã hoàn trả đầy đủ số tiền vay và không gây hậu quả(?!).
Theo Luật Doanh nghiệp, người đứng đầu đơn vị làm ăn thua lỗ 2 năm liên tiếp, khi đơn vị cổ phần hóa, đương nhiên không được tiếp tục đứng đại diện phần vốn Nhà nước. Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào mà ông Huy lại tiếp tục “được” cấp trên tín nhiệm giao làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Inexim Đăk Lăk (?!). Vấn đề này ngày càng trở thành “dấu chấm hỏi” gây bức xúc trong dư luận, nhưng hồi âm từ phía các cơ quan chức năng vẫn chỉ là một “dấu chấm than” đầy nghi vấn.
“Thương vụ” 3.000 USD học phí
Ngày 6-2-2004, giám đốc Vân Thành Huy ký Quyết định 17/QĐ-CT “cử” cán bộ Vân Thị Ngọc Nga - con gái ruột - đi học ở nước ngoài. Chuyện sẽ không có gì nhiều để bàn nếu chỉ dừng lại ở việc công ty đề xuất cho con giám đốc đi học. Vấn đề là ở chỗ trong tờ trình mà công ty gửi lên UBND tỉnh đã ghi rõ “toàn bộ kinh phí do tập đoàn kinh tế Neumann Gruppe Gmbh đảm nhận”. Thế nhưng trên thực tế, với quyền hạn giám đốc, ông Huy đã ký trên danh nghĩa công ty chi “học phí” cho con gái 3.000USD và ký nhận luôn khoản tiền này!
Sự việc diễn ra trong thời điểm hết sức nhạy cảm: công ty đang làm ăn thua lỗ, công nhân phải nhận lương dưới mức cơ bản, hơn 120 lao động bị xếp vào tình trạng “dôi dư” phải nghỉ việc, đang từng ngày từng giờ chờ đợi nhận được tiền trợ cấp mất việc.
SGGP
|