Vietcombank đổi lịch IPO vì chưa hài lòng về giá đàm phán
Vietcombank sẽ thực hiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) ngay tháng 12, trước khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Tại cuộc gặp báo chí trưa nay, lần đầu tiên lãnh đạo ngân hàng xác nhận những thay đổi quan trọng trong lộ trình cổ phần hóa.
Theo bà Nguyễn Thu Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ công bố giá trị doanh nghiệp, thực hiện IPO và sau đó công bố nhà đầu tư chiến lược.
Trước đây, Vietcombank dự kiến bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trước, rồi mới bán đấu giá công khai trong nước. Tại cuộc gặp trưa nay, đại diện Vietcombank cho hay, kế hoạch đó chưa đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ và Vietcombank, nhất là về giá.
"Giá bán cho đối tác chiến lược sẽ phải cân đối hài hòa lợi ích của nhà nước, đối tác chiến lược và các nhà đầu tư nhỏ lẻ", bà Hà khẳng định.
Bà Nguyễn Thu Hà cũng cho biết, giá khởi điểm sẽ căn cứ vào tình hình thị trường, giá đấu của các ngân hàng và tổ chức tài chính mới thực hiện IPO, cũng như giá cổ phiếu của các ngân hàng đã niêm yết. Bên cạnh đó, còn dựa vào tư vấn của Credit Suisse, đơn vị đã được chọn làm nhà tư vấn tài chính cho Vietcombank trong cổ phần hóa.
Tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố giá trị doanh nghiệp của Vietcombank. Hiện vốn chủ sở hữu trước cổ phần hóa của Vietcombank theo kết quả kiểm toán là 11.000 tỷ đồng. Dự kiến sau khi cổ phần hóa, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam sẽ có vốn điều lệ 15.000 đồng. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ phát hành tổng khối lượng cổ phần trong giai đoạn thứ nhất là 30%, trong đó dành cho đấu giá công khai 6,5%, tương đương gần 1.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng giám đốc Vietcombank, cho hay hiện ngân hàng này chưa đàm phán lại với các đối tác chiến lược. "Sau khi thực hiện IPO, Vietcombank sẽ có cơ sở để đặt lại vấn đề với các nhà đầu tư chiến lược", ông Thanh nói. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, giá đấu lần đầu sẽ quyết định một phần, bởi nhiều yếu tố khác cũng có vài trò quan trọng.
Dự kiến Vietcombank sẽ công bố giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm 20 ngày trước khi thực hiện IPO. Ngân hàng này cũng sẽ tổ chức các buổi gặp mặt nhà đầu tư (roadshow) tại Hà Nội và TP HCM để trình bày và giải thích về quy trình IPO.
Kể từ khi có thông tin Vietcombank thay đổi lộ trình cổ phần hóa, giới đầu tư và các chuyên gia không ngớt bàn tán về giá dự kiến trong đợt IPO của đại gia ngân hàng này. "Nếu Vietcombank thực hiện IPO vào tháng 12 tới, giá đấu thành công chắc chắn sẽ phải trên 10 chấm", ông Hoàng, nhà đầu tư sàn Công ty cổ phần chứng khoán Đại Việt thử làm "thày bói".
Theo ông Hoàng, nếu chỉ tính về thương hiệu, cổ phiếu Vietcombank cũng đã hơn hẳn hai cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết là ACB và STB. Trong khi đó, giá khớp lệnh ACB tính tới ngày 16/11 đã là 169.000 đồng.
"Hơn nữa Vietcombank chỉ đấu lần đầu 1.000 tỷ đồng mệnh giá cổ phần, tham gia đấu giá không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà còn có các tổ chức cũng như ngân hàng thương mại khác. Cạnh tranh rất dữ", ông Hoàng nói.
Một nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho hay, không ít ý kiến đoán giá đấu thành công từ 120.000 đến 150.000 đồng một cổ phiếu. Thậm chí, ông cho rằng nếu từ nay đến ngày đấu giá thị trường chứng khoán sôi động trở lại, chắc chắn giá đấu thành công không dừng lại ở 15 "chấm".
Trong khi đó, giới chuyên gia lại rất thận trọng. Chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, rất khó đưa ra giá chính xác, bởi ngân hàng này chưa đưa ra giá khởi điểm. Hơn nữa, giá đấu thành công còn phải dựa trên nhiều yếu tố, trong đó có hiệu quả kinh doanh của nhà băng. Ông Nam cho rằng, nếu xét về lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đang chiếm ưu thế, bởi lợi nhuận dẫn đầu khối ngân hàng thương mại cổ phần.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn, đại diện Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) cùng ý các nhà đầu tư lẻ, khi cho rằng Vietcombank có lợi thế vì đang dẫn đầu thị trường về thương hiệu và thị phần. Nhận định của ông Tuấn là nhà đầu tư đang rất mong chờ cổ phiếu Vietcombank. Trong khi đó, ngân hàng này đưa ra 1.000 tỷ đồng mệnh giá cổ phần, nên sẽ rất dễ xảy ra tình trạng nhà đầu tư trả giá cao để dễ trúng thầu. Giá đấu bình quân cổ phiếu vì vậy cũng bị đẩy lên cao.
Nhà đầu tư nào, nội hay ngoại, sẽ trả giá cao hơn cho Vietcombank cũng trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong giới kinh doanh. Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó chấp nhận trả giá cao để trở thành cổ đông chiến lược của Vietcombank.
Chuyên gia chứng khoán Huỳnh Thế Du dẫn ví dụ trường hợp của láng giềng là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), nhà băng lớn nhất thế giới về giá trị thị trường hiện nay (300 tỷ USD).
Cách đây hơn một năm, Goldman Sachs và 2 nhà đầu tư khác chỉ chấp nhận bỏ ra 3,8 tỷ USD để có được 10% cổ phần của ICBC. Trong khi giá trị thị trường của ngân hàng này thời điểm đó đã lên đến gần 130 tỷ USD. Trước đó, 10% cổ phần của Ngân hàng xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc lần lượt cũng chỉ có giá 2,7 và 3 tỷ USD.
Theo ông Du, đối tác ngoại khó có thể chấp nhận bỏ ra một vài tỷ USD để sở hữu 10% vốn một ngân hàng có quy mô về tài sản chỉ nhỉnh hơn 1,1% của ICBC (tổng tài sản của ICBC vào khoảng gần 900 tỷ USD, trong khi Vietcombank hơn 10 tỷ USD). Thêm vào đó, nếu dựa vào nền kinh tế hiện tại thì giá trị thực của VCB chỉ vào khoảng 3,5 tỷ USD. 5 năm nữa, con số này chỉ khoảng 7 tỷ USD.
Cũng có những lo lắng của giới kinh doanh chứng khoán trong nước là để không phải trả giá Vietcombank cao, rất có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm cách ghìm thị trường để hưởng giá đấu bình quân thấp. Tuy nhiên, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, nhà đầu tư ngoại không thể liên kết với nhau để làm điều này vì lực lượng đồng nghiệp nội hiện nay cũng rất mạnh. Hơn nữa, nếu Vietcombank đưa cổ phần ra đấu giá vào tháng 12, có thể thị trường đã khởi sắc.
Giới đầu tư gần đây truyền đi thông tin Vietcombank đàm phán với 3 nhà đầu tư chiến lược là các tập đoàn tài chính Nomura, Goldman Sachs và General Electric. Từ 3 ứng viên này, ngân hàng sẽ lựa chọn 2 cổ đông chiến lược.
Tuy nhiên, đại diện Vietcombank khẳng định, thông tin này không chính xác. Goldman Sachs không tham gia đàm phán, và Nomura cũng không đứng tên một mình để tham gia.
VNE
|