Tiếng nói từ công ty quản lý quỹ
Lần đầu tiên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) tổ chức gặp gỡ đại diện 42 công ty quản lý quỹ trong và ngoài nước vào ngày 16/11 vừa qua, với sự tham dự đầy đủ của cả hội đồng quản trị và ban giám đốc.
Những gương mặt quỹ cũ gắn bó với thị trường từ ngày sàn Tp.HCM thành lập và những gương mặt quỹ mới mới chào đời cách đó hai, ba tuần cùng có mặt. Họ vui nhiều và băn khoăn không ít.
Mở hai tài khoản, vì sao không?
Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, thay mặt cho các quỹ nước ngoài kiến nghị với cơ quan quản lý thị trường bốn điểm.
Thứ nhất, không trì hoãn IPO các doanh nghiệp lớn và làm sao để IPO không chỉ đảm bảo lợi ích của Nhà nước, mà cân nhắc cả quyền lợi nhà đầu tư. Thứ hai là mở rộng thời gian giao dịch cho sàn Tp.HCM. Sàn có thể hoạt động cả buổi chiều như nhiều nước trong khu vực.
Thứ ba là xem xét thành lập một bảng giao dịch riêng (foreign board) cho các nhà đầu tư nước ngoài vì hiện tại những cổ phiếu tốt không còn “room” hoặc còn ít, trong khi nếu có bảng này, các nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch với nhau. Thứ tư là cho phép nhà đầu tư mở nhiều hơn một tài khoản giao dịch. Kiến nghị nhạy cảm này được đón nhận bằng những tiếng vỗ tay đồng tình.
Thực ra việc lập foreign board không phải là đề xuất mới. Nó đã được Kevin Snowball, Giám đốc điều hành Quỹ PXP đưa ra từ hai năm trước, nhưng câu trả lời của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) khi đó là chưa do phần mềm hệ thống giao dịch của sàn Tp.HCM chưa thể xử lý được vấn đề.
Đến nay sau nhiều lần nâng cấp, phần mềm đã mạnh đến mức cần thiết chưa, thì không biết. Đối với việc mở tài khoản thứ hai, trước đây cơ quan quản lý thị trường cho rằng tài khoản thứ hai không cần thiết và việc mở nhiều tài khoản sẽ tạo điều kiện thao túng thị trường, không kiểm soát được.
Tuy nhiên bây giờ, trả lời phỏng vấn của báo giới, Tổng giám đốc HOSE Trần Đắc Sinh khẳng định sở đã có đủ khả năng xử lý các vấn đề kỹ thuật, kể cả việc quản lý tài khoản thứ hai, chống lại các hành vi thao túng giao dịch. Kỹ thuật đã cho phép, vì sao việc ứng dụng vẫn chậm trễ?
Không chỉ giới đầu tư mà ngay cả Bộ Tài chính cũng hiểu rằng việc chỉ được mở một tài khoản giao dịch đã khiến nhà đầu tư không thể tận dụng tối đa thế mạnh của các công ty chứng khoán. Có công ty mạnh về môi giới, nhưng mảng tư vấn kém và ngược lại. Nếu có hai tài khoản ở hai công ty khác nhau, nhà đầu tư có thể tận dụng được nhiều ưu thế và giao dịch hiệu quả hơn.
Mặt khác, việc cấm mở tài khoản thứ hai đã làm nảy sinh hiện tượng một nhà đầu tư vẫn có hai, ba tài khoản do nhờ người khác đứng tên, ủy quyền. Chính đây mới là điểm khó quản lý và hầu như không quản lý được. Nhà đầu tư nhờ người khác mua bán hộ cổ phiếu bằng tài khoản không phải của họ cũng rất rủi ro. Thiết nghĩ khi hệ thống giao dịch của HOSE đã đáp ứng được yêu cầu quản lý tài khoản thứ hai, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên nghiên cứu một cách thực tế hơn đề xuất này.
Mở cửa chứng khoán: sớm hơn cam kết WTO
Nguồn tin trong giới chứng khoán cho biết Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn tất dự thảo lần cuối và chuẩn bị trình Bộ Tài chính qui chế tổ chức hoạt động của các quỹ, công ty quản lý quỹ nước ngoài. Theo đó Nhà nước cho phép các công ty quản lý quỹ nước ngoài có thể hoặc mở chi nhánh, hoặc lập công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam ngay trong năm 2008.
Nếu điều này xảy ra thì Việt Nam mở cửa lĩnh vực chứng khoán sớm hơn cam kết WTO tới năm năm. Ngoài ra, trong dự thảo quy chế cũng đề cập tới mô hình công ty đầu tư chứng khoán, một mô hình mới hiện chưa có trên thị trường.
Không phải ngẫu nhiên lĩnh vực chứng khoán lại được dự kiến mở cửa sớm như vậy. Theo một quan chức cấp cao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc không cho các công ty quản lý quỹ nước ngoài mở chi nhánh vô tình đã thúc đẩy họ đầu tư chui qua hình thức văn phòng đại diện. Luật hóa việc mở chi nhánh sẽ thu hút được vốn đầu tư, thu được thuế và quản lý được họ.
Hơn nữa, các chi nhánh hay công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài chỉ được quản lý các quỹ đầu tư nước ngoài. Còn việc quản lý các quỹ nội địa sẽ vẫn thuộc toàn quyền của các công ty quản lý quỹ trong nước. Thêm vào đó, các công ty quản lý quỹ trong nước được phép huy động vốn và quản lý quỹ nước ngoài.
Cấp phép phát hành: quản lý chạy theo thực tế
Một vấn đề khác được các công ty quản lý quỹ bàn luận nhiều là việc cấp phép phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp đang rất chậm. Một số công ty mà các quỹ bỏ vốn vào, không thể đảm bảo kế hoạch tăng vốn như thời hạn dự định, làm việc phân bổ vốn của các quỹ bị ảnh hưởng.
Ngay cả đại diện HOSE cũng thừa nhận nhiều công ty niêm yết phàn nàn họ bị lỡ kế hoạch phát hành. Nhưng việc cấp phép phát hành cổ phiếu không thuộc thẩm quyền của HOSE, mà thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nói sự chậm trễ một phần do doanh nghiệp không thực hiện đúng các thủ tục, có đơn vị phát hành xong mới đăng ký với Ủy ban. Phần khác là do hồ sơ phát hành năm nay tăng gấp năm lần so với năm ngoái. Vụ Phát hành của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phải làm thêm ngoài giờ, trưng tập người của các ban khác để hỗ trợ nhưng vẫn không thể giải quyết kịp.
Thế nhưng, theo giới thạo tin, thì một nửa số nhân viên của Vụ Phát hành Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang đi học hoặc trong nước, hoặc nước ngoài, chỉ còn một nửa quân số thụ lý hồ sơ doanh nghiệp. Và cho dù có yếu tố khách quan là số lượng hồ sơ phát hành tăng quá nhanh, thì câu chuyện cũ vẫn đang lặp lại: quản lý không theo kịp thực tế.
Lẽ ra khi Luật Chứng khoán có hiệu lực, đặc biệt là những quy định liên quan đến quản lý công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính phải lường trước vấn đề quá tải này.
Chứng khoán đang dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng đúng như chức năng của nó, do đó việc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn hàng năm sẽ ngày một nhiều, một nhanh trong tương lai. Bộ máy xử lý, cấp phép các hồ sơ phát hành thêm cho doanh nghiệp của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải được cấp tốc nâng cấp cả về lượng và chất. Không biết khi nhận Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về Bộ, Bộ Tài chính đã nhìn thấy trước thực tế này của ngày hôm nay?
Theo một quan chức cấp cao của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc không cho các công ty quản lý quỹ nước ngoài mở chi nhánh vô tình đã thúc đẩy họ đầu tư chui qua hình thức văn phòng đại diện. Luật hóa việc mở chi nhánh sẽ thu hút được vốn đầu tư, thu được thuế và quản lý được họ.
TBKTSG
|