Quỹ đầu tư: Vốn đi về đâu?
Kết thúc giai đoạn thị trường bất ngờ phục hồi mạnh mẽ trong tháng 10, sang tháng 11, cùng với xu hướng đi ngang của thị trường, một trong những CP được coi là có mức bình ổn nhất của thị trường là chứng chỉ quỹ lại gây thất vọng lớn cho NĐT khi liên tục sụt giảm.
Mặc dù cách đây không lâu, nhiều bản báo cáo, khuyến nghị và các thông tin về sự đổ vốn của các quỹ đầu tư (QĐT) nội - ngoại vào TTCKVN khiến NĐT hết sức hứng khởi vì tin vào một sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường trong dài hạn. Thế nhưng những diễn biến trong thời gian qua khiến NĐT đặt dấu hỏi lớn về hiệu quả giải ngân của các QĐT và những con số không biết đã đi về đâu?
Vì sao NĐT thất vọng?
Tính đến thời điểm này, có đến trên 60 QĐT lớn nhỏ trong và ngoài nước thực hiện giải ngân trên TTCKVN nhưng chúng ta vẫn chưa thống kê và quản lý được một cách đầy đủ số lượng và quy mô của các quỹ. Trong đó, có 2 quỹ phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng và niêm yết trên TTCK là VF1 và BF1, và sắp tới là QĐT Tăng trưởng Manulife cũng thu hút được sự quan tâm không nhỏ của giới đầu tư.
NĐT mua chứng chỉ quỹ kỳ vọng vào sự gia tăng giá trị tài sản ròng của quỹ với một danh mục đầu tư hợp lý cả về mức sinh lợi và rủi ro. Giao dịch của chứng chỉ quỹ trong tháng 11 giảm cả về khối lượng mua và bán nhưng lại tăng lên về quy mô và nghiêng về bên bán, trong đó, NĐTNN đã tranh thủ bán ra khá nhiều trong tháng 10 còn trong tháng 11 chủ yếu là các giao dịch mua vào một cách đủng đỉnh.
Kỳ vọng của những NĐT dài hạn và việc cố gắng giữ giá khiến cho giá BF1 mặc dù đã xuống dưới chỉ số giá trị tài sản thuần (NAV) nhưng vẫn đang cầm cự trên mệnh giá ở khoảng 10.3 - 10.7 hầu như trong suốt các phiên giao dịch trong tháng.
Sự thất vọng của NĐT không chỉ ở việc các QĐT không tạo được giá trị gia tăng cho giá trị tài sản ròng của quỹ mà còn vì lòng tin của NĐT và bộ máy quản lý quỹ bị sụt giảm như câu chuyện về VF1.
Không nhắc lại những cảm giác mà NĐT đã phải trải qua, nhưng cần khẳng định lại bên cạnh sự chuyên nghiệp, một danh mục đầu tư tốt, thì sự nỗ lực vì quyền lợi của các cổ đông là bài toán không chỉ của riêng các QĐT mà còn của các DN đại chúng đang thực hiện niêm yết huy động vốn trên TTCK. Và thực tế là NĐT vẫn đang kỳ vọng vào hiệu quả của các khoản giải ngân sắp tới của các quỹ cho đến khi thị trường có những dấu hiệu hồi phục.
Vẫn đang tìm thời điểm giải ngân
Rất nhiều QĐT được thành lập và thực hiện huy động vốn để đầu tư vào thị trường tài chính VN đặc biệt là các lĩnh vực "nóng" như BĐS OTC và thị trường CP niêm yết. Làn sóng đầu tư của các tổ chức nước ngoài được dự báo sẽ bùng nổ mạnh mẽ, tuy vậy dường như cũng đang ở giai đoạn "tìm kiếm cơ hội".
Bởi theo kế hoạch cuối năm 2007 và trong quý I/2008 sẽ có rất nhiều hàng hoá mới, chất lượng cao, được chờ đợi từ rất lâu được tung ra thị trường, và vì thế, các quỹ sẽ phải dành một lượng tiền nhất định để đón nhận nguồn cung đó từ thị trường. Chưa kể với diễn biến thị trường bất lợi như vừa qua, thì việc tìm một cơ cấu danh mục đầu tư hợp lý cũng là một vấn đề khá đau đầu với những người quản lý quỹ.
Hiện có rất nhiều QĐT nước ngoài cho rằng đã đến lúc giải ngân vào TTCKVN, vì P/E trung bình của toàn thị trường đang xoay quanh mức 25, một mức được cho là thích hợp cho các khoản giải ngân.
Tính riêng trong tháng 11, thì hầu hết CP đã giảm trung bình từ 3-25% so với mức đỉnh hồi tháng 10, kết hợp với quá trình điều chỉnh dài suốt 6 tháng từ tháng 3 đến tháng 9, nhiều CP trên thị trường đang được cho vào tầm ngắm vì đã trở nên rẻ tương đối so với kỳ vọng của NĐT.
Trong khi đó, liên tiếp nhiều QĐT ra đời như QĐT Tăng trưởng Manulife thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ trong tháng 7/2007 với số vốn điều lệ 250 tỉ đồng cũng đang tìm kiếm cơ hội giải ngân mặc dù quy mô vốn được coi là khá khiêm tốn so với các quỹ khác và so với quy mô thị trường.
Rất nhiều QĐT liên doanh giữa các đối tác Nhật Bản và các Cty quản lý quỹ, CTCK VN cũng lần lượt được thành lập như tập đoàn SBI Holdings (Nhật Bản) và TCty Đầu tư và Phát triển Công nghệ (FPT) lập QĐT chung đầu tư với giá trị 100 triệu USD, hay Cty Dịch vụ Tư vấn Đầu tư Nhật Bản (JICS) trở thành đối tác chiến lược CTCK APEC, đầu tư vào TTCK 200 triệu USD...
Đây có lẽ là động lực lớn hỗ trợ tâm lý của NĐT khi quyết định tiếp tục đầu tư vào các quỹ, cũng là động lực hỗ trợ cho sự hồi phục của TTCK. Và hy vọng NĐT không phải chờ đợi quá lâu.
LĐ
|