Thứ Hai, 08/10/2007 19:15

Nhiều sàn chứng khoán như chợ tạm

Thời gian gần đây khi thị trường chứng khoán sôi động trở lại, nhiều sàn chứng khoán rơi vào tình trạng quá tải. Cảnh chen chúc chật chội diễn ra hàng ngày.

Mới hơn 9h sáng 8/10, sàn của Công ty chứng khoán Ngân hàng Habubank trên phố Kim Mã đã đông nghịt khách. Anh Dương, nhà đầu tư mở tài khoản tại đây tới từ 8h30 nhưng chen lấn mãi mới "nhòm" được mã cổ phiếu của mình để xem thị trường đang diễn biến thế nào.

Chị Mai, nhà đầu tư khác, cũng cố gắng tận dụng lợi thế nhỏ nhắn của mình, lách lên phía trên để theo dõi bảng điện tử. Nhưng chị đành thất bại trước đám đông, vả lại cũng chẳng ai chịu nhường bởi mọi người đều muốn được tận mắt theo dõi giao dịch.

Cả sàn Habubank có 3 khu vực dành cho nhà đầu tư theo dõi giao dịch, nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Rất nhiều người không thể theo dõi được diễn biến thị trường. Thậm chí, một số người sau khi vất vả đặt được lệnh, muốn xem giao dịch ra sao nhưng không được nên đã văng ra những câu chửi thề khó nghe.

Chơi chứng khoán đã hơn 1 năm nay, anh Dương cho biết, vì sàn này gần nhà và lại có chỗ để xe hơi nên anh mới tới giao dịch ở đây. Thời gian gần đây sàn lúc nào cũng trong tình trạng quá tải như vậy, việc di chuyển và theo dõi bảng giao dịch đã rất khó khăn, chưa nói tới chuyện đặt lệnh.

Theo anh Dương, vì sàn quá nhỏ so với lượng nhà đầu tư nên nếu muốn có được một chỗ ngồi trong giai đoạn thị trường sôi động như hiện nay, anh phải đến từ 7h30 để "xí" chỗ. "Ấy thế mà chỉ cần mình đứng dậy đặt lệnh là bị người khác cướp ngay chỗ ngon", anh nói.

Theo quy định, các công ty chứng khoán phải có diện tích làm sàn giao dịch phục vụ nhà đầu tư tối thiểu 150m2. Thế nhưng, đại diện một công ty chứng khoán cho biết, vì quy định không nói rõ diện tích này là chỉ riêng khu vực cho nhà đầu tư giao dịch hay bao gồm cả quầy môi giới, đặt lệnh nên mới có cảnh chật chội như trên tại một số sàn.

Chẳng hạn như tại sàn Bảo Việt (BVSC) trên phố Huế. Một cán bộ của công ty này cho biết diện tích sàn đạt khoảng 200m2, nhưng riêng khu vực đặt quầy môi giới đã chiếm tới một nửa. BVSC phải tận dụng cả khu vực "chiếu nghỉ" ở cầu thang tầng hai để đặt bảng điện tử. Thế nên không thể tránh khỏi cảnh chen lấn, lộn xộn ở đây. Theo quan sát của VnExpress sáng 8/10, nhà đầu tư phải đứng cả trên cầu thang tầng hai để theo dõi giao dịch. Một số người thậm chí còn tụ tập thành nhóm ngồi trên cầu thang, uống trà đá và bàn tán về thị trường.

Sàn giao dịch của Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI trên phố Trần Bình Trọng cũng rất chật chội. Tuy có hai phòng, nhưng diện tích các phòng lại rất nhỏ, chỉ khoảng 20-30 người là hết chỗ.

Thực trạng chật chội trên được các công ty chứng khoán giải thích là do họ rất khó khăn trong việc thuê mặt bằng. Thậm chí một số công ty sẵn sàng chấp nhận giá đắt mà cũng không thuê được.

Ông Phạm Quang Huy, Phó giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt cho hay, các tòa nhà lớn thường không muốn cho các công ty chứng khoán thuê để đặt sàn bởi vì đặc trưng của sàn chứng khoán là đông người.

"Nếu sàn đặt ở tầng một sẽ rất bất tiện bởi đây là khu vực giao dịch chung của tòa nhà, còn nếu đặt ở các tầng trên thì còn khó hơn vì mỗi ngày có hàng trăm người tới giao dịch, sẽ rất lộn xộn, ảnh hưởng tới tình hình an ninh chung", ông Huy nói.

Chẳng hạn như BVSC có một sàn giao dịch tại đường Nguyễn Công Trứ, TP HCM và muốn mở thêm một số sàn khác nhưng tìm đỏ mắt một thời gian mà vẫn không thuê được. Bản thân nhân viên của BVSC cũng phải ngồi phân tán khắp nơi, phòng phân tích một chỗ, tư vấn lại phải ở chỗ khác, gây bất lợi cho công tác quản lý.

Chất lượng phục vụ đi xuống

Không chỉ phàn nàn về tình trạng chật chội ở một số sàn, nhiều nhà đầu tư còn bức xúc về chất lượng dịch vụ tại các công ty chứng khoán.

Sàn chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trên phố Huế có 3 bảng chứng khoán điện tử (2 bảng lớn và 1 bảng nhỏ), thế nhưng 2 bảng lớn rất mờ. Nhà đầu tư lúc nào cũng phải căng mắt ra mà nhìn vẫn không rõ. Chị Hà, một nhà đầu tư tại đây cho biết, cảnh "mờ mờ ảo ảo" này diễn ra từ nhiều ngày nay. "Lúc đầu không quen nhìn mãi không ra mã gì, bực mình lắm", chị nói.

Anh Tùng, nhà đầu tư khác còn sắm hẳn một chiếc máy có chức năng phóng to hình ảnh để theo dõi giao dịch. "Mình bỏ một đống tiền ra, công ty cũng thu rất nhiều mà dịch vụ cung cấp quá tệ nên đành phải tự trang bị thôi", anh than.

Theo quy định, các công ty chứng khoán phải có bảng tin để công bố thông tin cho khách hàng và phải có trang thông tin điện tử để nhà đầu tư có thể theo dõi dễ dàng. Thế nhưng tại nhiều sàn, phần công bố thông tin cho khách được thực hiện chiếu lệ, rất sơ sài. Có sàn, dù đã đi vào hoạt động gần 2 năm, vẫn không có trang tin điện tử. Nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lớn, than phiền vì chuyện không biết được số dư tài khoản và cổ phiếu của mình là bao nhiêu.

"Đáng lẽ chúng tôi có quyền được biết số dư tài khoản của mình, thế nhưng trang web không có mà nhân viên của họ thì hôm nhắn tin hôm không. Nếu muốn biết thì mình phải tự đi mà hỏi", một nhà đầu tư phàn nàn.

Theo quyết định số 27 của Bộ Tài chính ban hành về Quy chế tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5 vừa qua, điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán gồm:

Có trụ sở đảm bảo các yêu cầu: Quyền sử dụng trụ sở làm việc tối thiểu một năm, trong đó diện tích làm sàn giao dịch phục vụ nhà đầu tư tối thiểu 150m2, có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động kinh doanh, bao gồm: Sàn giao dịch phục vụ khách hàng, thiết bị văn phòng, hệ thống máy tính cùng các phần mềm thực hiện hoạt động giao dịch chứng khoán, trang thông tin điện tử, bảng tin để công bố thông tin cho khách hàng, hệ thống kho, két bảo quản chứng khoán, tiền mặt, tài sản có giá trị khác và lưu giữ tài liệu, chứng từ giao dịch đối với công ty chứng khoán có nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán...

VNE

Các tin tức khác

>   EPS thay đổi thành viên Hội đồng Quản trị và Bản điều lệ (08/10/2007)

>   TAC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn (08/10/2007)

>   TS4: Giao dịch cổ phiếu của Kế toán trưởng (08/10/2007)

>   VTA phát hành thêm cổ phiếu và lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành thêm (08/10/2007)

>   MCV Thay đổi pháp nhân sở hữu cổ phiếu (08/10/2007)

>   PJT: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (08/10/2007)

>   HAX: Giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (08/10/2007)

>   Xử lý vi phạm công bố thông tin giao dịch nội bộ (08/10/2007)

>   Dự báo chứng khoán sẽ tiếp tục tiến lên (08/10/2007)

>   Gia hạn Giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu cho CTCP Cơ khí lắp máy Sông Đà (08/10/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật