Môi giới chứng khoán cũng "lướt sóng" IPO
Từ khi thị trường nóng trở lại, nhà môi giới cũng đôi lúc tranh thủ gom tiền "lướt sóng" trong các đợt IPO. Với lợi thế thông tin, họ tự tin gần như không gặp rủi ro.
25 tuổi, được trang bị đủ kiến thức kinh tế, tài chính chuyên ngành nhưng Phương, một chuyên viên bộ phận OTC (cung ứng dịch vụ giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết) của một công ty chứng khoán, tự nhận mình làm không đúng nghề. Công việc chính của cô là thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đấu giá, ủy thác của công ty.
"Phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) thường để lựa chọn nhà đầu tư dài hạn theo đúng nghĩa, nhưng bây giờ ai cũng chỉ nghĩ đến làm sao "lướt" cho nhanh nếu trúng. IPO bây giờ đầu cơ là chính", Phương nhận xét. Theo chuyên viên này, nhà đầu tư chưa mấy quan tâm đến tình hình doanh nghiệp, chỉ miễn sao đấu giá "ngon" và sẵn sàng bán ngay để kiếm chênh lệch.
Đa số người đầu cơ IPO đều không có ý định mua và giữ cổ phiếu lâu dài vì nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là không có tiền. Họ chỉ đăng ký, đặt cọc một ít tiền và chờ cơ hội kiếm vài ba giá. Do đó, nếu không "thanh lý" nhanh, rất dễ mất cả chì lẫn chài vì mất cọc. Theo Phương, nghề môi giới "lướt" suất trúng đấu giá gần đây là lợi thế nghiêng về dân chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán.
Cô thừa nhận cách làm này có vẻ chộp giật, nhưng thực tế lại dễ kiếm tiền. Cô và một vài người bạn còn góp tiền lại tham gia đấu giá và cùng "lướt". "Thiên hạ làm ầm ầm thì mình cũng phải theo. Mặt khác, với lợi thế từ thông tin khách hàng của công ty, thì gần như "lướt" không có rủi ro", Phương tiết lộ.
Trên thị trường OTC, ranh giới giữa môi giới và "cò" rất khó phân biệt. Người hoạt động môi giới có nhiều nhưng số thành danh, uy tín thì rất hiếm. Mục tiêu và cách thức tạo nguồn thu nhập là yếu tố quyết định phân biệt một môi giới đẳng cấp với một tay "cò".
Anh Nguyên, vốn là một chuyên viên phòng OTC của một công ty chứng khoán trên phố Kim Mã (Hà Nội) đã làm môi giới tự do 3 năm nay cho biết, hầu hết hoạt động của một nhà môi giới chuyên nghiệp cũng tương tự như "cò" nhưng ở cấp độ cao hơn. Các môi giới chuyên nghiệp xây dựng được mạng lưới nguồn tin đáng tin cậy. Họ không chỉ "khớp lệnh" các nhu cầu của khách hàng mà còn phải tư vấn và cung cấp thông tin về cổ phiếu.
Phương thức kiếm lợi nhuận của người môi giới là hoa hồng trong khi "cò" hưởng chênh lệch giá. "Thoạt nghe thì thấy hai phương thức này có vẻ giống nhau song các nhà môi giới chuyên nghiệp luôn có ý thức gìn giữ uy tín của mình để giữ khách, ít khi sa vào những vụ làm ăn chộp giật", anh Nguyên khẳng định.
Thị trường OTC không bị ràng buộc chặt chẽ việc công khai, minh bạch nên người nào nhiều thông tin hơn sẽ thắng. Vì thế, không ít "cò" đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhà đầu tư để "làm hàng" cho một loại cổ phiếu nào đó với mục đích thực hiện được giao dịch, bất kể những thiệt hại có thể xảy đến với khách hàng.
Theo anh Nguyên, nhà môi giới luôn có những căn cứ thông tin chuẩn xác và đáng tin cậy về doanh nghiệp, đặc biệt là tình hình giao dịch cổ phiếu hiện tại. Có những môi giới chỉ chuyên về một loại cổ phiếu của một ngành nào đó mà họ có thế mạnh. Họ có mối quan hệ rất rộng về nguồn hàng cũng như nhu cầu mua để phục vụ khách hàng. Mặc dù không phải môi giới nào cũng là dân chuyên về tài chính, chứng khoán nhưng kiến thức đủ để tư vấn cho khách hàng.
LĐ
|