Xác định mục tiêu mới: 1.150 điểm ++
Tin vui là chỉ số VN-Index giảm 4,94 điểm (-0,51%) trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Vui vì một bước lùi của thị trường lại tạo được cảm giác dễ chịu và tràn đầy lạc quan nơi nhà đầu tư.
Cảm giác dễ chịu ở đây có thể diễn tả bởi việc nhiều nhà đầu tư tin rằng, giai đoạn gian khổ đã được đặt dấu chấm hết sau khi VN-Index có đợt tăng 7 phiên liên tiếp. Vậy là đã hơn 6 tháng kể từ cái ngày VN-Index leo lên nấc thang cao nhất 1.170,67 điểm (ngày 12/03/2007) và sau đó diễn ra một đợt thanh lọc hà khắc. Xu hướng tăng trưởng cũng được khẳng định thêm bởi một tiếng nói nặng ký: giá trị giao dịch tại sàn TP. HCM đã quay lại ngưỡng 1.000 tỷ đồng/phiên.
Ngày vui trở lại
Căn cứ để khẳng định như trên là quy luật thị trường OTC Việt Nam luôn đi chậm hơn thị trường niêm yết một nhịp tăng trưởng trong khi nhịp suy giảm lại thường đến trước. Lý do khiến quy luật này tồn tại trong nhiều năm qua là vì thị trường OTC vẫn tự phát, thông tin hạn chế và thiếu tin cậy, giao dịch chưa đạt độ an toàn cần thiết, tính thanh khoản kém, số lượng nhà đầu tư và giao dịch thường xuyên cũng ít hơn thị trường niêm yết. Xét TTCK 6 tháng qua (từ tháng 3 đến đầu tháng 8), xu hướng chủ đạo điều chỉnh giảm mạnh và kéo dài sau giai đoạn hai năm tăng trưởng nóng. Bước vào tháng 9, báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế cũng như trong nước đã đề cập đến xu hướng tăng trưởng tương đối rõ ràng cho giai đoạn quý IV năm nay (thời điểm tăng trưởng không khẳng định rõ).
Gương mặt của cộng đồng nhà đầu tư trong tuần qua đã giãn ra nhờ việc cổ phiếu đồng loạt tăng giá trên thị trường niêm yết cũng như thị trường OTC. Trong đợt tăng giá lần này, người ta nhìn thấy rõ mặt bằng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng, đối tượng hàng hóa chính của thị trường OTC (chiếm hơn 70% giá trị giao dịch) và có ảnh hưởng lớn trong nhóm blue-chip trên thị trường niêm yết (gồm STB và ACB), có mức hồi phục rõ nét. Các nhóm môi giới OTC cho biết, tình hình mua bán tự nhiên trôi chảy trong 10 ngày qua khi nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng và cổ phiếu ngành bất động sản có mức tăng đột biến 15% - 20%. Theo quan sát của ĐTCK, sự sôi động trở lại của thị trường OTC là dấu hiệu thuyết phục nhất cho thấy chu kỳ tăng trưởng cuối năm của thị trường niêm yết đã bắt đầu sớm hơn dự kiến (xem bài Nhiều lý do để mua cổ phiếu ngay hôm nay, ĐTCK số ra ngày 7/9/2007).
Thử làm một phân tích đơn giản về tâm lý thị trường thế này: cơ sở lập luận là việc nhiều nhà phân tích cùng gặp nhau ở một tư tưởng lớn rằng, cổ phiếu ngân hàng là chọn lựa của số đông nhà đầu tư OTC, đặc biệt là nhà đầu tư mới tham gia TTCK trong hai năm trở lại đây vì ý nghĩ đơn giản rằng, “nếu tôi không biết nên mua gì thì mua cổ phiếu ngân hàng là tốt nhất”. Do tập hợp bởi nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm tham gia đầu tư, nhóm cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam có hệ số nhạy cảm cao đối với các xu hướng biến động của thị trường (do tác động của hiệu ứng tâm lý đám đông), họ dễ dàng tháo chạy khi thị trường đi xuống và mua lại khi thị trường đi lên. Do đó, xét trường hợp thị trường giảm sâu trong nhiều tháng qua, tâm lý đám đông đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ nghiêng về chọn lựa bán trong khi chọn lựa mua thường chỉ đến khi dấu hiệu hồi phục chung của thị trường đã rõ ràng. Kết luận, nếu ghi nhận rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng trở lại một cách rõ ràng thì xu hướng tăng trưởng chung của thị trường là có thể khẳng định.
Quan trọng là sức khỏe công ty niêm yết
Sẽ là thiếu thực tế nếu nghĩ rằng sức khỏe của công ty niêm yết đều tốt và thị trường không có vấn đề gì lo ngại cho sự tăng trưởng. Thật ra, thách thức lớn nhất đối với các các công ty niêm yết trong năm 2007 không phải là một sự thể hiện bởi những thành tích đột biến mà là duy trì được thành tích như đã đạt được trong quá khứ với nhiều trách nhiệm và áp lực hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết công ty niêm yết đều tăng trưởng rất nhanh về quy mô sản xuất, kinh doanh và vốn huy động trong năm 2005 và năm 2006 nên chất lượng tăng trưởng sẽ rất khó để duy trì vì thông thường, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chậm hơn tăng trưởng về vốn (do vốn huy động cần có thời gian đưa vào sản xuất, kinh doanh). Ngoài ra, khả năng của nhân lực và chất lượng quản trị là thách thức sống còn khi doanh nghiệp có quy mô tăng 2 - 3 lần.
Điều đáng vui mừng là tính đến thời điểm này, qua kết quả quý II và kết quả 8 tháng đầu năm, thành tích của các công ty niêm yết trong chất lượng tăng trưởng đã gây ngạc nhiên cho cả thị trường. Điều này được xác định như là cơ sở cho việc khuyến cáo “mua vào” được nêu ra trong các báo cáo mới đây từ các tổ chức tài chính. Theo nhận định của nhiều CTCK, đa số công ty blue-chip sẽ thực hiện đạt và vượt kế hoạch kinh doanh năm 2007.
Điều này đồng nghĩa với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2007 là từ 20% - 50% tùy doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng cao cũng là cơ sở để giúp chỉ tiêu P/E của các công ty niêm yết được cải thiện từ mức quá cao hồi cuối quý I (theo nhận định của nhiều tổ chức nước ngoài) xuống mức hợp lý để đầu tư (theo các báo cáo cuối quý III).
So với năm 2005 và năm 2006, khả năng vượt xa kế hoạch kinh doanh của các công ty niêm yết không hoàn toàn rõ ràng và lúc này còn quá sớm để kết luận. Tuy nhiên, nếu xét đến triết lý đầu tư của các nhà đầu tư trung và dài hạn thì có thể thấy rằng, VN-Index hiện đang ở mức của 2 tháng đầu năm 2007, trong khi doanh nghiệp đã tăng trưởng 20 - 30%, nghĩa là cơ hội đầu tư cũng hấp dẫn hơn một khoản tương ứng do giá cổ phiếu rẻ hơn. Do vậy, nếu chúng ta kỳ vọng giá cổ phiếu chỉ tăng 10% trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, mục tiêu mới của VN-Index ít nhất cũng phải là 1.150 điểm.
Phải chăng do tin đồn?
Đợt tăng trưởng của thị trường lần này không loại trừ dấu hiệu của thị trường bị tác động bởi tin đồn và yếu tố tâm lý thiếu ổn định. Tin đồn đáng quan tâm nhất đã được loan truyền trong dư luận hiện nay là mức giá mà nhiều tổ chức nước ngoài chấp nhận mua cổ phiếu Ngân hàng Vietcombank ở mức cao ngất: 20 - 22 lần mệnh giá. Về việc này, các quan điểm được tranh luận trên báo chí (dự đoán mức giá của cổ phiếu Viet combank) cũng như ý kiến nhận định của nhà đầu tư cũng rất khác nhau. Nhiều doanh nghiệp tỏ ý nghi ngờ: “thương hiệu hay chi nhánh cũng có giá trị giới hạn và nếu có mức giá này thì hơi điên”, giám đốc một công ty blue-chip nhận định.
Tuy nhiên, quan điểm của nhiều nhà đầu tư lại có phần tin vào tin đồn trên. Ghi nhận tại các sàn giao dịch lớn như SSI, BVSC, MHBS… cho thấy, hầu hết nhà đầu đang đẩy mạnh mua vào trong tuần qua đều tin vào khả năng cổ phiếu Vietcombank được trả giá cao gấp 20 lần mệnh giá. Niềm tin này được thể hiện rõ nhất qua việc cổ phiếu Ngân hàng ACB và STB có nhiều phiên tăng trần với lượng mua gấp nhiều lần lượng bán.
Cùng với việc nhiều ngân hàng đang triển khai trở lại dịch vụ Repo (như Ngân hàng Nông nghiệp, Sacombank…), khả năng mở room cho nhà đầu tư nước ngoài được đề cập nhiều và động thái đẩy nhanh giải ngân của nhiều quỹ đầu tư được ghi nhận, có thể tin rằng, thị trường cuối năm 2007 có thể “cháy bùng” như đã xảy ra trong giai đoạn cuối năm 2005 và cuối năm 2006. Tin đồn tuy vẫn chỉ là tin đồn nhưng đôi khi, trên TTCK bạn nên tin những điều tưởng chừng không thể xảy ra.
ĐTCK
|