Nặng nỗi lo thuế cao
Tháng 9, mùa gặt hái của một năm đầu tư chỉ còn tính từng ngày (xem thêm ĐTCK số ra ngày 6/9/2007). Niềm hân hoan khi nhìn thấy thành quả xứng đáng cho đồng vốn bỏ vào các công ty niêm yết đã góp phần mang lại màu xanh trên TTCK trong tuần qua. Nhưng bên dòng chảy hướng đến tương lai của sự thịnh vượng nơi miền đất hứa là TTCK, nhà đầu tư đang mang một nỗi lo mới: thuế cổ tức 5%, thuế lợi nhuận 25%.
Truy bắt con “săn sắt”
“Người đi trong nước mắt. Trở về ôm bó lúa trên vai, ca hát sướng vui”, tình cảnh nhà đầu tư bước vào những phiên giao dịch đầu tháng 9/2007 làm người viết bài liên trưởng đến đoạn kinh thánh trên.
5 tháng vừa qua, 3/2007 - 8/2007, những nhà đầu tư mới đến thị trường trong khoảng cuối năm 2006 đến nay đã nếm nhiều trái đắng. Một mặt giá cổ phiếu giảm 20% - 50%, nhưng nhà đầu tư vẫn phải bán với giá lỗ để trả nợ vì Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước buộc nhiều ngân hàng phải ráo riết thu hồi nợ. Mặt khác, nhiều tổ chức nước ngoài không ngớt “rung cây” bằng các báo cáo ngoại, trong khi tính chuẩn mực của các báo cáo này không được thẩm định.
Hôm nay, thị trường hân hoan khi nhiều DN niêm yết thuyết phục được các nhà đầu tư trong ngoài nước về tốc độ tăng trưởng năm 2007 vượt mức mong đợi, nhưng trong quả ngọt đầu mùa vẫn lẫn dư vị đắng chát của một mùa hè khắc nghiệt. Đâu đó trên báo chí người ta vẫn nhắc lại câu chuyện về nhà đầu tư phải chấp nhận bán cổ phiếu giá lỗ để trả nợ ngân hàng cho dù họ đã gần chạm tay đến quả ngọt (là khi kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm được công bố vào đầu tháng 10). Nói là gần chạm tới vì giá giao dịch của hầu hết các cổ phiếu niêm yết và OTC hiện vẫn thấp hơn giai đoạn tháng 3/2007 một khoảng từ 20% - 50%.
Sở dĩ phải nhắc lại mặt thiếu tích cực của Chỉ thị 03 là do chỉ thị này đã được đưa ra đúng vào lúc các nhà đầu tư cần sự hỗ trợ thiết thực nhất từ phía ngân hàng. Cái được của Chỉ thị 03 có thể là sự phòng bị và lo xa cho hệ thống ngân hàng khi hệ thống này mới vừa “nhón ngón tay út” vào các khoản vay chứng khoán (tỷ lệ dưới 10%), nhưng bên cạnh đó là cái mất của hàng chục ngàn nhà đầu tư mới và TTCK đã mất 5 tháng điều chỉnh với hàng ngàn tỷ đồng bốc hơi, hàng chục DN nhà nước IPO không thành công, nhiều kế hoạch IPO lớn trong năm 2007 phải “lỡ hẹn” chỉ vì thời điểm thị trường không tốt.
Nhớ lại khi Chỉ thị 03 được ban hành, cộng đồng nhà đầu tư và nhiều ngân hàng đã đồng loạt có ý kiến không đồng thuận, nhưng cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm. Lần này, dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân đánh trên nhà đầu tư chứng khoán cũng gặp sự phản ứng từ giới đầu tư, các công ty chứng khoán, các hiệp hội, các nhà nghiên cứu, nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm tại dự Luật. Không biết khi nguồn thu thuế từ nhà đầu tư chứng khoán tăng lên, TTCK sẽ phải hy sinh những gì, nhưng ngay từ bây giờ, nhiều ý kiến đã cho rằng, nhà đầu tư sẽ bỏ thị trường vì thuế cao.
Có bỏ mất con “ cá rô “ ?
Nói đến thành tựu của chính sách kinh tế trong 10 năm qua không thể không nói đến sự kiện lịch sử là khai trương TTCK vào tháng 7/2000. Từ đó đến nay, TTCK từ một ý niệm mơ hồ trong nền kinh tế đã trở thành giải pháp khôn ngoan và hiệu quả nhất cho những vấn đề hóc búa nhất: thu hút hàng chục tỷ USD vốn từ gầm giường nhà dân để bơm vào nền kinh tế, hàng trăm nghìn người Việt Nam đã nhận thấy việc bỏ vốn đầu tư cho tương lai của DN để làm giàu cho mình là cần thiết, hàng nghìn DN nhà nước sống lay lắt nhiều năm liền nhờ TTCK mà hoạt động hiệu quả hơn. Nhà nước có khoản lợi nhuận gấp 5 - 7 lần những gì đã bỏ vào các DN, nhiều DN Việt Nam trưởng thành vượt bậc và nền kinh tế Việt Nam hội nhập nhanh với khu vực và thế giới…. Với tốc độ phát triển như vừa qua, chắc chắn TTCK sẽ còn làm được nhiều điều kỳ diệu gấp 5 gấp 10 trong những năm tới.
Cũng có thể có một số điều chưa hoàn toàn tích cực mà TTCK mang lại như sự phân hóa giàu nghèo lớn hơn (vì việc đầu tư sinh ra của cải), xã hội thay đổi (người ta có nhiều tiền hơn sẽ có nhiều nhu cầu hơn)... Nhưng với những gì mà TTCK đang và sẽ mang lại cho đất nước, mục tiêu ưu tiên số 1 trong chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới là phát triển TTCK Việt Nam bền vững, thịnh vượng. Trên quan điểm như vậy, nếu một chính sách nào đó có vai trò không thật lớn như khoản thu thuế mà là trở lực quá bất lợi cho sự phát triển của TTCK trong giai đoạn hội nhập hệ trọng của đất nước thì nên được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm áp dụng và mức độ áp dụng (thuế suất).
Người dân Việt Nam từ hàng chục năm nay tích trữ phần lớn của cải dưới dạng ngoại tệ mạnh (tạo ra thị trường ngoại tệ chợ đen không lành mạnh) và đất đai (tạo ra tính đầu cơ rất cao của thị trường bất động sản - giá đất vô cùng bất hợp lý đối với thu nhập của người dân). Thành lập 7 năm qua, nhưng TTCK chỉ mới thực sự là cơ hội của đồng vốn mà nhiều người dân chọn lựa được hơn 2 năm, kể từ khi thị trường khởi sắc từ đầu năm 2005. Nếu thuế từ chứng khoán quá cao, hàng chục triệu người dân Việt Nam hiện đang đứng ngoài TTCK có thể sẽ tiếp tục đúng ngoài và thiểu số (chưa đến 0,5% dân số) sẽ có thể dần xa rời thị trường. Vậy, hãy đợi đến khi nhiều nhà đầu tư đến và giàu lên với TTCK rồi hãy nói chuyện thu thuế.
Khi nói về thuế thu nhập từ chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng, mức 25% lợi nhuận từ chuyển nhượng cổ phiếu, 5% cổ tức là mức quá cao và không loại trừ yếu tố chi phí hay gia cảnh. Người viết bài này cứ tạm cho rằng, nhà đầu tư chứng khoán vốn giàu có thì mức thuế 25% vẫn là quá cao. Hiện nay, thu nhập từ cổ tức mà nhà đầu tư được hưởng từ cổ tức trên số tiền đầu tư cao nhất cũng chỉ 5%, là mức thấp hơn nhiều so với lãi suất tín dụng. Thấp như vậy sao còn đánh thuế?
Những tổ chức đầu tư giỏi nhất thế giới như Merrill Lynch, JP Morgan... hay tầm cỡ tại Việt Nam như VinaCapital, DragonCapital, VietFund… cũng chỉ dám kỳ vọng lợi nhuận từ việc đầu tư cổ phiếu trong một năm ở mức 10 - 30%, mà tỷ lệ là 5 ăn 5 thua, với nhà đầu tư cá nhân thì tỷ lệ thắng (đầu tư có lãi) luôn thấp hơn so với nhà đầu tư tổ chức. Vậy có hợp lý không nếu mức thuế mà nhà đầu tư cá nhân sắp phải đóng tính trên lợi nhuận gần ngang bằng với mức thuế của các tổ chức đầu tư? TTCK ở thời kỳ nào mà nhà đầu tư cá nhân có nguy cơ phải gánh mức thuế lên đến 25%, thưa Bộ Tài chính?
ĐTCK
|