Dừng cấp phép, thành lập công ty chứng khoán
Cơ quan chức năng vừa đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng về tình trạng quá tải trong việc ra đời các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ.
Đến nay, tổng giá trị vốn hóa thị trường đối với cổ phiếu niêm yết tại thời điểm cuối tháng 8 -2007 đạt mức khá cao, xấp xỉ 19,5 tỷ USD, chiếm 31% GDP, (tăng hơn 20 lần so với cuối năm 2005). Quy mô thị trường cổ phiếu tăng nhanh và số lượng giao dịch cổ phiếu cũng tăng khoảng 8 lần. Sự tăng trưởng nóng của thị trường và những khoản lợi nhuận khá lớn của các công ty chứng khoán trong thời gian qua đã khiến hàng loạt công ty khác lao vào muốn lập công ty chứng khoán.
Ở những thị trường lớn như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan..., số lượng công ty chứng khoán không nhiều. Trong khi đó, nước ta hiện đã có 60 công ty chứng khoán và 20 công ty quản lý quỹ đầu tư đã được cấp phép hoạt động. Gần đây UBCKNN lại tiếp tục nhận được lượng hồ sơ xin phép rất lớn với hơn 80 công ty chứng khoán và khoảng 30 công ty quản lý quỹ. Nếu số hồ sơ này được chấp thuận thì số công ty chứng khoán của Việt Nam sẽ gần gấp đôi so với các công ty chứng khoán ở Hàn Quốc, gấp 3,5 lần so với Thái Lan và vượt trên 30 công ty so với tổng số lượng các công ty chứng khoán của Trung Quốc. Tóm lại số lượng các công ty chứng khoán ở Việt Nam là quá nhiều, vượt quá xa so với quy mô thị trường.
Nếu Chính phủ không can thiệp, có thể sẽ xảy ra khả năng đổ vỡ ở các công ty chứng khoán, nhất là công ty mới thành lập. Thực tế không ít công ty chứng khoán mới thành lập từ đầu năm nay đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khả năng tự doanh khi giá chứng khoán giảm mạnh liên tiếp kể từ tháng 3-2007. Trong khi đó, thị phần vẫn chủ yếu nằm trong tay các công ty chứng khoán đã thành lập từ trước. Sự ra đời ồ ạt của các công ty chứng khoán mới cùng với xu hướng đi xuống của thị trường đã khiến các công ty chứng khoán có “bề dày” đều bị giảm cả lợi nhuận và doanh thu. Lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2007 của BVSC giảm tới 25%; TLS giảm khoảng 20%. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của BVSC cũng giảm 13%, của IBS giảm 66%, EABS giảm 61% và SSI giảm tới gần 90%.
Mặt khác, sự ra đời của các công ty chứng khoán mới sẽ gây sức ép về hạ tầng công nghệ thông tin đối với Sở GDCK TPHCM và TTGDCK Hà Nội. Vì các lý do trên, mới đây lãnh đạo UBCKNN đã kiến nghị cần phải nâng các điều kiện, tiêu chí hoạt động đối với các công ty chứng khoán như vốn, nghiệp vụ, công nghệ. Trước mắt, để hạ nhiệt tình trạng tăng nóng công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, cần ngừng tiếp nhận các hồ sơ mới để tập trung phân loại, xử lý số hồ sơ hiện có; xem xét nghiêm túc có cần cấp phép thành lập công ty chứng khoán mới.
SGGP
|