“CPH không phải là kinh doanh vốn”
Câu chuyện CPH các DNNN lớn vẫn gây nhiều tranh cãi và chưa có một công thức chuẩn đem lại hiệu quả. Từ nay đến cuối năm, nhiều DNNN lớn sẽ CPH và sẽ có những tác động không nhỏ đến bối cảnh chung của thị trường. DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Lê Hồ Khôi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty chứng khoán Tràng An xoay quanh vấn đề này.
- Có thể nói lộ trình CPH của Bảo Việt đã không đem lại kết quả như mong muốn khi việc định giá tài sản DN bị đẩy lên quá cao và các nhà đầu tư nước ngoài đã không mặn mà vì phải "đi sau" các nhà đầu tư cá nhân. Rút kinh nghiệm từ Bảo Việt, VCB đã không xác định lại giá trị DN và bán cho các nhà đầu tư chiến lược trước. Ông có cho rằng cách làm của VCB đem lại hiệu quả?
Tôi luôn tự hỏi, tại sao nhà đầu tư chiến lược (tức là nhà đầu tư đi lâu dài với Cty, cam kết đóng góp uy tín - thương hiệu, công nghệ, nguồn lực vốn, nhân lực, giúp phát triển hoặc chia sẻ thị trường và có thể còn nhiều cam kết khác...) khi tham gia DNNN lại phải chấp nhận đầu tư với mức giá hình thành từ đấu giá chịu ảnh hưởng của yếu tố đầu tư ngắn hạn/hay đầu cơ. Vào đầu năm nay nhiều nhà đầu tư đã gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện cam kết góp vốn để trở thành nhà đầu tư chiến lược. Cá biệt có nhiều tổ chức đã chịu thua lỗ nặng nề khi thực hiện cam kết.
Vì vậy việc VCB xác định giá trị DN, đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược trước về phương thức tham gia của họ, bao gồm các cam kết về quyền lợi và trách nhiệm, cam kết về mức giá. Và sau khi đã thoả thuận với các nhà đầu tư chiến lược, VCB sẽ thực hiện đấu giá một tỷ lệ vốn thích hợp. Theo tôi đây là phương pháp hợp lý để CPH DNNN lớn.
- Ông có thể cho biết kinh nghiệm của quốc tế trong việc CPH các DNNN lớn?
CPH DNNN lớn được thực hiện ở tất cả các quốc gia, ở các nước phát triển như Anh dưới thời Thủ tướng Thatcher, ở Nhật, Hàn Quốc, hay đã và đang thực hiện ở các nước đang phát triển và các nước chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường như khối Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam.
Kinh nghiệm quý báu nhất về CPH các DNNN lớn đó là:
Thứ nhất, thực hiện CPH DNNN nhằm tạo động lực cho DN phát triển, quản trị và đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn.
Thứ hai, thông qua CPH, Nhà nước giảm bớt sự can thiệp hành chính vào hoạt động DN, rút vốn (giảm bớt) nhà nước ở DN để phục vụ các mục tiêu khác. Về cơ bản, CPH không nên coi là kinh doanh vốn và vì thế tiêu chí tối đa hoá lợi nhuận khi rút vốn NN có lẽ là không hợp lý.
Thứ ba, cần có kế hoạch, lộ trình thực hiện CPH công bố công khai tạo điều kiện cho nhà đầu tư nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trong đó quá trình đàm phán với đối tác chiến lược là quan trọng nhất đối với CPH DNNN lớn. Cuối cùng, Nhà nước nên thực hiện cơ cấu lại tài chính, xử lý các vướng mắc khó khăn về công nợ của DNNN làm điều kiện tiền đề cho CPH...
- Trong bối cảnh thị trường chứng khoán trầm lắng như hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng việc cung thêm hàng từ những DNNN lớn sẽ càng làm "loãng" cầu. Quan điểm của ông về tiến trình IPO của các DNNN lớn từ nay đến cuối năm sẽ tác động đến thị trường như thế nào?
CPH là quá trình không thể thay đổi và VN đã có những cam kết chắc chắn về việc này khi gia nhập WTO. CPH các DNNN lớn (các TCty mạnh, chi phối hoạt động kinh tế đất nước) chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hơn nữa, CPH các DNNN lớn sẽ tăng cung hàng hoá có chất lượng cho TTCK - là nhân tố quan trọng cho TTCK phát triển.
Tuy nhiên, trước mắt trong ngắn hạn, CPH các DNNN lớn mà không đi cùng với các giải pháp nhằm kích cầu, như: tăng cường tính minh bạch, công khai của TTCK nhằm bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ; chính sách thuế cần được xây dựng theo hướng khuyến khích nhà đầu tư nhỏ tham gia (với TTCK VN đang trong giai đoạn xây dựng mà chúng ta dự định đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán, theo tôi, việc đánh thuế chắc chắn sẽ không khuyến khích nhà đầu tư tham gia TTCK); khuyến khích các nhà đầu tư có tổ chức tham gia và có cam kết lâu dài; nâng cấp hệ thống giao dịch chứng khoán và hệ thống công bố thông tin giao dịch chứng khoán... Các giải pháp kích cầu sẽ phát huy tác dụng với độ trễ nhất định, vì vậy ngắn hạn từ nay đến cuối năm khi cung tăng (do IPO các DNNN lớn, do một số DNCP lớn đưa vào niêm yết trên TTCK), cầu sẽ không theo kịp và điều này sẽ ảnh hưởng đến mức giá chung của toàn TTCK VN.
- Xin cảm ơn ông
DDDN
|