Thứ Tư, 05/09/2007 23:52

Có nên mở thêm room cho nhà đầu tư nước ngoài?

Vấn đề được đặt ra sau sự kiện Trung tâm Lưu ký chứng khoán nhầm lẫn mở room (tỷ lệ sở hữu) cổ phiếu STB của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài từ 30% lên 49% vào cuối tháng 8 vừa qua. Không chỉ STB, ở hầu hết các công ty lớn đang niêm yết trên sàn, NĐT nước ngoài đều đã sử dụng hết room của mình. Và khi họ bị "truất quyền thi đấu" thì giá các cổ phiếu này rơi vào tình trạng giảm liên tục. Có nên mở thêm room để kích thị trường đang là vấn đề nóng hổi trong bối cảnh thị trường ảm đạm hiện nay?

Sự kiện nhầm lẫn trong việc mở room đối với cổ phiếu STB (Sacombank) được nhiều người gọi là "lộc trời" đối với các NĐT nước ngoài. "Cơn khát" sở hữu cổ phiếu STB được thể hiện qua một lượng khổng lồ cổ phiếu STB được NĐT nước ngoài mua vào với giá trần trong phiên giao dịch nhầm lẫn có một không hai này. Trên thực tế, ở những công ty mà NĐT nước ngoài đã sử dụng hết tỷ lệ sở hữu của mình, họ chỉ còn trông chờ vào việc các doanh nghiệp này phát hành thêm cổ phiếu để tham gia. Không ít NĐT trong nước cũng hy vọng, động thái này sẽ khiến cho giá nhiều loại cổ phiếu tăng hơn, thị trường cũng sôi động hơn. Một NĐT nhận xét, rất nhiều các NĐT nhỏ, lẻ hiện nay mua, bán dựa trên giao dịch của các NĐT nước ngoài. Vì vậy, việc các NĐT nước ngoài bị "treo giò" ở hầu hết các công ty lớn như GMD, REE, SAM, TMS, TDH, TYA, CII, GIL... vì hết room khiến NĐT trong nước cũng rơi vào tình trạng lừng chừng, không biết có nên mua vào hay không. Tâm lý này ảnh hưởng khá lớn đến giá các loại cổ phiếu này nói riêng và thị trường nói chung.

Ngược lại với sự nóng lòng của các NĐT, ông Huy Nam, chuyên gia tài chính - chứng khoán cho rằng, để kích giá, kích thị trường thì việc mở thêm room cho NĐT nước ngoài chỉ là biện pháp tình thế chứ không thể coi là biện pháp căn cơ lâu dài. Không phải đến bây giờ vấn đề mở thêm room mới được đặt ra mà "từ khi thị trường chỉ có vài doanh nghiệp niêm yết cho đến khi có hàng trăm doanh nghiệp niêm yết cũng vẫn là vấn đề mở room. Cứ đặt trường hợp mở hết mà thị trường vẫn lình xình thì chúng ta lấy room đâu mà mở nữa?" - ông Nam đặt vấn đề. Trên thực tế, room cho NĐT nước ngoài cũng đã được nâng từ 10% lên 30% cho các tổ chức tài chính - tín dụng và 30% lên 45% cho các doanh nghiệp ngành nghề khác. Một chuyên gia tài chính khác cũng cho rằng, việc mở room không chỉ đơn giản để kích giá thị trường mà còn có nhiều hệ lụy về lâu dài. Vấn đề quan trọng không phải là mở room mà là giao dịch. Không phải hết room là NĐT nước ngoài không thể giao dịch vì "trong tỷ lệ sở hữu của họ, họ vẫn giao dịch chứ không phải mua hết 30% hay 49% phần của mình rồi ôm khư khư trong lòng". Chuyên gia này đặt câu hỏi, tại sao khi thị trường lình xình chúng ta lại chỉ đặt nặng vấn đề của NĐT nước ngoài mà không đả động đến các NĐT trong nước. Theo ông, việc tăng quy mô thị trường về cả hàng hóa (doanh nghiệp niêm yết) và NĐT mới là biện pháp lâu dài, bền vững chứ không phải là mở room. Hiện nay, toàn thị trường mới chỉ có khoảng 200.000 tài khoản, một con số quá khiêm tốn. Vì vậy, "kích giao dịch của NĐT trong nước mới là biện pháp dài hơi".

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để tăng lượng giao dịch của các NĐT trong nước. Một chuyên gia kinh tế cho rằng, những chính sách vĩ mô có tầm quan trọng rất lớn đến việc này. Ví dụ như Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước, thực tế là giao dịch của các NĐT trong nước bị giảm hẳn từ khi có chỉ thị này. Chính sách thuế từ đầu tư tài chính cũng làm cho nhiều người e ngại. "Có những giai đoạn, các chính sách cần phải nhẹ nhàng để NĐT trong nước cảm thấy họ tham gia vào sẽ có lợi. Thị trường của chúng ta còn non trẻ, giao dịch còn ít thì việc có một chính sách thuế phù hợp sẽ khuyến khích được lượng giao dịch. Từ đó, tạo tính thanh khoản cho thị trường" - chuyên gia này nói. Một số ý kiến cũng cho rằng, các công ty chứng khoán cũng nên xem lại mức phí giao dịch hiện nay. Nếu phí giảm, lượng giao dịch tăng thì họ không những không bị "thâm hụt" mà có thể còn tăng doanh thu hơn hiện nay.

TN

Các tin tức khác

>   LGC: Bản cáo bạch phát hành thêm (05/09/2007)

>   Thông báo điều chỉnh current room của ABT và ITA (05/09/2007)

>   Việt Nam và UAE ký MOU trong lĩnh vực chứng khoán (05/09/2007)

>   Nhiều công ty chứng khoán sống cầm hơi (05/09/2007)

>   VFC: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (05/09/2007)

>   DHG: Bản cáo bạch phát hành thêm (05/09/2007)

>   VF1 thay đổi giá trị tài sản ròng trong kỳ (05/09/2007)

>   HAP: Kết quả kinh doanh tháng 8 năm 2007 (05/09/2007)

>   NAV niêm yết và giao dịch cổ phiếu phát hành thêm (05/09/2007)

>   Thông tin đăng ký làm đại lý đấu giá Công ty CP Thủy sản 4 (05/09/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật