Thứ Năm, 20/09/2007 06:54

Chọn nhà đầu tư chiến lược

Hàng loạt công ty cổ phần, ngân hàng đã công bố việc lựa chọn và ký kết hợp đồng với các đối tác chiến lược trong thời gian qua. Việc tìm kiếm và ký kết hợp đồng với đối tác chiến lược phù hợp được xem là rất cần thiết trong việc tạo ra động lực phát triển mạnh hơn cho doanh nghiệp thông qua việc kết hợp các nguồn lực của các đối tác chiến lược đem lại như kinh nghiệm, quản trị, công nghệ... Nhà đầu tư chiến lược là ai? Đó là câu hỏi đã nhận được khá nhiều câu trả lời khác nhau tùy thuộc vào mục đích của từng doanh nghiệp.

Từ trước đến nay, nhiều công ty công bố hợp tác với các nhà đầu tư (NĐT) chiến lược trong nước hoặc ngoài nước, trong nhiều lĩnh vực khác nhau và ở những quy mô khác nhau. Ông Dominic Scriven - Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital - cho rằng trước đây, NĐT trên thị trường chứng khoán Việt Nam thường được hiểu gồm 3 thành phần khác nhau. Thứ nhất là Nhà nước thường giữ vai trò là cổ đông lớn; thứ hai là NĐT cá nhân (trong và ngoài công ty); Thứ ba là NĐT có tổ chức hay còn được định nghĩa là NĐT chiến lược. Tuy nhiên hiện nay, thị trường lên đến 5 thành phần NĐT. Đó là Nhà nước, người trong Ban lãnh đạo công ty, NĐT chiến lược thật sự, NĐT có tổ chức (NĐT định chế) và NĐT cá nhân. "Đa dạng hóa loại hình NĐT là một điều vô cùng tốt cho cả doanh nghiệp và bản thân NĐT. Việc có nhiều thành phần trong cơ cấu sở hữu doanh nghiệp sẽ tạo ra động lực cho doanh nghiệp phát triển hơn nữa", ông Dominic Scriven nói.

Tuy nhiên, theo ông Dominic Scriven, nhiều doanh nghiệp dường như chưa xác định được rõ sự khác nhau giữa NĐT chiến lược và NĐT tổ chức. Vì vậy việc nhìn nhận và chọn lựa NĐT để hợp tác khá chung chung. NĐT chiến lược thường phải là những tổ chức hay doanh nghiệp có hoạt động cùng ngành, cùng lĩnh vực để có thể hỗ trợ được cho nhau cùng phát triển.

Trên thực tế, trước đây những NĐT cùng ngành chưa dám vào thị trường Việt Nam nên chỉ có những NĐT định chế tài chính như các quỹ đầu tư tham gia. Trong vòng 2 năm qua, thị trường Việt Nam nói chung đã phát triển mạnh về quy mô nên các NĐT cùng ngành bắt đầu quan tâm hơn. Đặc biệt các ngân hàng thương mại trong nước luôn giành được sự quan tâm hàng đầu của những ngân hàng khác trên thế giới. IFC là một NĐT định chế đầu tiên tham gia đầu tư vào các ngân hàng thương mại trong nước. Sau đó, nhiều ngân hàng nước ngoài khác lần lượt bước vào và trở thành những NĐT chiến lược của các ngân hàng trong nước. "Nếu trước đây không có NĐT định chế như IFC thì chưa chắc các ngân hàng nước ngoài như ANZ, Standard Charted... tham gia vốn vào các ngân hàng trong nước như hiện nay", ông Dominic Scriven nhận xét.

Vai trò của NĐT chiến lược

Ngân hàng An Bình (ABBank) đang có những bước đàm phán với 4 ngân hàng lớn thuộc các tập đoàn tài chính toàn cầu. Ông Lưu Đức Khánh - Tổng giám đốc ABBank cho biết ngân hàng sẽ chọn 1-2 đối tác chiến lược với mục đích tối ưu hóa các điểm mạnh của mình cũng như bổ sung thêm những yếu kém. Đó là việc tận dụng và khai thác triệt để lợi thế nguồn khách hàng cá nhân lên đến 10 triệu người của các công ty thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).

Ví dụ một công ty con của EVN có nhu cầu về vốn để đầu tư và phát triển từ nay đến năm 2010 là 40 tỉ USD thì đối tác chiến lược được chọn cũng phải có khả năng huy động được số tiền đó trên thị trường vốn quốc tế. Đồng thời đối tác chiến lược phải bổ sung và hoàn thiện được cơ cấu quản trị còn chưa đạt được chuẩn quốc tế của ABBank... "Một NĐT chiến lược phải là người hiểu về hoạt động của mình cũng như mình hiểu họ để cùng đồng hành đi trên một quãng đường dài. Theo tôi, NĐT chiến lược có thể là một hoặc hơn nhưng cũng không phải là quá nhiều. Ngân hàng không thể tách mình đi theo quá nhiều hướng khi có nhiều đối tác chiến lược với những ý kiến khác nhau. Thà không có NĐT chiến lược còn hơn là chọn sai để rồi ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp hay ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông", ông Lưu Đức Khánh nói.

Theo các chuyên gia, việc có thêm NĐT chiến lược, đặc biệt là những NĐT nước ngoài sẽ giúp cho doanh nghiệp có thêm những kinh nghiệm trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, nếu như tất cả mọi doanh nghiệp đều nghĩ rằng cần phải có NĐT chiến lược thì điều đó lại chưa đúng. Ông Nguyễn Hồng Nam - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn - cho rằng số lượng doanh nghiệp Việt Nam chọn được NĐT chiến lược còn rất ít mà đa số là những NĐT lớn. Bản thân nhiều doanh nghiệp trong nước cũng không thích chọn NĐT chiến lược tham gia quá sâu vào việc điều hành của công ty mà có thể chỉ cần huy động thêm vốn cho hoạt động của mình. Vì vậy việc lựa chọn NĐT chiến lược ở mức độ nào, những cam kết về một kế hoạch đầu tư trong bao lâu, những điều kiện ràng buộc khác... sẽ được thỏa thuận cụ thể tùy theo hình hình của mỗi doanh nghiệp. 

TN

Các tin tức khác

>   Kết quả kinh doanh 8 tháng năm 2007 của COM (19/09/2007)

>   Bibica: thêm 1 cổ đông lớn mua vào trước mùa Trung thu (19/09/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc chào bán cổ phiếu của GTA (19/09/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc cấp giấy phép cho Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán I.P.A (19/09/2007)

>   Chấp thuận nguyên tắc cấp giấy phép cho CTCP Chứng khoán Á Âu (19/09/2007)

>   Chuyển biến trên TTCK cuối năm: Chuẩn bị cho cuộc “đổ bộ” mới (19/09/2007)

>   Thông tin tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm thành viên mới (19/09/2007)

>   SJS: Kết quả giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ (19/09/2007)

>   Doanh nghiệp niêm yết góp vốn mở khu công nghiệp (19/09/2007)

>   LBM: Giao dịch quyền mua cổ phiếu của cổ đông nội bộ (19/09/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật