Nghịch cảnh kinh tế Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 2/2007 lên tới 3,4%, cao hơn mức dự báo của các chuyên gia.
Tuy nhiên, tuần qua thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tụt dốc khủng khiếp và thị trường địa ốc trong tình trạng ế ẩm kéo dài.
Ba nguyên nhân góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng là do khối lượng đầu tư của các doanh nghiệp, mức chi tiêu của Chính phủ Liên bang và chính quyền các địa phương đều tăng, mức thâm hụt cán cân xuất nhập khẩu giảm.
FED sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm 2007
Đây là tốc độ tăng GDP nhanh nhất kể từ mức 4,8% đạt được trong quý I/2006. Tốc độ tăng này cao hơn mức dự báo 3,2% của các chuyên gia và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ đạt 0,7% trong quý 1/2007.
Tỷ lệ lạm phát cơ bản ở Mỹ, không kể giá lương thực và năng lượng, cũng đang ở mức khá thấp 1,4%, mức lạm phát thấp nhất kể từ tỷ lệ lạm phát 1,3% trong quý 2/2003.
Mức lạm phát thấp này càng củng cố thêm dự báo của các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giữ nguyên mức lãi suất 5,25% trong cả năm 2007.
Trong quý 2/2007, khối lượng nhập khẩu của Mỹ giảm 2,6%, kim ngạch xuất khẩu tăng tới 6,4%.
Chi tiêu của Chính phủ trong quý 2 tăng 4,2% so với mức chi giảm 0,5% trong quý 1/2007, trong đó chi tiêu của Chính phủ Liên bang tăng 6,7% và chi tiêu của các chính quyền địa phương tăng 2,9%.
Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ đều cho biết, thu được lợi nhuận cao trong giai đoạn này.
Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới, cho biết lợi nhuận của tập đoàn này trong quý 2 năm nay đạt 10,26 tỷ USD. Đây là quý thứ 4 liên tiếp Exxon Mobile thu được khoản lãi lớn chưa từng có trong lịch sử của mình.
Tập đoàn chế tạo ô tô Ford Motor cho biết, quý 2 năm nay là quý đầu tiên trong vòng 2 năm qua tập đoàn này thu được khoản lợi nhuận 750 triệu USD, tương phản hoàn toàn với mức thua lỗ 317 triệu USD cùng quý này năm trước.
Cũng trong quý 2/2007, Tập đoàn công nghệ đa năng Dow Chemical Co., thu được khoản lợi nhuận 1,04 tỷ USD, tăng 2% so với 1,02 tỷ USD cùng quý này năm trước.
Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết, khu vực chế tạo của Mỹ trong tháng 6 hoạt động với nhịp độ sôi động nhất trong năm với chỉ số chế tạo ISM đã tăng lên 56 điểm, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ 5 liên tiếp.
Các chỉ số đơn đặt hàng mới, chỉ số sản xuất và việc làm tiếp tục tăng trưởng, trong khi hàng tồn kho tiếp tục giảm.
Thị trường chứng khoán và địa ốc chao đảo
Tất cả các cổ phiếu hàng đầu tại sàn giao dịch điện tử New York đều rớt giá ở mức khủng khiếp, không kém mức mất giá sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Tại thị trường chứng khoán New York, trong phiên giao dịch cuối ngày 27/7 trước khi đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 208,01 điểm (1,5%), xuống còn 13.265,47 điểm.
Đây là lần mất giá lớn nhất kể từ mức 684,81 điểm bị mất của Dow Jones trong phiên giao dịch ngày 17/9/2001, ngày đầu tiên sàn giao dịch chứng khoán New York mở cửa sau vụ khủng bố 11/9.
Cổ phiếu tổng hợp Nasdaq cũng bị giảm tới 37,10 điểm (1,4%), dừng ở mức 2.562,24 điểm, trong khi loại cổ phiếu phổ thông Standard & Poor 500 thậm chí còn giảm tới 23,71 điểm (1,6%), chỉ còn 1.458,95 điểm.
Đây là lần sụt giá lớn thứ hai của các loại cổ phiếu này trong năm 2007, sau đợt Dow Jones mất giá tới 430 điểm do sự chao đảo của TTchứng khoán Trung Quốc ngày 27/2 vừa qua.
Các nhà đầu tư chứng khoán vẫn lo ngại về lệ phí và lãi suất các khoản vay đang có xu hướng tăng cao và tình trạng ế ẩm kéo dài của thị trường địa ốc.
Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ về số lượng nhà mới bán ra trong tháng 6 giảm 6,6%, ở các bang vùng Đông Bắc thậm chí còn giảm tới 27,1%, khiến các nhà đầu tư chứng khoán lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm qua trong lĩnh vực địa ốc có nguy cơ tác động mạnh tới thị trường cho vay thế chấp.
Tâm trạng lo ngại đó khiến các nhà đầu tư bán vội cổ phiếu để chuyển tiền vào những hình thức đầu tư an toàn hơn như công trái và trái phiếu.
Nguyên nhân thứ hai khiến các nhà đầu tư bán đổ bán tháo cổ phiếu cuối tuần qua là do lãi suất và lệ phí vay tiền của các công ty cao hơn, nên đà sáp nhập và mua bán chuyển nhượng giữa các công ty và tập đoàn bị chững lại.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 9/2007 tăng 2,07 USD lên 77,02 USD/thùng cũng gây ra tâm lý hoang mang trong các nhà đầu tư.
VNE
|