Nga bắt đầu khoan các giếng khí đốt ngoài khơi đầu tiên
Công ty năng lượng khổng lồ Gazprom (Nga) cho biết dự án Shakhalin-2, một trong những dự án dầu-khí tư nhân lớn nhất thế giới, do Gazprom điều hành tại khu vực miền đông nước Nga, với mục tiêu từ năm 2008 sẽ xuất khẩu khí đốt sang châu Á và Mỹ, đã tiến hành khoan các giếng khí đốt ngoài khơi đầu tiên.
Ông Ian Craig, Giám đốc điều hành của Sakhalin Energy (nhà điều hành dự án Sakhalin-2) cho biết, việc bắt đầu khoan các giếng đầu tiên từ giàn khoan Lunskoye-A là một mốc quan trọng. Lunskoye-A sẽ cung cấp khối lượng lớn khí đốt để sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), mở ra các thị trường năng lưọng mới tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Mỹ.
Gazprom, công ty thuộc quyền kiểm soát của nhà nước Nga, đã "giành" được 51% cổ phần tại Sakhalin-2 hồi năm 2006 từ tay 3 cổ đông trong côngxoócxium gồm tập đoàn năng lượng Shell (Anh-Hà Lan) và hai công ty Nhật Bản là Mitsui và Mitsubishi.
Gazprom đạt được thỏa thuận này sau khi các cơ quan môi trường của Nga gây sức ép trong nhiều tháng với các công ty trên. Đây được coi là một chiến dịch chính trị để tạo điều kiện cho Gazprom nắm quyền kiểm soát dự án này. Shell từng là nhà điều hành Sakhalin-2m nhưng đã buộc phải bán cổ phần cho Gazprom trong tháng 4/07.
Trong một thông tin có liên quan, ngày 9/7, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft và tập đoàn Shell đã ký thoả thuận hợp tác tại Nga và các nước thứ ba. Giám đốc điều hành Shell, ông Jeroen van der Veer khẳng định, việc hợp tác giữa Rosneft và Shell sẽ đem lại lợi ích không chỉ về mặt kinh doanh mà còn trên cả khía cạnh chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ.
AFP
|