Mở CTCK sẽ không còn hốt bạc?
Có 55 CTCK đang hoạt động và cũng ngần ấy công ty nữa hiện đang chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép. Nhiều người đang thấy ngành kinh doanh này quá hấp dẫn, sự thực có phải vậy?
Thời cơ đã qua?
Giám đốc một CTCK mới hoạt động từ đầu năm nay cho rằng, chỉ có vài CTCK ra đời từ 5 - 6 năm trước hiện thực sự là đang hái ra tiền như đã thấy qua báo cáo kết quả kinh doanh của họ. Còn đa số công ty thành lập từ cuối năm ngoái đến nay vẫn khá “hụt hơi” trong việc tìm kiếm lợi nhuận.
Trong cơ cấu thu nhập của các CTCK, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng tự doanh và môi giới. Các CTCK ra đời trước, như SSI, BSC, BVSC, VCBS, ACBS… do có quá trình hoạt động lâu hơn đã có lợi thế phát triển được lượng khách hàng lớn cũng như đã gom được nhiều cổ phiếu vào lúc giá còn thấp.
Bản thân các công ty nói trên cũng phải trải qua mấy năm khó khăn khi thị trường mới hình thành và chỉ có lợi nhuận cao từ năm ngoái đến nay.
Ở mảng tư doanh, vào thời điểm thị trường sôi động, giá cổ phiếu tăng vọt hàng chục lần so với giá mà các CTCK mua trước đó nên đã góp phần mang lại lợi nhuận rất lớn cho các CTCK này, ngoài số tiền lớn không kém thu được từ phí môi giới.
Trong khi đó, đối với các công ty mới thành lập vào cuối năm ngoái, giá cổ phiếu đã tăng cao, và từ cuối tháng 3 cho đến nay thị trường đảo chiều đi xuống, các công ty này gần như không có cơ hội kiếm được lợi nhuận cao từ mảng tự doanh, thậm chí có thể là đang lỗ.
Giám đốc một CTCK nhận định, về lâu dài thì TTCK vẫn sẽ phát triển, nhưng sẽ khó lặp lại hiện tượng tăng giá cổ phiếu “khủng khiếp” như cuối năm ngoái kéo dài đến đầu năm nay để kiếm được siêu lợi nhuận.
Sẽ có cuộc sàng lọc
Với khả năng sẽ có thêm hàng loạt CTCK ra đời dồn dập trong thời gian ngắn sắp tới, một số ý kiến lo ngại, như vậy là quá nhiều so với quy mô hiện tại của TTCK. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng, tự quy luật cạnh tranh sẽ điều chỉnh để số lượng CTCK ở mức hợp lý.
Anh Đ.T.T, một người được chỉ định vào vị trí giám đốc một CTCK đang xin thành lập nhận định rằng, tuy ra đời sau nhưng với những công ty mạnh, có mục tiêu kinh doanh rõ ràng thì vẫn tự tin cạnh tranh mà không ngại các công ty ra đời trước đã chiếm mất thị phần. Vừa qua, một số CTCK có tình trạng quá tải, dẫn đến không phục vụ tốt khách hàng. Đó là kinh nghiệm của các công ty đi sau.
Đối với các nghiệp vụ khác như tự doanh hoặc bảo lãnh phát hành, CTCK nào có đội ngũ chuyên viên giỏi, tiềm lực tài chính mạnh thì sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn. Như vậy, theo anh Đ.T.T, sắp tới dù rất nhiều công ty cùng hoạt động, nhưng rồi thị trường cũng sẽ mau chóng sàng lọc, chỉ tồn tại những công ty đủ thực lực; công ty nhỏ với vốn vài chục tỷ đồng có thể sẽ bị sáp nhập, mua lại hay thậm chí phá sản, giải thể.
Ngược lại, theo giám đốc một CTCK, các chủ thể tham gia TTCK cần có sự phát triển đồng bộ. Các CTCK phải đủ năng lực để đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu thị trường. Vừa qua, một số công ty đã không đáp ứng được về hạ tầng để phục vụ nhà đầu tư, không đáp ứng được kỹ thuật khi có yêu cầu khớp lệnh liên tục…
Thay vì để tự quy luật thị trường sàng lọc thì theo vị giám đốc này, nên đặt ra những điều kiện gắt gao hơn nữa về năng lực, tài chính của các đơn vị xin thành lập CTCK. Các CTCK đã thành lập trước đó cũng sẽ có một lộ trình để theo kịp quy định.
Theo TT
|