Hậu quả của những chỉ báo sai lệch
Những suy nghĩ và hành vi lệch lạc Nhận thức được thực chất của TTCK là một điều không phải dễ. Những suy nghĩ sai lầm về TTCK Việt Nam hiện nay cũng có thể là do nhận thức chưa theo kịp được sự phát triển của thị trường và cũng có thể do người ta cố tình làm sai lệch vì mục đích nào đó. Sau đây là một vài thống kê chính:
+ Giá cổ phiếu tăng mạnh trên TTCK là mối quan tâm của toàn xã hội, nhưng ngay trong bản thân các nhà quản lý (vì những mục đích khác nhau), chúng lại được hiểu theo các cách khác nhau. Một số người cho rằng, khi cổ phần hoá, do không đánh giá đúng giá trị thực của DN, trong đó nhiều danh mục có giá trị cao nhưng vẫn chưa được tính hết như thương hiệu, lợi thế thương mại… Thậm chí, trên sổ sách, giá đất vẫn tính mấy trăm ngàn đồng/m2 - mức giá của hàng chục năm về trước, trong khi đó, giá đất đã lên đến hàng chục triệu đồng/m2. Đến khi DN niêm yết trên TTCK thì giá cổ phiếu được đẩy lên cao. Nhìn nhận về vấn đề này, có thể được hiểu rằng, đó là giá chứng khoán đã dần phản ánh đúng giá trị của DN mà trước kia, khi cổ phần hoá đã bị đánh giá thấp. Như vậy, giá chứng khoán không phải là giá ảo và TTCK đang phát triển bình thường, lành mạnh. Nhưng một số người lại có suy nghĩ ngược lại. Họ luôn cho rằng, TTCK đang phát triển rất nóng và luôn muốn kéo giá chứng khoán xuống. Họ lo sợ có hiện tượng bong bóng và đưa ra những cảnh báo ngay khi thị trường mới vượt ngưỡng 500 điểm cách đây mấy năm, nhưng thực tế sau đó, TTCK vẫn phát triển an toàn. Gần đây nhất, người ta dự báo “thị trường sẽ bắt đầu xuống sâu” lại vào lúc giá cổ phiếu có xu hướng đi xuống. Chính phát ngôn này từ nhà quản lý đã khiến cho nhiều nhà đầu tư hoang mang, vội vã bán ra và đẩy giá thị trường trượt nhanh và sâu hơn. Khi thị trường đã xuống thì những tác động như vậy là thừa, chứ chưa nói tới phát ngôn mang tính định hướng như trên là hành vi bị nghiêm cấm vì có khả năng gây ra những hậu quả và tổn thất khôn lường.
+ Việc đấu giá cổ phần gần đây của một số DNNN cổ phần hoá diễn ra rất lộn xộn và thiếu minh bạch. Điển hình là ở Công ty INTIMEX, chỉ có 10 người trúng thầu. Ông Tổng giám đốc Công ty cho rằng, họ đã làm đúng luật và quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc cho Công ty thuê đất tới 50 năm đến muộn. Trước đó thì Bánh tôm Hồ Tây, Nhà hàng Bô Đê Ga… và bao công ty khác cũng đã bị thâu tóm theo cách làm xấu báo cáo tài chính để hạn chế sự quan tâm của nhà đầu tư, tạo cơ hội cho một số người mua thâu tóm DN.
Và hậu quả để lại
Những phát ngôn có tính định vị xu hướng thị trường từ một vài thành viên của cơ quan quản lý có thể khiến TTCK trở nên lệch lạc hơn và nhà đầu tư cuối cùng vẫn là người phải hứng chịu hậu quả. Còn đánh giá thấp và không đầy đủ tài sản của DN khi cổ phần hoá đã và sẽ làm thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng tài sản của Nhà nước. Số tiền này đã rơi vào túi một số ít người và họ giàu lên nhanh chóng. Ai cũng biết, TTCK có sự tăng trưởng cao (có người gọi là nóng?) sẽ đẩy nhanh sự nghiệp cổ phần hoá DN và giúp ngân sách tăng thu. Tuy nhiên, TTCK lại hết sức nhạy cảm và chính những phát ngôn tưởng chừng đầy trách nhiệm kia lại là nguyên nhân trực tiếp làm giảm nhiệt huyết của nhà đầu tư, ảnh hưởng rất lớn đến công tác cổ phần hoá. Lấy trường hợp đấu giá cổ phần của Đạm Phú Mỹ làm ví dụ. Nếu như TTCK phát triển bình thường, VN-Index ở mức 1.100 điểm thôi, người ta dự tính khiêm tốn giá cổ phiếu Đạm Phú Mỹ sẽ là khoảng 200.000 đồng/CP. Nếu so với giá trúng thầu (khoảng 55.000 đồng/CP), mức thất thu của Ngân sách Nhà nước lên tới gần 20.000 tỷ đồng! Số tiền khổng lồ này có thể xây được bao nhiêu nhà máy Đạm Phú Mỹ khác?
Qua những tổn thất trên, không khó để nhận ra nguyên nhân từ đâu. Nếu các nhà quản lý tỉnh táo hơn, chia lượng cổ phiếu phát hành của Đạm Phú Mỹ thành nhiều đợt (như Vinamilk đã làm) và cho đấu giá vào tháng 2, tháng 3 vừa qua, lúc TTCK đang “khát” hàng thì số tiền thu về cho Ngân sách sẽ lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, nếu như không có định hướng cố kéo thị trường xuống sâu thì chắc chắn những tổn thất trên sẽ không dễ dàng xảy ra. Chưa kể khi thị trường xuống, công chúng đầu tư cũng mất đi nhiều nghìn tỷ đồng và chỉ biết cắn răng mà chịu. Nhìn một cách tổng quát thì công tác điều hành TTCK vẫn chưa bắt được với diễn biến thực: lúc khát hàng thì chỉ có cảnh báo suông mà không đưa hàng vào, lúc ảm đạm thì lại “bơm” hàng vào, đưa ra những tác động khiến thị trường xuống sâu, làm cho hàng hoá ế ẩm, thất thu, thị trường càng ảm đạm thêm.
Một số kiến nghị
Dĩ nhiên những người trong cuộc bao giờ cũng có lý do để bao biện cho hành vi của mình. Tuy nhiên, là người đầu tư, tác giả cũng như nhiều nhà đầu tư khác cảm thấy rất bức xúc và xin đưa ra một số kiến nghị sau:
-Trường hợp đấu giá cổ phần INTIMEX và DN tương tự có thể coi là sự gian dối trong đấu thầu. Việc cung cấp thông tin cho công chúng đầu tư là không minh bạch, không đầy đủ. Lãnh đạo Công ty đã che dấu thông tin. Họ cho rằng, quyết định về thuê đất của UBND TP. Hà Nội về muộn, nhưng cho dù quyết định đó có về muộn, thì thông tin này vẫn phải công bố cho mọi người biết. Vì vậy, cuộc đấu giá cổ phần INTIMEX cần phải được thanh tra để làm sáng tỏ những vấn đề khuất tất và nếu thực có khuất tất cần huỷ kết quả đấu thầu, xử phạt nghiêm những ai phạm pháp.
-Khi cổ phần hoá phải đánh giá hết giá trị DN, đặc biệt là các giá trị vô hình. Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các DN nhà nước (kể các DN đã cổ phần hoá) đang được thuê đất với giá ưu đãi và DN khác phải thuê “ngoài” với giá thị trường, Nhà nước phải điều chỉnh lại mặt bằng giá thuê theo giá thị trường cho mọi thành phần, hoặc Nhà nước có thể chuyển giao đất mà DN đang sử dụng cho chính họ theo giá thị trường, hoặc nếu DN không có khả năng thì Nhà nước sẽ quy giá trị đất đai ra tiền và coi như góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào DN.
-Chấm dứt những phát ngôn và hành vi của nhà quản lý mang tính định hướng và can thiệp thô bạo vào thị trường, gây tổn thất cho thị trường, cho nhà đầu tư và Nhà nước.
ĐTCK
|