Định vị tâm lý đầu tư trên TTCK
Cách đây 12 năm, lúc TTCK Việt Nam còn chưa mở cửa, tôi đang giảng dạy môn TTCK tại Học viện Ngân hàng (Phân viện TP. HCM) thì gặp một nhà tỷ phú người Nhật. Nhà tỷ phú này nghe phong thanh TTCK Việt Nam sắp mở, vội vã bay sang Việt Nam chỉ để hỏi bao giờ TTCK Việt Nam mở cửa và hiện nay đã có cổ phiếu nào mua bán chưa?
Trước khi ra về, ông ta khuyên tôi nên nói cho học trò mình biết TTCK mở cửa là cơ hội hiếm có trong đời để kiếm lợi nhuận từ những công ty cổ phần mới lên sàn. Theo lời ông này thì chính ông đã kiếm được khoản lợi nhuận hàng chục lần vốn gốc từ TTCK của những nước xã hội chủ nghĩa mới ra đời như TTCK ở Trung Quốc, Nga, Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan…
Từ những câu chuyện trên, chúng ta cùng trở lại với báo cáo của HSBC mới đây với nhận định chỉ số VN-Index sẽ đi xuống 900 điểm vào cuối năm nay, lúc đó chỉ số P/E bằng 18 lần để cho các nhà đầu tư nước ngoài dễ đầu tư. Câu chuyện về P/E đã từng được dư luận nói nhiều hồi sau Tết Nguyên đán, sau khi một báo cáo của IMF đưa ra nhận định, cổ phiếu của Việt Nam có chỉ số P/E cao quá so với các nước trong khu vực. Mỗi người có một góc nhìn nhưng theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy các nước xung quanh Việt Nam có chỉ số P/E nhỏ là vì TTCK của họ đã hoạt động hơn 30 năm rồi, như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản… Nếu cứ tính sau 20 năm kể từ hôm nay thì chắc chắn rằng, rất nhiều cổ phiếu tại Việt Nam sẽ có P/E dưới 10 lần. Xin lưu ý là P/E của mỗi nước sẽ khác nhau. Như ở Mỹ, căn cứ theo lãi suất Kho bạc Nhà nước là 5% thì chỉ số P/E chuẩn sẽ là 20 lần. Ở Việt Nam, ví dụ lãi suất Kho bạc Nhà nước 10% thì chỉ số P/E chuẩn sẽ là 10 lần.
Nếu căn cứ theo P/E để đầu tư hay đầu cơ thì thật là một sai lầm lớn. Chỉ số P/E chỉ cho ta biết sự tương quan giữa giá thị trường với tiền lời của một cổ phiếu trong một năm. Nếu tỷ số này nhỏ có nghĩa là giá mua rẻ so với tiền lời. Thực tế, nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ này để mua và chọn loại cổ phiếu có tỷ lệ thấp thì sẽ chẳng bao giờ kiếm lời được, nhiều khi còn bị lỗ. Trên thế giới, một số công ty nước ngoài đã từng dùng chỉ số này để cho nhà đầu tư hoảng sợ bán ra. Nếu tôi nhớ không lầm, trong 10 năm đầu khi Microsoft niêm yết ở NASDAQ, chỉ số P/E của DN này chưa bao giờ nhỏ hơn 100 lần (trong khi ở Mỹ, P/E chuẩn là 20 lần). Vậy tại sao lại có nhiều nhà đầu tư chiến lược thích mua và nắm giữ cổ phiếu Microsoft? Hơn 20 năm đầu tư và làm tư vấn, tôi chưa thấy một nhà tư vấn giỏi nào lại nhắc nhở P/E cho khách hàng của mình. Lý do: nếu chọn một công ty có hệ số P/E nhỏ có nghĩa là công ty đã có lời nhiều rồi, đã an toàn thì làm sao giá còn có thể lên được. Nhà tư vấn giỏi là phải tìm được một công ty lỗ hoặc lời ít và đang chuyển sang lời nhiều thì lúc đó khách hàng mới kiếm được một số tiền lớn. Những nhà phân tích chuyên nghiệp ít khi sử dụng hệ số P/E để khuyến cáo nhà đầu tư nên mua hay bán, mà họ sử dụng hệ số P/S (P: giá thị trường của cổ phiếu, S: tổng doanh thu 1 năm). Nếu hệ số này càng nhỏ thì công ty càng có nhiều tiềm năng. Ngược lại, P/E không thể tính được tiềm năng của một công ty đang lỗ vì khi E âm thì phép chia P/E không tồn tại.
Tôi có nhiều người bạn nước ngoài và người Việt Nam làm việc ở TTCK nước ngoài, nhưng những nhận xét của họ về TTCK Việt Nam không thể chính xác. Có những cổ phiếu họ xem là quá đắt, nhưng thực tế lại là những cổ phiếu lên giá mạnh nhất vì tương quan cung cầu thị trường (cung < cầu). Để định vị được tâm lý đầu tư trên TTCK, tôi vẫn thường hỏi những câu hỏi sau cho các học viên:
1. Anh/chị có tin là TTCK Việt Nam sẽ sụp đổ trong năm nay hay năm tới không?
Nếu câu trả lời là không thì cứ bình tĩnh đầu tư đi.
2. Anh/chị có thấy bất cứ một nước nào gia nhập WTO trong vòng 5 năm đầu tiên bị suy sụp về kinh tế và TTCK không?
Thực tế, Trung Quốc có TTCK vào cuối thập niên 80, nhưng TTCK chỉ phát triển mạnh sau năm 2001 khi Trung Quốc gia nhập WTO. Chỉ 5 năm sau, tức là vào năm 2006, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ 4 trên thế giới, đẩy Anh quốc xuống thứ 5.
3. Anh/chị có tin là GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 8,5% hoặc hơn nữa trong năm nay và những năm sau đó?
Nếu tin thì không lý do gì mà TTCK không lên.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì năm 2007, Việt Nam muốn đạt tốc độ tăng trưởng GDP 8,5% thì 6 tháng còn lại GDP sẽ phải đạt 9%. Nếu đạt được con số này hoặc cao hơn thì TTCK - "kim chỉ nam" của nền kinh tế sẽ phải lên mạnh trước khi nền kinh tế khởi sắc.
Trong mấy tháng gần đây, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu nhiều gấp 3 đến 4 lần lượng bán, trong khi nhiều nhà đầu tư Việt Nam hốt hoảng bán ra. Cơ quan quản lý TTCK không nên tuyên bố là TTCK nóng quá, giá cao quá, cẩn trọng việc giảm mạnh. Tất cả nhà đầu tư đều biết chuyện này, họ chấp nhận quy luật thị trường, nhưng đừng để mắc phải bẫy của nhà đầu tư nước ngoài. TTCK Việt Nam chưa thể nói là nóng được, vì với 85 triệu dân, số lượng giao dịch từ 5 triệu - 12 triệu cổ phiếu/ngày thì phải nói là con số quá thấp. Các công ty chứng khoán, các nhà tư vấn nên giúp nhà đầu tư nội lấy lại bình tĩnh. Cũng nên định hướng nhà đầu tư mua cổ phiếu của những công ty hàng đầu và nên giữ từ 6 tháng đến 1 hoặc 2 năm mới thấy kết quả được. Chúng ta hãy cùng chờ đợi và chiêm nghiệm.
ĐTCK
|