CTCK: Cạnh tranh "Hi-tech"
Thị trường đang trong giai đoạn trầm lắng, các sàn giao dịch không còn tình trạng quá tải, nhưng xu hướng cạnh tranh thu hút khách hàng không vì thế mà giảm nhiệt khi liên tiếp gần đây nhiều CTCK tung ra các dịch vụ giá trị gia tăng một cách chuyên nghiệp, đặc biệt thời điểm TTGDCK chuẩn bị áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục và khớp lệnh từ xa đang cận kề.
Hết thời cạnh tranh "cổ điển"
Thời điểm TTCK chưa bùng nổ, NĐT được "trọng vọng" như khách quý. Mốt hút khách khá cổ điển được nhiều CTCK áp dụng là miễn phí trà nước, tư vấn tận tình, thậm chí cử cả nhân viên trẻ đẹp dẫn khách hàng dạo một vòng để giới thiệu công ty. Các khâu thủ tục mở tài khoản được hướng dẫn cụ thể, khách hàng còn có thể để trống nhiều chỗ trong mẫu đăng ký và nhân viên công ty làm hộ.
Khi thị trường sốt, lượng NĐT tăng vọt, rất nhiều CTCK cũ trở nên quá tải. Thông điệp phổ biến câu khách được các CTCK mới tung ra là sàn vắng, rộng rãi, đảm bảo nhập lệnh nhanh, nhân viên niềm nở và nhất là bãi để xe vô tư!
Về cung cấp dịch vụ, ngoài phương thức giao dịch tại sàn, hầu hết CTCK đều cho phép khách hàng đặt lệnh từ xa qua điện thoại hoặc fax. Một dịch vụ khá nổi tiếng được nhiều NĐT lựa chọn là đặt lệnh qua Internet.
Đi đầu trong mảng dịch vụ này phải kể đến CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS). NĐT có thể truy cập vào tài khoản online để quản lý danh mục, đặt lệnh rất tiện dụng. Đây cũng là lợi thế so sánh không nhỏ của sàn VCBS trong khâu cạnh tranh hút khách hàng. Tuy nhiên, khi thị trường quá tải, nghẽn mạng, lệnh đặt rớt hoặc không gửi đi được xảy ra thường xuyên. VCBS đã có lúc phải giới hạn quy mô lệnh đặt qua mạng từ mức 20 triệu đồng trở lên.
Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy, cách đặt lệnh qua mạng Internet của một số CTCK đã áp dụng vẫn chỉ là một cách chuyển lệnh khác đến nhân viên môi giới. Về quy trình, lệnh đặt trực tiếp tại quầy, qua điện thoại hay qua Internet vẫn phải chuyển đến nhân viên môi giới tại CTCK và bộ phận này lại thực hiện kiểm tra tài khoản khách hàng sau đó mới chuyển đến nhân viên nhập lệnh tại hai TTGD và kết quả là chậm vẫn chậm và rớt vẫn rớt!
Tận dụng công nghệ, một số CTCK đi sau bắt đầu phát triển các dịch vụ đặt lệnh trực tiếp, bỏ qua khâu trung gian tại bộ phận môi giới. Công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ đặt lệnh qua mạng theo cách này phải kể đến CTCK VNDirect từ tháng 5/2007.
Dịch vụ VNDirect online cũng có tính năng quản lý tài khoản, tích hợp thông tin giao dịch và đặc biệt cho phép đặt lệnh vào thẳng vào hệ thống chờ tại hai TTGD. Hệ thống này hiện mới đang ưu tiên cho 1.000 khách hàng đăng ký sớm.
Mới đây, CTCK Tân Việt cũng tăng độ nóng cạnh tranh bằng cách giới thiệu dịch vụ giao dịch tương tự với gói sản phẩm iTrade. Dịch vụ iTrade Home cung cấp miễn phí cho khách hàng mở tại khoản tại Tân Việt. Dịch vụ này cũng dựa trên công nghệ Internet (tích hợp trong website của Công ty) và thực hiện chuyển lệnh đặt trực tiếp vào danh sách chờ tại bàn nhập lệnh tại sàn.
Dịch vụ iTrade Pro của Tân Việt cao cấp hơn, hướng đến các tài khoản quy mô trên 1 tỷ đồng và hiện cũng mới có khoảng 30 khách hàng sử dụng thử. Dịch vụ này là phần mềm đóng gói, sử dụng đường truyền trực tiếp nên tốc độ cập nhật giá cao hơn (bảng giá trực tuyến qua Internet có độ trễ khoảng 3-5 phút).
"Hi-tech" đến mức nào?
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt, xu hướng cung cấp các sản phẩm dịch vụ chất lượng dựa trên nền tảng công nghệ cao sẽ tạo sức cạnh tranh mạnh thời gian tới. Đặc biệt, đối với những CTCK mới, ngoài những yếu tố cạnh tranh về phục vụ nói chung, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng trong giao dịch cũng là yêu cầu hàng đầu. Các dịch vụ đặt lệnh từ xa sẽ tạo lợi thế đáng kể để hút khách khi NĐT không cần phải trực tiếp đến CTCK, có thể quản lý tài khoản từ xa và thậm chí vẫn giao dịch thoải mái khi đi công tác nước ngoài. Đây cũng là giải pháp giảm tải sức ép về diện tích sàn giao dịch.
Tuy nhiên, NĐT cũng không nên quá kỳ vọng vào phương thức đặt lệnh trực tuyến khi hạn chế mấu chốt vẫn nằm ở quy trình giao dịch của cả hệ thống. "Nút thắt cổ chai" làm chậm cả quy trình chính là khâu nhập lệnh thủ công tại hai TTGD. Lệnh được gửi trực tiếp vào danh sách chờ thì vẫn có thể rớt trong những thời điểm quá tải, mặc dù khi áp dụng khớp lệnh liên tục thì nguy cơ này giảm đi.
Với giới hạn chỗ ngồi tại các TTGD, CTCK không thể tăng số nhân viên nhập lệnh được và số lệnh có thể vào hệ thống phụ thuộc vào năng lực "gõ" của những người này. Đây là lý do khiến một CTCK từng quả quyết chưa đầu tư vào phương thức giao dịch này dù thừa năng lực tài chính và kỹ thuật.
Một số CTCK mặc dù không xây dựng các dịch vụ trực tuyến nhưng cũng có cách truyền lệnh kiểu "hi-tech": Tận dụng toàn bộ số ghế tại sàn cho việc nhập lệnh và nhân viên ngồi tại CTCK sẽ "buôn" điện thoại từ xa đọc lệnh trực tiếp thay vì trước đây phải có nhân viên đọc lệnh ngồi cùng nhân viên nhập lệnh. Chính sự quá tải của khâu nhập lệnh tại sàn khiến hầu hết CTCK dị ứng với việc huỷ lệnh.
Các dịch vụ đặt lệnh trực tuyến không thiết kế cho việc huỷ lệnh qua mạng mà thay vào đó NĐT phải gọi điện trực tiếp thông báo đến bộ phận môi giới tại CTCK. Sắp tới, sàn TP. HCM sẽ giảm tải bằng cách cho phép đặt các thiết bị đầu cuối ngay tại CTCK và sàn Hà Nội thực hiện giao dịch từ xa. Theo kế hoạch, sàn TP. HCM cũng thực hiện bỏ đại diện sàn hoàn toàn vào năm 2008 nhằm tháo gỡ các vướng mắc này.
LĐ
|