Vênêxuêla: Chiến lược dầu lửa và những tác động tích cực tới nền kinh tế
Trong nhiều năm qua, dầu lửa và khí đốt tự nhiên luôn là hai nguồn tài nguyên quan trọng nhất của nền kinh tế Vênêxuêla. Mặc dù đó không chỉ là hai nguồn tài nguyên duy nhất và Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez cũng chủ trương đa dạng hóa nền kinh tế, song rõ ràng việc khai thác dầu lửa và khí đốt vẫn là nền tảng của sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao phúc lợi của nhân dân tại Vênêxuêla, cũng như sự hội nhập của nền kinh tế nước này vào khu vực Nam Mỹ.
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ Vênêxuêla đã soạn thảo kế hoạch dài hạn về phát triển nguồn năng lượng trong giai đoạn 2005-2030 theo một chiến lược do Bộ Năng lượng và Tập đoàn dầu khí quốc gia Vênêxuêla (PDVSA) đề xuất trong đó có 6 chương trình mấu chốt cần phải tập trung mọi nỗ lực để thực hiện bao gồm:
1. Dự án "Đại Oricono" nhằm thẩm tra trữ lượng dầu thuộc dải Oricono trên diện tích 55.314 km2. Theo ước tính, trữ lượng dầu của khu vực này lên tới 235 tỷ thùng dầu thô và nếu tính cả con số 81 tỷ thùng đã được xác định thì trữ lượng dầu lửa của Vênêxuêla sẽ vươn lên vị trí đứng đầu thế giới với 316 tỷ thùng. Tham gia thực hiện dự án này, ngoài PDVSA còn có các công ty của Tây Ban Nha, Braxin, Ấn Độ, Trung Quốc, Iran và Bêlarút.
2. Dự án "Tiểu Oricono" có mục đích bổ sung cho dự án thứ nhất bằng cách thực hiện có hiệu quả mọi hoạt động khai thác trong khu vực này; tiến hành việc giãn dân thông qua các kế hoạch phát triển kinh tế, tăng cường dịch vụ, thúc đẩy y tế, giáo dục và giải trí; và mở rộng phạm vi kinh doanh của PDVSA trên thị trường quốc tế.
3. Phát triển khai thác khí đốt tại khu vực thềm lục địa Đại Tây Dương. Vênêxuêla hiện đứng thứ 8 thế giới về sản lượng khí đốt và tiềm năng này sẽ được tăng cường với 3 dự án lớn bao gồm tổ hợp công nghiệp Ayacucho thuộc tỉnh Sucre; khu khí đốt tại vùng thềm lục địa Deltana và dự án Rafael Urdaneta nằm ở giữa vịnh Vênêxuêla và bán đảo Paraguana.
4. Chương trình xây dựng 3 nhà máy lọc dầu ở vùng đồng bằng miền đông Vênêxuêla, trong đó có một nhà máy với công suất lọc 400.000 thùng dầu thô mỗi ngày, một nhà máy lọc 50.000 thùng dầu/ngày, và một cơ cở thứ ba có thể sản xuất 50.000 thùng nhựa đường/ngày.
5. Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mục đích đổi mới dần các cơ sở của ngành công nghiệp dầu khí, trong đó có việc khôi phục hoặc thay thế các thiết bị, máy móc; mở rộng các kho chứa dầu bằng việc xây đựng 14 bồn chứa mới ở miền tây và thêm 21 bồn chứa khác ở miền đông; chấm dứt việc thiếu khí đốt ở phía tây Vênêxuêla bằng cách nối liền hệ thống cung cấp khí đốt giữa khu vực này và miền trung.
Kế hoạch này còn bao gồm cả việc cải thiện hệ thống giao thông trong nước với việc xây dựng tuyến tầu điện ngầm thứ tư tại thủ đô Caracát, tuyến tầu điện ngầm ở thành phố Maracaibo, tuyến xe điện ở Merida và mở rộng hệ thống đường sắt quốc gia.
6. Chính phủ Vênêxuêla sẽ sử dụng nguồn dầu khí vào việc thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế Mỹ Latinh theo tư tưởng của vị anh hùng dân tộc Simon Bolivar. Hiện đã có một số dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, trong đó có việc xây dựng đường dẫn khí đốt phương nam, xuất phát từ Vênêxuêla qua các nước Braxin, Urugoay, Áchentina, Paragoay và Bôlivia; đường ống dẫn khí xuyên Caribê kéo dài từ Vênêxuêla tới Côlômbia và Panama. Ngoài ra Vênêxuêla còn thực thi chương trình bán dầu cho các quốc đảo vùng Caribê, tránh cho các nước này phải mua qua các công ty trung gian với giá đắt.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc thực hiện chiến lược dầu khí này kết hợp với nỗ lực của chính phủ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội. Điều này đã được thể hiện trên nhiều chỉ số của Vênêxuêla.
Theo thống kê, mức lương tối thiểu của người lao động ở Vênêxuêla đã tăng từ 36 USD năm 1996 lên 238 USD năm 2006 (tăng 560%). Trong thời gian 7 năm dưới thời của Tổng thống Hugo Chavez, số hộ nghèo ở nước này đã giảm 15% và số hộ gia đình sống dưới mức nghèo khổ giảm 10%. Nền kinh tế Vênêxuêla cũng từng bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính quân sự năm 2002 và cuộc phá hoại của phe đối lập trong lĩnh vực dầu khí năm 2003, nhưng sau đó đã được khôi phục và đạt mức phát triển bền vững trong 3 năm liên tục. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vênêxuêla đạt 17,9% năm 2004; 9,3% năm 2005 và 10,3% năm 2006. Vênêxuêla cũng giữ được sự ổn định tài chính chưa từng có, với mức dự trữ ngoại tệ hơn 30 tỷ USD.
Nói tóm lại, nhờ vào nguồn dầu khí dồi dào, nền kinh tế Vênêxuêla trong những năm qua dưới thời Tổng thống Hugo Chavez đã đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, Các chương trình phát triển xã hội được đưa vào áp dụng rộng rãi đã giúp chính phủ khống chế được lạm phát, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, tăng sức mua, giảm tình trạng nghèo khổ, xóa nạn mù chữ, cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế cũng như thanh toán được các món nợ lương hưu kéo dài.
Có thể khẳng định rằng, việc áp dụng chiến lược dầu lửa dài hạn 2005-2030 và khôi phục các ngành kinh tế đã giúp đời sống của người dân Vênêxuêla được cải thiện và góp phần vào công cuộc hội nhập của các nền kinh tế thuộc Châu Mỹ.
TTXVN
|