Trung Quốc chú trọng phát triển đầu tư ra bên ngoài
Ngày 3/6, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc (TQ) Trần Kiện cho rằng do đầu tư ra nước ngoài muộn và thiếu kinh nghiệm nên các công ty TQ vẫn đang ở giai đoạn đầu của chiến lược "đi ra ngoài". Để tăng cường đầu tư ra bên ngoài các công ty TQ cần nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội, bồi dưỡng đội ngũ nhân tài và địa phương hóa hoạt động kinh doanh ở nước sở tại.
TQ hiện có quan hệ hợp tác buôn bán với 220 nước và khu vực trên thế giới. Từ trước đến nay, các công ty TQ đầu tư ra ngoài chủ yếu dựa vào mậu dịch, sau đó mở rộng dần ra các lĩnh vực công, nông nghiệp, hàng hóa bán lẻ ... Việc đầu tư và hợp tác buôn bán của công ty TQ đã đẩy mạnh phát triển ngành nghề, đóng góp thuế và tạo cơ hội việc làm cho nước sở tại. Thông qua việc giúp đỡ các công ty đầu tư ra bên ngoài, TQ không những tăng cường quan hệ kinh tế, chính trị, mà còn đóng góp cho phát triển và phồn vinh của các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, thực hiện mục tiêu cùng có lợi, cùng thắng và cùng phát triển.
Trước tình hình thế giới đang còn tồn tại nhiều nhân tố bất ổn, an ninh khu vực và nạn khủng bố ảnh hưởng đến niềm tin vào viễn cảnh kinh tế, xu hướng chính trị hóa kinh tế vẫn tồn tại, các công ty TQ đầu tư ra bên ngoài đang phải đối mặt với nhiều thách thức như khoảng cách về kỹ thuật, quản lý và vốn; chưa thích nghi với môi trường cạnh tranh quốc tế; ý thức đề phòng rủi ro không cao, không giỏi xử lý mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và hiệu quả xã hội. So với công ty xuyên quốc gia của các nước phát triển, công ty TQ vẫn mang đặc trưng cơ bản của một nước đang phát triển, vẫn trong giai đoạn đầu quốc tế hóa.
Để khắc phục những thách thức này, Trần Kiện cho rằng, công ty TQ khi đầu tư ra nước ngoài cần chú ý 4 điểm. Trước tiên là tăng cường ý thức trách nhiệm xã hội, tích cực báo đáp xã hội ở nước sở tại; Tăng cường quan niệm chung sống hòa bình, cùng có lợi và cùng thắng, tích cực triển khai kinh doanh mang tính địa phương hóa, mở rộng ngành nghề ở địa phương nước sở tại; Tăng cường phát triển đội ngũ nhân tài, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ nhân tài tổng hợp thích nghi với yêu cầu quốc tế hóa; Cuối cùng là tăng cường giáo dục và quản lý về an toàn, tăng cường ý thức an toàn, thiết lập và hoàn thiện cơ chế xử lý kịp thời, an toàn nội bộ.
TTXVN
|