Nước cờ mạo hiểm của Burger King
Ngày 8/6/2007, Burger King Corp., hãng cung cấp dịch vụ đồ ăn nhanh (fast- food) lớn thứ 2 thế giới (sau McDonald) của Mỹ đã khai trương cửa hàng đầu tiên mang thương hiệu của mình tại quận Shinjuku (Tokyo) sau 6 năm vắng bóng.
Năm 2001, Burger King buộc phải rút lui “không kèn không trống” khỏi thị trường Nhật Bản sau khi liên tục bị thua lỗ, mất thị phần và cảm thấy không thể địch nổi đối thủ lớn nhất của mình là McDonald. Sau 6 năm rút kinh nghiệm, tìm đối sách và phương thức kinh doanh mới, Burger King lại quyết định quay trở lại thị trường cũ. Động thái này khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi thị trường thức ăn nhanh ở Nhật Bản hầu như đã bão hoà và trở nên khá chật chội khi có thêm nhiều đối thủ mới như Krispy Kreme Doughnuts Inc., Wendy’s, Freshness Burger, Kentucky Fried Chicken (KFC)... Đây là nước cờ mạo hiểm có tính toán hay là sự thất bại có thể nhìn thấy trước?
Lần đầu tiên Burger King Corp. bước chân vào thị trường Nhật Bản là năm 1996. Sau khi rầm rộ mở hàng loạt cửa hàng tại một vài thành phố lớn, chủ yếu ở Thủ đô Tokyo, Burger King đã thu hút được một số lượng khách nhất định. Thế nhưng, cả về quy mô lẫn giá cả, Burger King đều “không lại được” với McDonald, nên vào năm 2001, Burger King đã tháo lui khỏi thị trường Nhật Bản, chỉ để lại vài cửa hàng chuyên phục vụ lính Mỹ đóng ở các căn cứ hải quân và không quân của Mỹ trên đảo Okinawa. Khác hẳn với sản phẩm của KFC (chuyên về thịt gà) hay Pizza Hut (bánh Pizza kiểu Italia), dòng sản phẩm của cả Burger King lẫn McDonald rất giống nhau về thành phần: gồm bánh mỳ, thịt bò, các loại salad, nước sốt... và nước uống kèm theo là Pepsi Cola hay Coca Cola, song gu và vị thì khá khác nhau. Đó là chưa kể nguồn cung cấp nguyên liệu chính yếu (thịt bò) cũng có xuất xứ khác nhau. Ở Nhật Bản, Burger King chỉ sử dụng thịt bò nhập khẩu từ New Zealand, còn McDonald lại chỉ xài thịt bò của Australia. Chính vì chẳng giống nhau, nên Burger King và McDonald đều có những khách hàng riêng của mình.
Rút kinh nghiệm lần trước hoàn toàn “độc lập tác chiến”, lần này Burger King “đổ bộ” vào Nhật Bản bằng hình thức... nhượng quyền kinh doanh (franchise) cho Burger King Japan Co., liên doanh giữa Tập đoàn Lotte Co. và Hãng tư vấn Revamp Corp. Lotte Co. hiện đang kinh doanh chuỗi cửa hàng bán bánh hamburger Lotteria, nên có khá nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh đồ ăn nhanh ở Nhật Bản.
Theo kế hoạch, cuối tháng 6 này, Burger King Japan sẽ khai trương cửa hàng thứ 2 và trong vòng 3 năm tới sẽ mở khoảng 50 cửa hàng nữa ở khu vực nội, ngoại thành Tokyo, nhưng con số này quả là hết sức nhỏ nhoi so với 3.800 cửa hàng của McDonald trên khắp lãnh thổ Nhật Bản.
Được thành lập năm 1954 tại ngoại ô TP. Miami (bang Florida - Mỹ), Burger King hiện có tổng cộng khoảng 340.000 nhân viên làm việc tại 11.220 cửa hàng ở Mỹ và 61 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, phục vụ cho khoảng 11,4 triệu khách hàng mỗi ngày. Riêng trong năm nay, Burger King mở rộng địa bàn hoạt động sang Ba Lan, Ai Cập và Hồng Kông.
Doanh thu năm 2006 trên toàn cầu của Burger King là 2,48 tỷ USD, lợi nhuận trước thuế là 170 triệu USD.
Tại lễ khai truơng cửa hàng mới, ông John Chidsey, Giám đốc Burger King tuyên bố: “Nhật Bản là thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi và có tiềm năng phát triển lâu dài trong tương lai. Tôi hy vọng, lần này chúng tôi sẽ cạnh tranh ngang ngửa với McDonald, trước hết về chất lượng”. Chủ tịch Burger King Japan Shinichi Kasa còn lạc quan hơn khi nhận định: “Tình hình đã thay đổi cơ bản so với cách đây 6 năm. Chúng tôi đã tìm được bí quyết để thành công ở Nhật Bản”. Bí quyết là gì thì mọi người mới chỉ đoán già đoán non, nhưng chắc chắn là Burger King Japan phải tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm để “ăn đứt” McDonald, còn riêng về giá cả thì chưa địch được, bởi món bình dân nhất của Burger King là Whopper có giá 370 yen (3,05 USD), trong khi món rẻ tiền nhất của McDonald là MegaMac có giá 350 yen (2,90 USD) vẫn thấp hơn chút đỉnh.
Theo một số nhà phân tích, ở Nhật Bản đang thịnh hành xu hướng thích ăn các món ăn nhanh theo phong cách Mỹ, vừa lạ miệng lại vừa hợp với thị hiếu tiêu dùng của giới trẻ không thích chỉ quanh quẩn với các món ăn truyền thống. Hơn nữa, dù đã vắng bóng trên thị trường Nhật Bản tới 6 năm, song cho đến giờ, Burger King vẫn có một số “đệ tử” hay đúng hơn là “con nghiện” rất trung thành của mình. Một trong số đó là chị Momoka Tanaka, 32 tuổi sống ở khu Suginami (Tokyo). Chị đã chầu trực bên ngoài cửa hàng từ 5 giờ sáng để được đứng trong danh sách 100 khách đầu tiên thưởng thức món ăn của Burger King và được nhận quà trong ngày khai trương. “Đã 6 năm qua, tôi không còn được thưởng thức mùi vị của các món ăn Burger King tại Nhật Bản. Cứ có dịp ra nước ngoài là tôi lại tìm mọi cách để đến bằng được cửa hàng Burger King mà ăn cho thoả thích”, Momoka Tanaka nói. Khách hàng là yếu tố quan trọng bậc nhất khiến Burger King quyết định có mặt trở lại ở Nhật Bản.
ĐTCK
|