Thứ Tư, 20/06/2007 00:38

“Lỗ đen” cổ phần hóa DNNN

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, hiệu quả từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện đạt thấp, cách thực hiện vẫn còn lúng túng, tài sản nhà nước chưa được quản lý để sử dụng một cách hiệu quả. Nhiều vụ việc xảy ra cho thấy đã có dấu hiệu của việc “moi” tiền nhà nước từ cổ phần hóa.

* Những kiểu “moi” tiền, vốn nhà nước

Cho đến nay, vụ định giá khách sạn Tràng Tiền (Hà Nội) khi tiến hành cổ phần hóa (CPH) vẫn là một “điển tích” được lưu truyền trong giới đầu tư chứng khoán.

Tọa lạc ở số 35 phố Tràng Tiền, với vị trí “trung tâm của trung tâm thủ đô”, sát hồ Hoàn Kiếm, ít ai biết rằng khi tiến hành CPH khách sạn này được định giá chỉ... 4 tỷ đồng.

Đối diện với khách sạn này ở bên kia hồ Hoàn Kiếm là khách sạn Phú Gia, cũng nằm ở vị trí đẹp, có truyền thống nhưng cũng chỉ được định giá 3,5 tỷ đồng - mức giá chỉ bằng một căn biệt thự thường thường bậc trung ở ven đô! Cũng ở Hà Nội, có không ít người tròn mắt khi biết được việc định giá để CPH Công ty bánh Tôm Hồ Tây. Với vị trí sát hồ Tây, kề hồ Trúc Bạch, đất rộng hàng trăm mét vuông, chưa tính nhà cửa, uy tín doanh nghiệp, thế nhưng qua cách tính giá “thoáng” của cơ chế định giá CPH, giá trị doanh nghiệp này chỉ có… 850 triệu đồng!

Có điều lạ là với những trường hợp trên, tiến trình CPH diễn ra rất nhanh, từ khi có quyết định đến khi đấu giá cổ phần lần đầu có khi chỉ trong vài tháng. Trong khi đó, ở một số doanh nghiệp, tiến trình CPH lại quá chậm.

Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) là một ví dụ. Công ty này đã bị đình đốn sản xuất và đang đứng trước bờ vực phá sản chỉ vì gặp phải những cản trở về thủ tục hành chính trong quá trình CPH. Thời gian qua, đã có trên 60 văn bản qua lại giữa các cơ quan chức năng về vấn đề này.

Và mặc dù từ năm 2006, Chính phủ đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra làm rõ, nhưng đến giữa năm 2007, vụ việc chẳng những không được giải quyết mà có vẻ đi vào ngõ cụt do các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm khiến người lao động và doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn.

Mới đây, hồi tháng 4-2007, Bộ Thương mại phải can thiệp vào việc CPH Công ty XNK Intimex bởi có sự nghi ngờ về tính minh bạch và sự tuân thủ quy định pháp luật của phiên đấu giá cổ phần của công ty này. Bản cáo bạch của Intimex công bố tình trạng kinh doanh ảm đạm. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn kinh doanh năm 2004 chỉ 1,65%, năm 2005: 0,76% và 3 quý đầu năm 2006 âm 18,01%.

Thế nhưng cổ phiếu của công ty khi đấu giá đã được 11 người mua hết với giá cao gấp 16 lần khởi điểm. Có dư luận, cổ phiếu được mua gom bởi lãnh đạo chủ chốt của công ty và người thân do họ có được những thông tin riêng về đất đai. Doanh nghiệp này nắm giữ gần 1,27 triệu m2 đất ở nhiều tỉnh, thành phố. Trong đó có khu đất quý rộng trên 2.800 m2 với gần 100m mặt tiền tại 26-28 Lê Thái Tổ, nằm đối diện hồ Hoàn Kiếm, đã được cơ quan có thẩm quyền ký quyết định cho Intimex thuê với thời hạn 50 năm.

Không riêng Intimex, hiện tại các nhà đầu tư cũng thường xuyên đối mặt với những bản công bố thông tin vắn tắt, không đầy đủ và chung chung. Chẳng hạn những con số tính theo phần trăm như tỷ suất lợi nhuận mà không nêu rõ sau thuế hay trước thuế, tính trên doanh thu hay trên vốn kinh doanh, vốn chủ sở hữu? Không giải thích rõ vì sao lỗ, vì sao lãi, không phân tích rõ rủi ro cạnh tranh... Quy định về nghĩa vụ bắt buộc công khai thông tin một cách trung thực chưa được cụ thể đã tạo điều kiện cho những cách làm khuất tất và lợi thế thuộc về những người có được thông tin “nội gián”.

* Bịt kín những “lỗ đen” trong CPH

Qua thực tế giám sát cho thấy giá trị thực của doanh nghiệp phần lớn cao hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán 10-30%. Giá cổ phiếu khi đấu giá có khi cao hơn mệnh giá tới 30%, thậm chí 200%. Mặt khác, đã phát sinh tình trạng cổ đông là người lao động bán trực tiếp hoặc chuyển nhượng cổ phần (kể cả cổ phiếu ưu đãi) hoặc làm trung gian giúp người khác bán, chuyển nhượng cổ phần.

“Việc thu gom, mua lại cổ phần nếu không được kiểm soát dễ dẫn đến số ít cá nhân nắm giữ một lượng cổ phần đủ lớn để chi phối doanh nghiệp cổ phần, tuyệt đại bộ phận người lao động trong doanh nghiệp trở thành người làm công ăn lương” -Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH Nguyễn Đức Kiên cảnh báo.

Nhìn chung nhận thức về chủ trương CPH DNNN còn chưa thống nhất. Vẫn còn tình trạng chưa chấp hành nghiêm quyết định của Nhà nước, chưa tích cực, kiên quyết trong tổ chức thực hiện; chưa chú trọng đúng mức CPH những DNNN không cần giữ 100% vốn.

Về chính sách CPH, xét cả quá trình thì có những quy định ban hành chậm, thiếu đồng bộ, thay đổi, bổ sung nhiều lần gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện CPH. Quy trình CPH còn phức tạp, một số nội dung chưa cụ thể, thủ tục rườm rà. Hình thức đấu giá cổ phần chưa đa dạng nên các nhà đầu tư không thể thay đổi nếu muốn chấp nhận giá cao hơn để được trúng thầu. Quy định thời hạn đăng ký tham gia đấu giá 5 ngày là dài và dễ rò rỉ thông tin, tiêu cực trong đấu giá.

TS Trần Đình Thiên, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, định giá thương hiệu, lợi thế thương mại… là vấn đề rất quan trọng trong quá trình CPH. Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, yếu tố thương hiệu ngày càng đóng vai trò quyết định.

Thời gian gần đây, nhiều thương hiệu của các DNNN, đặc biệt là những thương hiệu lớn được định giá hàng triệu USD. Do vậy,nếu không được định giá, hoặc định giá thương hiệu không sát, sẽ gây thiệt hại tài sản nhà nước.

TS Quách Đức Pháp, Viện trưởng Viện khoa học Tài chính cho rằng, để tránh thất thoát tài sản nhà nước, phải xác định được giá trị doanh nghiệp dựa vào cung cầu trên thị trường. Có nhiều nguyên nhân gây thất thoát, nhưng tập trung chủ yếu ở khâu xác định giá trị doanh nghiệp. Đáng lo ngại là trong khi các nguyên tắc để thực hiện CPH còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ thì khâu thực hiện cũng còn biểu hiện thiếu minh bạch và thiếu nhất quán.

Để khắc phục những “lỗ hổng” trong CPH doanh nghiệp, tránh tình trạng tài sản nhà nước “chảy” vào túi một nhóm người, đã đến lúc tiến hành một cuộc điều tra, đánh

giá lại toàn bộ quá trình thực hiện CPH trong thời gian qua. Nên tiến hành thí điểm thuê đối tác nước ngoài tham gia vào quá trình xác định giá trị doanh nghiệp để hạn chế tình trạng CPH khép kín, dễ gây thất thoát tài sản nhà nước.

SGGP

Các tin tức khác

>   Đà Nẵng: Cổ phần hóa khu Công nghiệp Hòa Cầm (20/06/2007)

>   Chuyển Cty Đầu tư XD số 2 Hà Nội thành Cty Cổ phần (20/06/2007)

>   NH cổ phần bán cổ phiếu để tăng vốn theo lộ trình (19/06/2007)

>   VCB hoàn tất đề án cổ phần hóa chi tiết (19/06/2007)

>   Cấp giấy chứng nhận chào bán cổ phiếu ra công chúng cho CTCP Sông Đà 9 (19/06/2007)

>   CPH 4 Cty nhà nước thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang (19/06/2007)

>   Dầu khí: Đa ngành, có đa hiệu quả? (19/06/2007)

>   Ngân hàng Quân đội sắp chốt danh sách cổ đông (19/06/2007)

>   “Bảo Việt đang chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài” (19/06/2007)

>   Bán đấu giá cổ phần Công ty Nhiệt điện Bà Rịa (lần 2) (19/06/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật