HSBC sẽ tập trung vào dịch vụ ngân hàng bán lẻ
Đó là thông tin từ ông Tom Tobin, tân Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam trong cuộc trò chuyện với VnEconomy.
Ông mới đến Việt Nam, vậy ông thấy đất nước Việt Nam thế nào?
Tôi nhận nhiệm vụ mới đến nay đã được gần một tháng, nhưng trước đó, tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Phong cảnh và con người thân thiện tại đất nước các bạn đã lôi cuốn tôi.
Nhìn dưới góc độ kinh tế, Việt Nam đang được xem như một “hiện tượng” của khu vực với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 7%/năm, GDP/đầu người tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua và FDI cũng tăng cao với tốc độ 55% qua các năm. Tôi hy vọng ngân hàng của tôi cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển nhanh chóng của đất nước này.
Vậy thị trường tài chính ngân hàng ở Việt Nam qua con mắt ông ra sao?
Tại Banking 2007 vừa qua, tôi thấy sự kiện này đã thu hút được rất nhiều người dân và các khách hàng tham dự. Điều đó chứng tỏ rằng, người dân Việt Nam không chỉ quan tâm đến thị trường ngân hàng hiện nay, người ta còn muốn xem và muốn biết được thị trường ngân hàng trong tương lai sẽ phát triển như thế nào để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng phức tạp của họ. Lượng khách hàng tiềm năng ở Việt Nam là rất lớn và cơ hội cho các ngân hàng cũng từ đó mà tăng lên nhiều hơn.
Tuy nhiên, so với nhiều nước phát triển, thị trường tài chính ngân hàng của Việt Nam vẫn còn non trẻ, thể hiện qua những hạn chế về các quy định, chính sách cũng như nghiệp vụ trong việc huy động vốn. Nhưng tôi tin trong một thời gian không xa, thị trường ngân hàng của Việt Nam sẽ đạt đến một trình độ phát triển ngang tầm với các nước khác trong khu vực và trên thế giới.
Ông đánh giá thế nào về các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài mở rộng thị trường tại Việt Nam?
Chúng tôi đánh giá cao các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc mở cửa thị trường ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài có một "sân chơi" rộng hơn để có thể cùng hoạt động bình đẳng với các ngân hàng trong nước.
Cũng cần thấy rằng việc mở cửa thị trường ngân hàng của Chính phủ là có hệ thống, mở cửa từng bước và có kiểm soát. Điều này đã hạn chế được những biến động tiêu cực đối với thị trường tài chính ngân hàng sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Nhưng ở Việt Nam hiện nay, khách hàng của các ngân hàng phần lớn vẫn là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn, trong khi các doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng. Ông nghĩ sao về điều này?
Đó cũng chính là một hạn chế của thị trường ngân hàng tại Việt Nam. Là nhà kinh doanh thì ai cũng cần đến vốn để đầu tư và mở rộng sản xuất. Và tất nhiên, ngân hàng sẽ là địa chỉ mà người ta nghĩ đến đầu tiên. Còn khi bạn mở một ngân hàng mà người ta không tìm đến thì coi như bạn đã thất bại rồi.
Vì vậy, quan điểm kinh doanh của HSBC là hoàn toàn khác.
Chúng tôi luôn coi mọi khách hàng là như nhau và luôn tạo mọi điều kiện để họ có thể đến với chúng tôi, tiếp cận được với nguồn vốn của chúng tôi và ngược lại. Nếu bạn tìm đến với HSBC thì dù bạn là một tập đoàn kinh tế mạnh, một doanh nghiệp lớn hay chỉ là một cá nhân bình thường, bạn cũng sẽ được hưởng những ưu đãi như nhau từ phía chúng tôi.
Đó là lý do tại sao trong năm qua, HSBC được bình chọn là ngân hàng nước ngoài tốt nhất và thành công nhất tại Việt Nam.
Chiến lược cụ thể của HSBC trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
HSBC là một ngân hàng toàn cầu và ở Việt Nam chúng tôi cũng đã khá thành công, đặc biệt là trong các lĩnh vực dịch vụ như tài chính doanh nghiệp, dịch vụ ngân hàng cho các tập đoàn đa quốc gia và định chế tài chính, tiền tệ và thị trường vốn.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt một số sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực tín dụng, thanh toán và quản lý tiền tệ. Đặc biệt, nhu cầu về dịch vụ ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam hiện nay đang rất lớn nên chúng tôi sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo tôi được biết, hiện ở Việt Nam chỉ có 8% người dân có tài khoản ở ngân hàng. Vì vậy, đây sẽ là một thị trường đầy tiềm năng và cũng là cơ hội để chúng tôi phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ thông qua việc mở thêm nhiều chi nhánh của riêng mình cũng như lắp đặt thêm nhiều máy ATM ngoài chi nhánh.
Còn ở tầm cao hơn, chiến lược của HSBC sẽ là chiến lược hai mũi nhọn, bao gồm đầu tư vào hoạt động của HSBC để tạo đà tăng trưởng liên tục, đồng thời phải đầu tư cho quan hệ đối tác chiến lược. Chúng tôi có thể tận dụng mạng lưới phân phối hơn 80 điểm của đối tác Techcombank trên toàn quốc.
VnEconomy
|