Giao dịch cổ phiếu niêm yết ngoài sàn: SOS!
Hiện tượng nhiều nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu đã niêm yết ngoài sàn diễn ra ngày càng nhiều, đang là vấn đề đáng quan tâm đối với cơ quan quản lý thị trường chứng khoán.
Yêu cầu về tính minh bạch về số lượng cổ phiếu giao dịch, sự an toàn trong giao dịch của thị trường chứng khoán chính thức đang bị đe dọa, nhất là khi xuất hiện nhiều nhà đầu cơ trên thị trường này.
Hiện những loại cổ phiếu "hiếm" như BMC, TCT, LBM, SGH… được coi là nhóm điển hình cho quá trình giao dịch ngoài sàn. Với khối lượng bán ra cực ít cùng chuỗi ngày tăng giá kịnh trần, việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu này có rủi ro rất lớn bởi quá trình xuống giá trở nên nhạy cảm với khối lượng cổ phiếu được bán ra.
Vì thế, những nhà đầu tư muốn nắm giữ và thu gom những loại cổ phiếu này rất thích được thỏa thuận trực tiếp với người có cổ phiếu để buôn bán trao tay. Họ thực hiện giao dịch hàng ngày và đương nhiên kết quả giao dịch không được hiển thị trên bảng điện tử cũng như không nằm trong thống kê giao dịch thỏa thuận của trung tâm giao dịch chứng khoán.
Theo giới quan sát, quá trình mua bán cổ phiếu niêm yết ngoài sàn vẫn được các nhà đầu tư thực hiện từ lâu trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau. Theo đó, bên mua và bên bán chỉ thỏa thuận miệng với nhau và trao tiền, thậm chí không cần viết giấy biên nhận.
Với hình thức giao dịch này, nếu loại trừ được yếu tố rủi ro như lừa đảo, nhà đầu tư được lợi bởi không phải mất phí giao dịch trả cho công ty chứng khoán. Quá trình giao dịch cổ phiếu niêm yết ngoài sàn xuất hiện khá nhiều khi thị trường có sự đầu cơ cổ phiếu của những "đại gia".
Cũng theo giới quan sát, hiện đang là thời hưng thịch của những cổ phiếu hiếm (đặc điểm là khối lượng bán ra ít và dư mua lớn), nên tình trạng giao dịch kiểu này là phổ biến hơn.
Tuy nhiên, khi hỏi về hiện tượng này, đại diện nhiều công ty chứng khoán đã lắc đầu phủ nhận. Một số đại diện công ty chứng khoán có thái độ tích cực hơn thì cho rằng, họ không có biện pháp và chức năng ngăn chặn tình trạng trên dù biết nó có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam.
Giám đốc một công ty chứng khoán tại Tp.HCM cho biết, hầu như không công ty chứng khoán nào muốn xảy ra hiện tượng giao dịch ngoài sàn, vì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu phí của đơn vị. Song, cũng vẫn có trường hợp công ty chứng khoán cố tình chiều lòng nhà đầu tư khi đứng ra bảo lãnh bằng tín nhiệm. Hiện có một cách "tiếp tay" cho những giao dịch thỏa thuận nói trên của công ty chứng khoán là hình thức viết giấy chứng nhận hoặc bảo lãnh chuyển nhượng cổ phiếu của nhà đầu tư muốn bán cho nhà đầu tư muốn mua.
Cơ chế giao dịch thoả thuận hiện nay của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cũng là yếu tố khiến tình trạng giao dịch thỏa thuận ngầm phát tác. Theo quy định, chỉ những lô cổ phiếu có khối lượng 10.000 cổ phiếu trở lên mới được thực hiện giao dịch thỏa thuận, còn với những lô nhỏ, nhà đầu tư muốn bán hoặc chuyển cho nhau sẽ phải bán trên sàn. Do đó, việc chuyển nhượng lượng cổ phiếu nhỏ hơn 10.000 giữa người mua và người bán có mối quan hệ mật thiết với nhau cũng dễ bị thực hiện theo hướng này.
Mặt khác, việc sàn Tp.HCM chỉ cho giá cổ phiếu dao động trong biên độ 5%/ngày cũng có ảnh hưởng nhất định đối với sự xuất hiện của loại giao dịch thỏa thuận miệng. Chẳng hạn, một nhà đầu tư đặt giá mục tiêu cổ phiếu A ở mức 1 triệu đồng/cổ phiếu, trong khi giá hiện nay của cổ phiếu này mới 500.000 đồng, nên quá trình chờ tăng giá đến mức mong đợi của nhà đầu tư này sẽ kéo dài trong nhiều ngày. Trong khoảng thời gian chờ đợi này dễ xảy ra tình trạng mua bán "thỏa thuận miệng".
Theo quan sát, tình trạng giao dịch ngoài sàn và việc xuất hiện nhiều cổ phiếu "hiếm" tại sàn giao dịch Tp.HCM nhiều hơn sàn Hà Nội, do sàn Hà Nội có biên độ giao dịch hàng ngày tới 10%.
Đầu tư
|