Cho vay chứng khoán, sao lại là 3%!?
Hầu hết các ngân hàng (NH) đều cho rằng qui định cho vay chứng khoán không vượt quá 3% tổng dư nợ của NH mang tính hành chính và không phù hợp với thực tế,đã làm “méo mó” môi trường kinh doanh.
Xôn xao vì biện pháp hành chính
Sáng 6-6, anh Đức Hùng - một nhà đầu tư (NĐT) tại sàn Bảo Việt - đã cầm cố cổ phiếu (CP) để vay vốn, tiếp tục đầu tư vào CP. “Phải tranh thủ vay bây giờ, vì tới đây khi qui định hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán (CK) có hiệu lực thì sẽ khó vay hơn” - anh Hùng nói. Không riêng gì anh Hùng, nhiều NĐT tại các sàn CK đang “chạy đua” để có tiền vay trước ngày 15-6.
Trong khi đó, con số 3% cũng đang làm nhiều NĐT lo lắng. Một NH có liên kết với công ty CK đã thông báo ngừng thực hiện dịch vụ cho vay cầm cố CK với lý do mức cho vay đã vượt quá tỉ lệ cho phép. Không ít NĐT lo ngại giá CP sẽ giảm khi nhiều NĐT phải bán CP ra để trả nợ NH. Ông Huỳnh Anh Tuấn - trưởng phòng môi giới CK Công ty CK NH Á Châu (ACBS) - cho rằng phần lớn NĐT cầm cố, thế chấp CP để vay vốn mua CP trên thị trường. Trong trường hợp đến hạn trả nợ vay nhưng không được NH cho vay nữa, NĐT chỉ còn giải pháp duy nhất là bán CP để trả nợ, khi đó lượng cung CP sẽ tăng bất thường.
Theo ông Võ Hữu Tuấn - phó giám đốc Công ty CK Bảo Việt TP.HCM, thời gian qua NĐT luôn an tâm về nguồn vốn, khi cần có thể cầm CP cho NH để vay tiền nên mạnh dạn đầu tư. Còn bây giờ họ sẽ thận trọng, điều này sẽ làm giảm sức mua của thị trường.
Ai cũng kêu
Mặc dù chưa đến thời hạn áp dụng việc hạn chế cho vay kinh doanh CK, nhưng nhiều NH cho biết đã nảy sinh nhiều rắc rối. Ông Võ Tấn Tài - phó tổng giám đốc NH Á Châu - cho biết nhiều khách hàng đã phản ứng khá gay gắt sau khi được thông báo về việc sẽ hạn chế cho vay. Theo ông Tài, cần phải khảo sát khả năng kiểm soát của mỗi NH đối với dịch vụ này để đưa ra tỉ lệ hợp lý cho từng đơn vị, chứ không nên “cá mè một lứa”.
Cũng theo ông Tài, đến thời điểm hiện nay, dư nợ cho vay trong lĩnh vực kinh doanh CK của NH Á Châu đã vượt tỉ lệ của NH Nhà nước. Do đó, trong thời gian tới NH này sẽ tập trung xử lý các khoản vay đến hạn chứ khó có khả năng tiếp tục cho vay thêm.
Ông Trần Phương Bình - tổng giám đốc NH Đông Á - cũng cho rằng dù muốn hay không, các tổ chức tín dụng cũng phải tuân thủ đúng qui chế nhưng cần phải có thời gian để điều chỉnh, chứ không thể áp dụng việc khống chế tỉ lệ ngay lập tức. “Việc cho vay là quan hệ kinh tế, NH không thể chấm dứt ngay hợp đồng với khách hàng được...” - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, việc hạn chế cho vay sẽ ảnh hưởng đến chính sách cho CBCNV vay vốn để mua cổ phần ở những doanh nghiệp cổ phần hóa, nếu việc khống chế cho vay kinh doanh CK cũng bao gồm khoản tín dụng này. Bởi lẽ giá cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa hiện nay đều khá cao so với mệnh giá, trong khi đối tượng này chỉ được giảm giá với tỉ lệ không đáng kể.
Các NH cũng cho biết qui định của NH Nhà nước đã phá vỡ kế hoạch kinh doanh của họ vì hầu hết đều đã xây dựng kế hoạch cho vay CK cao hơn mức mà NH Nhà nước qui định. Trong khi đó, các công ty CK cũng “kêu trời” vì chắc chắn nguồn thu của các công ty này cũng bị “vạ lây”.
Ngân hàng Nhà nước: sẽ có “lộ trình”
Theo NH Nhà nước, mức cho vay cầm cố CK ở các NH thương mại quốc doanh (hiện chiếm 70% tổng thị phần tín dụng) chỉ chiếm khoảng 1-2% tổng dư nợ tín dụng. Tỉ lệ này ở các NH thương mại cổ phần cao hơn. Vì thế, NH Nhà nước dự kiến đưa ra lộ trình để các NH đang “vượt trần” thu nợ nhằm giảm xuống tỉ lệ cho phép. Ngoài ra, tỉ lệ 3% chỉ áp dụng đối với việc cầm cố CK để đầu tư trở lại thị trường, còn cầm cố CK để đầu tư vào sản xuất kinh doanh thì không thuộc diện điều chỉnh của qui định này.
Không ổn!
Chỉ thị siết chặt quản lý cho vay kinh doanh CK vừa được NH Nhà nước ban hành là một cú “chặn dòng” gây nhiều phản ứng. Lý luận của việc ban hành chỉ thị là xác đáng. Tuy nhiên, nếu nhìn lùi lại một chút sẽ thấy nhiều điều bất cập.
NH Nhà nước đã quá lo xa, can thiệp quá sâu vào hoạt động của các NH thương mại. Vì bản thân các cổ đông của NH sẽ phải có biện pháp hạn chế rủi ro thông qua hệ thống quản lý rủi ro của các NH này. Đặc biệt những can thiệp hành chính bất ngờ như vậy không làm các nhà đầu tư đánh giá thấp môi trường kinh doanh của VN do tính khó lường đón của luật lệ mới là chuyện lạ.
Cuối cùng, một vấn đề có tính kỹ thuật là việc dùng khái niệm CK có vẻ không ổn lắm, vì nếu 3% dư nợ là trái phiếu chính phủ thì chẳng có vấn đề gì, nhưng nếu là CP của một công ty không tên tuổi thì lại là chuyện khác. Vì vậy việc bỏ tất cả vào một “rọ” 3% là hoàn toàn không hợp lý.
Tuổi trẻ
|