Về miền Trung mở ngân hàng
Các ngân hàng đang chạy đua để có mặt ở miền Trung vì có cùng nhận định trong tương lai gần nơi đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển dịch vụ ngân hàng.
Trung tâm tài chính của miền Trung - Tây nguyên
Chỉ riêng trong hai năm 2005-2006, có hơn 20 ngân hàng (NH) trong và ngoài nước mở chi nhánh tại Đà Nẵng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thanh Lai, giám đốc NH Liên doanh Việt - Thái tại Đà Nẵng, cho biết hầu hết NH có hội sở tại Hà Nội và TP.HCM đều đã mở chi nhánh hoạt động tại Đà Nẵng.
Sự phát triển của miền Trung và nhất là Đà Nẵng trong thời gian gần đây đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Và hệ thống NH cũng không đứng ngoài cuộc. Theo ông Lai, sự “bùng nổ” các chi nhánh NH sẽ đem đến cho khách hàng miền Trung nhiều sự lựa chọn, phong phú về nguồn vốn, tạo cơ hội rộng hơn cho các doanh nghiệp được tiếp cận vốn cũng như người dân được hưởng các dịch vụ tài chính hiện đại hơn. Và Đà Nẵng đang từng bước trở thành trung tâm dịch vụ - tài chính của cả khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Nhanh chân hơn, từ năm 2002, NH Đông Á đã mở chi nhánh tại Đà Nẵng và nay phát triển các chi nhánh Quảng Nam, Huế cùng sáu phòng giao dịch. Sự khai phá thị trường miền Trung đúng lúc đã đem lại tốc độ tăng trưởng 35% hằng năm cho Đông Á, cao nhất trong hệ thống NH cổ phần ở Đà Nẵng với mức độ huy động vốn lên đến 800 tỉ đồng/năm. Các dịch vụ tài chính của Đông Á cũng phát triển mạnh mẽ ở thị trường này như thẻ ATM đa năng với 120.000 thẻ, chiếm 50% thị phần Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn An - giám đốc NH Đông Á chi nhánh Đà Nẵng, các khách hàng của Đông Á sử dụng vốn rất hiệu quả, tỉ lệ vốn xấu thấp, chứng tỏ các doanh nghiệp tại miền Trung làm ăn rất căn cơ.
Theo ông Trần Xê - giám đốc ABBank Đà Nẵng, dù mới mở chi nhánh tháng 10-2006 nhưng tốc độ phát triển cũng rất nhanh, do vậy ABBank tiếp tục mở chi nhánh ở Quảng Nam, Huế. Những tín hiệu gần đây cho thấy nền kinh tế các tỉnh miền Trung sẽ khởi sắc hơn, đó là điều kiện rất tốt cho sự phát triển các dịch vụ tài chính.
Ngân hàng chờ dự án tốt
Ông Lê Diệp - giám đốc NH Ngoại thương VN (Vietcombank) Đà Nẵng - nhận xét sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế các địa phương miền Trung thời gian qua có sự tác động từ các luồng vốn, trong đó có vốn của NH. Sự có mặt của nhiều NH cổ phần cũng đã tạo sự cạnh tranh. Ông Diệp
cho biết trong thời gian tới Vietcombank cần chuyển hướng đầu tư vào các doanh nghiệp sản xuất ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, vì các doanh nghiệp này sử dụng lượng vốn lớn và có hiệu quả.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Lai, dù hệ thống NH tại khu vực phát triển nhanh song điều dễ nhận thấy là khả năng hấp thụ vốn thị trường còn yếu. Trong đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực này chưa có những sự đột phá để tiếp nhận luồng vốn mới. Có thể tiềm lực kinh tế của các doanh nghiệp tại khu vực còn thấp, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên các món vay không nhiều lại nhỏ lẻ.
Thế nhưng, theo ông Diệp, sự có mặt của hệ thống NH là cực kỳ quan trọng vì các doanh nghiệp tại miền Trung vẫn đang khát vốn, do vậy chưa thể lớn nhanh như doanh nghiệp ở các vùng khác. Hiện tại, các NH không thiếu vốn và đang chờ những dự án đầu tư tốt.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh doanh NH đều cho rằng hiện tại kinh tế miền Trung đã bắt đầu sôi động với sự xuất hiện của nhiều dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Điều này hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá hơn trong phát triển kinh tế ở khu vực. Và các NH cũng sẽ được hưởng lợi, có thêm khách hàng mới, có “đất” để phát triển các dịch vụ NH. Vì vậy, cuộc chạy đua có mặt ở miền Trung giữa các NH vẫn còn tiếp diễn.
Theo thống kê của NH Nhà nước Đà Nẵng, hiện có khoảng 33 NH đã mở chi nhánh tại Đà Nẵng. Các NH về miền Trung khi nơi này đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án du lịch, sản xuất, bất động sản lớn. Bên cạnh đó, người dân nơi này cũng đang dần có thói quen sử dụng các dịch vụ tài chính - ngân hàng.
SGGP
|