Chủ Nhật, 13/05/2007 23:22

Làm thế nào để khai thác tối ưu thị trường trái phiếu Việt Nam?

Trong một cuộc hội thảo thường kỳ do Citibank tổ chức diễn ra tại Hà Nội, đa số ý kiến đều cho rằng, thị trường trái phiếu Việt Nam rất tiềm năng nhưng chưa được khai thác tối đa. Việt Nam cần có những nỗ lực cải cách cụ thể và hiệu quả nhằm biến thị trường trái phiếu thành một nguồn thu hút vốn lớn trong tương lai.

Có thể huy động hàng tỷ USD từ thị trường trái phiếu

Bà Bét Thô-mát, Trưởng đại diện của Hãng thông tấn tài chính Bloomberg cho rằng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài mua trái phiếu của Việt Nam là rất lớn và họ mong muốn Việt Nam sớm có các đợt phát hành trái phiếu mới ra nước ngoài. Bà Bét dẫn ra các công ty Pacific Investment Management (Pimco) và hãng HSBC Holdings Plc đều cho rằng, Việt Nam nên nới lỏng hạn chế về doanh số phát hành trái phiếu có mệnh giá bằng ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và cắt giảm các chi phí vay dài hạn.

Chính phủ Việt Nam cần huy động vốn để xây các nhà máy điện và đường sá nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm là 8,5% đến năm 2010. Quốc gia có 85 triệu dân này mới chỉ bán 750 triệu USD trái phiếu trong một đợt phát hành. Theo ông G.Béc-na, Giám đốc bộ phận Đông Nam Á và Ấn Độ thuộc công ty BNP Paribas SA, một loạt các đợt phát hành trái phiếu đang trong quá trình chuẩn bị và các công ty Việt Nam sẽ bán ít nhất 5 tỷ USD trái phiếu trong 10 năm tới.

Thế nhưng dường như các đợt phát hành đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các nhà đầu tư. Tổng giám đốc Pimco, Bây-cơ, nói: Chúng tôi không nhận được nhiều như mong muốn. Chúng tôi mong muốn sẽ có một số đợt phát hành trái phiếu nữa, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ Việt Nam. Một đại diện của Ngân hàng HSBC tại Hồng Công cho biết, Chính phủ Việt Nam có thể huy động hàng tỷ USD trên các thị trường quốc tế bởi có “quá nhiều ngoại tệ đang săn lùng quá ít trái phiếu”.

Theo bà Bét, lý do các nhà đầu tư muốn nhảy vào thị trường trái phiếu Việt Nam, nhất là các nhà đầu tư bảo hiểm nhân thọ và hưu trí cũng như các quỹ phòng hộ, là vì họ đang tìm kiếm các khoản đầu tư trên toàn cầu khi các ngân hàng trung ương đã ngừng tăng lãi suất và có dự đoán rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp vào đầu tháng 6 tới. Nhu cầu mua trái phiếu Việt Nam có thể tăng hơn nữa do có nhiều khả năng mức xếp hạng tín dụng của Việt Nam được nâng lên. Năm ngoái, S&P đã nâng hạng tín dụng của Việt Nam lên hai mức và cách đây ít lâu, Moody’s Investors Service cho biết hãng này có thể nâng hạng tín dụng của Việt Nam lên mức thấp hơn một mức so với đánh giá của S&P.

5 vấn đề của thị trường trái phiếu Việt Nam

Một thực trạng là cho dù thị trường trái phiếu ở Việt Nam rất nhiều tiềm năng và có chút khởi sắc nhưng chưa phát huy được mấy trong giai đoạn vừa qua. Tại sao vậy?

Cách đây ít lâu, trong một cuộc hội thảo về phát triển thị trường trái phiếu ở Việt Nam, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) đã đưa ra một báo cáo tổng kết, trong đó tóm lược 5 vấn đề lớn của thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay. Cụ thể là: các tiêu chí phát hành không được quy định rõ ràng; thiếu thông tin; chưa có tổ chức định mức tín nhiệm (CRA); các quy định điều chỉnh việc chào bán riêng lẻ không đầy đủ và hệ thống giao dịch trái phiếu không đồng bộ.

Giải thích rõ hơn về những nhược điểm nêu trên, một chuyên gia kinh tế đến từ Dragon Capital cho biết, mặc dù các đợt phát hành trái phiếu được phê duyệt căn cứ theo năng lực của tổ chức phát hành, nhưng lại không có một quy định rõ ràng về tiêu chí để xác định năng lực trong các văn bản pháp luật. Điều này đã khiến các nhà phát hành và cơ quan phê duyệt tốn rất nhiều thời gian trong việc đàm phán và vì thế, không khuyến khích các nhà phát hành tiềm năng huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu. “Việc công bố thông tin không đầy đủ và chưa rõ ràng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tiềm năng không mặn mà đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt là các tổ chức như các công ty bảo hiểm”, ông này nói.

Để thị trường trái phiếu phát triển, một đại diện của Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) cho rằng, Việt Nam cần có những biện pháp và hệ thống đánh giá chuẩn hơn để xác định lãi suất phát hành hợp lý, qua đó giảm gánh nặng nợ vay cho đất nước. Bên cạnh đó, thể chế pháp luật và chính sách kinh tế vĩ mô cần được cải thiện hơn nữa nhằm nâng mức xếp hạng, đủ điều kiện để đạt được tiêu chuẩn đầu tư của các nguồn quỹ lớn trên thế giới. “Để trở thành một thị trường trái phiếu hiệu quả, Việt Nam phải tính tới việc kết nối thị trường của mình với các nước trong khu vực để tạo ra một thị trường đủ lớn, nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đó là điều vô cùng quan trọng”, ông này phân tích.

QĐND

Các tin tức khác

>   Société Générale lập công ty tài chính tại Việt Nam (13/05/2007)

>   Được gì khi tự do hóa tài chính? (13/05/2007)

>   Ngân hàng Mỹ và Việt Nam: Hợp tác chuyển tiền nhanh (13/05/2007)

>   Ngân hàng An Bình tăng huy động vốn đầu tư vào điện (12/05/2007)

>   Doanh nghiệp dịch vụ ngân hàng bị bỏ rơi vì thiếu luật (12/05/2007)

>   Cổ phiếu phát hành lần đầu dần trở lại giá thực (12/05/2007)

>   Trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (12/05/2007)

>   Thêm công ty tài chính cho vay để tiêu dùng (12/05/2007)

>   Lương tối thiểu dự kiến tăng lên 540.000 đồng (12/05/2007)

>   Bảo hiểm dầu khí đạt doanh thu trên 750 tỷ đồng (11/05/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật