Chứng khoán Việt Nam trên đường từ chợ thành siêu thị
Bước vào đầu quý II năm 2007, “làn sóng lên sàn” của các doanh nghiệp chuẩn bị được khởi động và sẽ kéo dài cho đến hết năm nay. Giới chuyên gia lạc quan rằng khi hàng hoá nhiều và tốt như vậy được bày bán hàng loạt, khách tới mua sẽ đông hơn và thị trường có thể tươi sáng hơn.
Làn sóng lên sàn trong nửa cuối 2007
Không giống như “làn sóng” của thời điểm cuối năm 2006, khi các doanh nghiệp chạy đua niêm yết cho kịp mốc thời gian 01/01/2007 nhằm hưởng mức ưu đãi thuế thu nhập, năm 2007 này chuẩn bị chứng kiến một “làn sóng” mới, mạnh hơn và quy mô hơn gấp nhiều lần, vì đây là “làn sóng” của những đại gia thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có những ngành chủ chốt như dầu khí, bất động sản, công nghệ thông tin - viễn thông…
Cụ thể, nổi lên một loạt công ty chuẩn bị lên sàn như Công ty cổ phần Vincom, dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM vào nửa cuối năm 2007; Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) sẽ niêm yết tại sàn TP.HCM với số lượng 100 triệu cổ phiếu. Khoảng 11 công ty đã cổ phần hoá thuộc PetroVietnam sẽ thực hiện niêm yết và đăng ký giao dịch tại các trung tâm giao dịch chứng khoán.
Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam (Vinachem) cũng cho biết 9 công ty cổ phần trong ngành hoá chất sẽ thực hiện lộ trình niêm yết và đăng ký giao dịch tại các trung tâm giao dịch chứng khoán trong năm 2007, bao gồm CTCP Công nghiệp Cao su Miền Nam, CTCP Cao su Sao Vàng, CTCP Thuốc sát trùng Việt Nam, CTCP Phân lân Ninh Bình, CTCP ắc quy Tia Sáng, CTCP Thương mại Phương Đông, CTCP Phân bón và Hoá chất Cần Thơ, CTCP Hoá chất Việt Trì và CTCP Xà phòng Hà Nội.
Các "đại gia" sắp đấu giá cổ phần và sau đó sẽ đưa cổ phiếu lên sàn như: Bảo Việt, VCB, Incombank, BIDV, Vinaphone, Mobifone, Viettel, MHB... hứa hẹn sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư.
Ở một số ngành sản xuất công nghiệp khác, có thể chỉ ra những tên tuổi đã có thương hiệu như Hòa Phát, Cáp Sài Gòn, Thiên Long, Alphanam, gỗ Trường Thành... Các doanh nghiệp này đều đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên TTCK tập trung của Việt Nam trong năm nay.
Với số lượng và chất lượng các cổ phiếu mới như vậy, có thể nói chứng khoán Việt Nam trên đường từ một chợ trở thành một siêu thị với hàng hoá nhiều và có thể có chất lượng hơn.
Khi chợ thành siêu thị, khách nhiều tiền sẽ đông hơn?
Trước việc sẽ có nhiều doanh nghiệp lên sàn trong nửa cuối năm nay như vậy, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về xu thế thị trường trong thời gian tới.
Tâm lý chung của rất nhiều nhà đầu tư trước sự kiện này là nỗi e ngại rằng cổ phiếu niêm yết sẽ tiếp tục giảm nhẹ với lập luận rằng tiền đổ vào chứng khoán không phải là vô tận. Khoản vốn hàng chục nghìn tỉ đồng sẽ bị đổ vào các đợt đấu giá sẽ tác động đáng kể tới giá cổ phiếu trên sàn hiện nay.
Tuy nhiên, một nguồn vốn lớn của dân đang gửi trong các ngân hàng rất có thể sẽ chảy sang chứng khoán để nắm bắt cơ hội được sở hữu các cổ phiếu có độ an toàn khá trong khi lợi nhuận cao hơn lãi suất tiền gửi.
Một số nhà phân tích còn lo ngại nguy cơ thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh trong thời gian tới do hoạt động đầu cơ quá mức, về chất lượng quản lý yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, một luồng ý kiến lại cho rằng giới đầu tư nước ngoài cho đến nay không hề nản lòng và sẽ tiếp tục như vậy trong thời gian tới.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích chứng khoán Bùi Chính thuộc Hãng cung cấp thông tin chứng khoán ATPvietnam nhiều khả năng khi chứng khoán Việt Nam trên đường từ chợ thành siêu thị như sắp tới thì khách nhiều tiền sẽ đến mua đông hơn. "Những nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp và dồi dào tài chính có thể đợi khi hàng hoá đa dạng, cao cấp được tăng cao như vậy để đi chợ luôn một thể cho bõ công", anh Chính nói.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng cường giải ngân là một trong các yếu tố kích thích các nhà đầu tư trong nước mua vào. Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng trong tuần trước, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào trung bình 1,4 triệu chứng khoán/phiên thông qua khớp lệnh, trong khi họ bán ra trung bình 578.000 chứng khoán/phiên.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng các thông tin trả cổ tức, phát hành cổ phiếu với giá ưu đãi, kết quả kinh doanh quý I/2007 khả quan… của một số công ty sẽ tạo sự hứng khởi cho khá nhiều nhà đầu tư.
Việc thị trường chứng khoán Trung Quốc, nơi cổ phiếu được cho là đắt nhất ở châu Á hiện nay, bất chấp các biện pháp kìm hãm do lo ngại tăng trưởng nóng vẫn tiếp tục phá kỷ lục về tăng điểm có thể là một tín hiệu lạc quan cho TTCK Việt Nam, một thị trường có nhiều nét tương đồng.
Và cuối cùng nhưng không phải là xa lạ gì, nhiều chuyên gia vẫn tin rằng niềm lạc quan về tiềm năng tăng trưởng kinh tế tổng thể của Việt Nam sẽ được dự báo là vẫn tiếp tục tạo động lực cho thị trường chứng khoán tăng tiến trong năm nay.
Do vậy, nhiều người cho rằng, trong dài hạn với việc quy mô của TTCK tập trung của Việt Nam tăng mạnh cùng với sự xuất hiện của các cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam thì khả năng luồng vốn gián tiếp lớn vào Việt Nam là một dự báo có cơ sở.
VNN
|