Thái Lan tuyên chiến với giá thuốc cao
Dược phẩm được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu trong đời sống hằng ngày của con người. Các nhà kinh tế học xác định rằng, đối với nhóm hàng hóa này, khi giá cả tăng, nhu cầu sẽ giảm.
Nếu gạo quá đắt, người ta sẽ phải ăn cơm độn ngô. Nhưng thuốc là một ngoại lệ. Không ai dám cãi lời bác sĩ đi mua loại thuốc khác thứ thuốc được kê trong toa. Cũng chẳng có con bệnh nào mặc cả được với nhà thuốc hay với bệnh viện, bác sĩ để giảm tiền thuốc hay chi phí khám chữa bệnh. Với người giàu có thì chả nói làm gì, nhưng với bệnh nhân nghèo thì sinh mệnh của họ thực sự nằm trong tay những người có quyền định giá loại hàng hóa này.
Nhiều tổ chức, hội đoàn đã lên tiếng chống lại giá thuốc quá cao mà các tập đoàn dược sừng sỏ của thế giới đưa ra, đặc biệt là các loại thuốc trị những căn bệnh hiểm nghèo. Đối với những quốc gia còn nghèo, những tổ chức thiện nguyện chăm lo sức khỏe cho người có thu nhập thấp, đấu tranh để có được giá thuốc vừa phải là cả một cuộc chiến. Và cuộc chiến gần đây nhất vừa diễn ra ở Thái Lan, quốc gia đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á với số dân khoảng 65 triệu người, bình quân GDP đầu người khoảng 3.000 USD/năm.
Thái Lan có trên 1 triệu người nhiễm HIV, hơn 500 ngàn người đã chết vì AIDS kể từ khi căn bệnh này bùng phát. Chính phủ Thái đã cam kết cung cấp rộng rãi cho bệnh nhân AIDS thuốc chữa trị (gọi tắt theo thuật ngữ tiếng Anh là ARV), và chương trình bắt đầu từ năm 1987. Phác đồ điều trị cho người nhiễm HIV phổ biến đi qua 3 dòng ARV tùy vào các giai đoạn trong vòng đời của HIV. Năm 2002, Tổ chức dược của Chính phủ Thái (GPO) chế tạo thành công một tổ hợp ARV dòng 1 gọi là GPO-VIR với giá 31 USD/người/tháng điều trị, so với 490 USD nếu dùng Efavirenz do Merck Sharp & Dohme (Mỹ) sản xuất. Nhờ vậy, đến năm 2006, có đến 80.000 bệnh nhân được điều trị với ARV1. Tuy nhiên GPO-VIR độc hơn Efavirenz, nó gây các phản ứng phụ dữ dội đối với 20% bệnh nhân.
Mặc khác, Cục Kiểm soát dịch bệnh của Thái cũng thấy rằng 10% bệnh nhân chữa trị với ARV1 sẽ kháng thuốc và cần chuyển sang điều trị bằng ARV2, phổ biến hiện nay là loại thuốc có thương hiệu Kaletra do Abbott Laboratories Limited (Mỹ) sản xuất. Như vậy, năm 2007, Thái Lan có khoảng 50.000 người cần dùng Kaletra với giá 2.200 USD/người/năm điều trị, tức tổng chí phí sẽ là trên 100 triệu USD, lớn hơn tổng ngân sách dành cho toàn bộ bệnh nhân nhiễm HIV.
Chính phủ Thái đã mất 2 năm trời thương lượng với các tập đoàn dược được cấp phép độc quyền sản xuất và phân phối các biệt dược (gọi là patent) ở Thái Lan, kêu gọi họ giảm giá bán thuốc để cứu những bệnh nhân nghèo mà ngân sách nhà nước không kham nổi việc chữa trị. Thất bại, Chính phủ Thái buộc lòng phải dùng nước cờ cuối cùng là phá bỏ thế độc quyền của các tập đoàn dược này, bằng cách cho phép cơ quan chính phủ hoặc các nhà thầu nhập khẩu hay sản xuất loại thuốc có tính năng tương tự (gọi là generic) với giá thấp hơn để thay thế, với mục đích phi thương mại. Tháng 11.2006, Bộ Y tế cộng đồng Thái (MoPH) cắt patent đối sản phẩm Efavirenz của Merck; cuối tháng 1.2007, MoPH cắt tiếp patent dành cho Kaletra của Abbott, và Plavix, thuốc chống đông tụ tiểu cầu dùng cho bệnh nhân tim mạch, của Sanofi-Aventis Limited (Pháp).
Hành động của Chính phủ Thái là phù hợp với điều khoản 31(b) của thỏa thuận về "Các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ" (gọi tắt là TRIPS Agreement) mà các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới đã ký kết năm 2001. Điều khoản này cũng được Tuyên bố Doha tái khẳng định ở đoạn 5 (b), rằng mỗi quốc gia thành viên có quyền buộc tổ chức, cá nhân đang nắm giữ một đặc quyền (patent) nào đó trao lại cái quyền đó cho chính phủ nhằm mục đích phục vụ cộng đồng, và chính phủ được tự do đưa ra lý do của việc làm này.
Sau hành động quyết liệt của Chính phủ Thái, đầu tháng 2.2007, Merck đồng ý giảm giá Efavirenz từ 42 còn 20 USD/người/tháng, tạo cơ hội cho khoảng 20.000 bệnh nhân nữa có thể chữa trị với biệt dược này. Sanofi cũng đã đồng ý giảm giá thuốc Plavix từ 2 USD/người/ngày còn chưa đầy 20 xu, giúp hàng chục ngàn trong số khoảng 300.000 bệnh nhân tim mạch của Thái Lan có cơ hội được điều trị. Riêng Abbott đã làm thất vọng cả thế giới.
Ngày 10.4.2007, Abbott tuyên bố giảm giá Kaletra xuống còn 1.000 USD/người/năm (sau khi Công ty Cipla của Ấn Độ tuyên bố có thể cung cấp cho Thái Lan loại generic với giá 1.560 USD/người/năm), đồng thời tuyên bố rút luôn 7 loại thuốc khác đang lưu hành ở Thái Lan như một hành động trả đũa. Abbott khẳng định chỉ đưa các loại thuốc này trở lại thị trường nếu Chính phủ Thái thu hồi lệnh cắt bỏ patent dành cho Kaletra.
Tối 19.4, phòng họp của CLB Phóng viên nước ngoài tại Thái Lan không còn chỗ trống. Khoảng 150 người đã đến tham dự buổi tranh luận về "cuộc chiến dược phẩm" giữa Abbott và Thái Lan. Tiến sĩ Suwit Wibulpolprasert, chuyên viên cao cấp về kiểm soát dịch bệnh của MoPH khẳng định rằng Chính phủ Thái không làm việc này nhằm mục tiêu cắt giảm ngân sách y tế (trên thực tế nguồn ngân sách dành cho y tế nói chung, và cho bệnh nhân AIDS nói riêng, của năm 2007 tăng đáng kể so với năm 2006), mà chỉ nhằm "làm giàu người nghèo", giúp thêm nhiều bệnh nhân nghèo được chữa trị. Và dù cắt bỏ patent, Chính phủ Thái vẫn trả tiền "tác quyền" cho các công ty dược, đồng thời vẫn cho phép các sản phẩm này được bán với giá đắt qua kênh phân phối tư nhân dành cho đối tượng có thu nhập cao cũng như những du khách sang Thái Lan chữa bệnh. "Chúng tôi không đụng đến thị trường 15 triệu người có thu nhập cao của Abbott. Chúng tôi chỉ bảo vệ 48,5 triệu người nghèo", ông Suwit giải thích.
Paul Cawthorne, một nhà hoạt động của Tổ chức Bác sĩ không biên giới, nói: "Nếu bảo rằng giá thuốc cao là để bù đắp cho công tác nghiên cứu của các công ty dược là không phải. Thật ra, chi phí quảng cáo của họ cao hơn gấp nhiều lần. Giá thuốc được định ra ở mức dành cho người giàu ở các nước phương Tây chứ không phải dành cho người nghèo ở Thái Lan". Cả phòng họp đồng tình, trong đó có cả một quý bà đến từ Phòng Thương mại Mỹ tại Thái Lan.
Thanh niên
|