Chủ Nhật, 15/04/2007 22:39

Sự bùng nổ của thị trường tài chính Việt Nam

Tờ International Herald Tribune ngày 5-4-2007 đăng bài “Vietnam's financial boom” (Sự bùng nổ của thị trường tài chính VN) của tác giả Philip Bowring, với một số cảnh báo. Trong thị trường tài chính toàn cầu đầy “bong bóng” hiện nay, trường hợp của VN không có gì là nổi bật. Nhưng thị trường mới nhất của châu Á này đã cho thấy sự phát triển quá nóng đang đi kèm với những vấn đề của nó.

Thị trường chứng khoán (TTCK) của VN sau một thời gian dài thai nghén cuối cùng cũng đã phát triển nở rộ vào thời điểm có nhiều nguồn vốn toàn cầu đổ vào nước này. Ngày càng có nhiều quĩ nước ngoài đổ xô đến VN để tìm hiểu về một TTCK đến nay đã tăng trưởng gấp đôi kể từ tháng 11 năm ngoái và gấp bốn lần kể từ đầu năm 2006. Cho dù những ngày gần đây thị trường có lắng dịu nhưng các cổ phiếu hàng đầu của thị trường này vẫn đang được giao dịch hơn gấp 40-50 lần mệnh giá, thậm chí cao bằng mức hiện tại của TTCK Trung Quốc.

Nền kinh tế VN trong những năm qua đã có được sự tăng trưởng cao liên tục nhưng cũng có nhiều vấn đề tồn tại như đầu tư quá mức, ô nhiễm và tình trạng thu nhập mất cân đối nghiêm trọng. Với việc gia nhập WTO, VN đang thực hiện các cam kết cải cách hơn nữa để tăng khả năng hội nhập về mặt kinh tế.

Những lợi thế của VN có thể kể đến như: có đội ngũ lãnh đạo chính trị mới, vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển thương mại, cơ cấu dân số tốt nhất ở khu vực Đông Á và một hệ thống tài chính phát triển hơn cả Trung Quốc so với thời điểm nước này ở giai đoạn tăng trưởng giống VN hiện nay. Hàng loạt công ty đã niêm yết trên thị trường còn non trẻ của VN và rất nhiều công ty lớn khác đang chuẩn bị cho việc lên sàn. Rõ ràng thị trường tài chính của VN đang phát triển.

Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường này có thể là một điều nguy hiểm, tương tự như trường hợp phát triển bùng nổ rồi sụp đổ ở Thái Lan và Malaysia vào những năm 1990. Nếu chỉ là việc giá các loại cổ phiếu giảm thì không phải quá nhiều, như trường hợp sụp đổ của TTCK Trung Quốc (năm 2001 - ND) chỉ làm ảnh hưởng đến các nhà đầu tư, chứ nền kinh tế thì không. Điều đáng lo ngại ở VN là cường độ của làn sóng vốn đầu tư đang cao hiện nay có thể làm thiệt hại nghiêm trọng đến toàn thể hệ thống tài chính khi làn sóng đó giảm.

Hiện có khoảng 2-3 tỉ USD của các nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đổ vào TTCK VN. Số vốn đó nằm ngoài tổng FDI đăng ký của nước này vào khoảng 10 tỉ USD và 2 tỉ USD đã được thực hiện trong năm 2006; ngoài ra còn nhiều nguồn vốn khác đang nhắm vào thị trường bất động sản của VN. Dòng tiền từ nước ngoài làm tăng lượng cung tiền trong nước với mức độ đáng lo ngại, thêm vào đó cơn sốt chứng khoán quá cao, cụ thể là ở TP.HCM, đã thu hút rất nhiều người dân tham gia thị trường này.

Tất cả những điều này đều không quá quan trọng nếu những lĩnh vực khác thuộc hệ thống tài chính cũng phát triển như TTCK. Hệ thống ngân hàng của VN còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Những ngân hàng quốc doanh chủ yếu có thể được bảo vệ bởi Chính phủ nhưng tỉ lệ nợ xấu của những ngân hàng này được xác định ở vào khoảng 20% so với mức chính thức là khoảng 5%.

Trong khoảng 35 ngân hàng, có nhiều ngân hàng được định giá thấp và có khuynh hướng sử dụng nguồn vốn để đầu cơ trên TTCK. Bản thân cổ phiếu của các ngân hàng cũng nằm trong số cổ phiếu được giao dịch mạnh nhất trên thị trường. Việc các ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại VN có thể giúp phát triển cho ngành này về mặt dài hạn nhưng trong ngắn hạn lại có thể tạo nhiều sự cạnh tranh về mặt cho vay và vì thế sẽ làm giảm các tiêu chuẩn đối với người đi vay.

VN cũng không có đủ nguồn dự trữ ngoại hối tương xứng với vị trí quốc tế mới của mình. Con số 13 tỉ USD chỉ vừa vặn bằng với giá trị của ba tháng nhập khẩu. Một điểm yếu tiềm ẩn khác là có khoảng 25% các khoản tiền gửi ngân hàng là bằng ngoại tệ. Điều này có khả năng làm những người vay ngoại tệ có thể gặp khó khăn nếu tỉ giá tăng mạnh. Tuy đây không phải là một nguy cơ hiện tại nhưng luôn là một khả năng xấu.

Với những kinh nghiệm từ việc quan sát Thái Lan cố gắng kiểm soát dòng vốn nước ngoài thời gian gần đây, VN đang miễn cưỡng áp dụng một số chính sách quản lý mới. Với may mắn, TTCK VN sẽ thoát khỏi điểm nóng và sẽ không có nguy cơ giảm giá thị trường 50-70%, có thể giết chết sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong nhiều năm sau. Sự thật là VN đang rất cần những nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển năng lượng và Chính phủ VN dự định sử dụng TTCK như là một kênh để huy động vốn, chẳng hạn như bằng việc niêm yết các công ty điện lực thành viên.

Bi quan quá mức về TTCK VN là không hợp lý. VN luôn tỏ ra cẩn trọng, thực hiện cải cách kinh tế từng bước một và khó có khả năng chạy vội theo tự do hóa quá nhanh. Thay vì muốn vượt mặt Trung Quốc về tăng trưởng, VN có vẻ hài lòng với tốc độ từ 7-8% như những năm gần đây. Tuy nhiên, ngay cả những nhà đầu tư cẩn thận nhất cũng có thể thấy được các dòng tiền đã cuốn trôi những khó khăn của thời kỳ trước đây. Vì thế, các nhà lãnh đạo VN sẽ cần nhận thức rõ một cách đặc biệt rằng đây không phải là thời điểm bình thường trong nền tài chính toàn cầu.

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Nhà báo có nên đầu tư cổ phiếu? (15/04/2007)

>   Tăng giá: Ngành dược không là ngoại lệ! (14/04/2007)

>   Mùa đại hội cổ đông: “Cá ăn kiến, kiến ăn cá” (14/04/2007)

>   TXM tổ chức ĐHCĐ thường niên vào ngày 24/04/2007 (14/04/2007)

>   NPS chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2006 (14/04/2007)

>   SAV Nhận giải thưởng thương hiệu mạnh Việt Nam (14/04/2007)

>   PMS Thông báo thời gian, địa điểm họp ĐHCĐ thương niên (14/04/2007)

>   TCR Thông báo thời gian, địa điểm họp ĐHCĐ (14/04/2007)

>   VIP Nhận giấy phép niêm yết bổ sung (14/04/2007)

>   SFI triệu tập Đại hội cổ đông thường niên lần 2 (14/04/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật