Mới có 1 tỷ USD vốn gián tiếp nước ngoài vào VN
Con số 4 tỷ USD vốn gián tiếp được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam là chưa chính xác. Số tiền thực chất mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ có hơn 1 tỷ USD.
Đây là thông tin được ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết mới đây. Theo những con số mà ông Thành có được thì đến tháng 10/2006, số vốn đầu tư gián tiếp mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam mới chỉ khoảng 700 triệu USD và cuối năm 2006 cũng chỉ trên 1 tỷ USD.
Ông Thành cũng cho biết, con số 4 tỷ USD đã được thông tin có thể hiểu là với số tiền thực sự đầu tư là 1 tỷ USD ban đầu nhưng đến nay theo giá thị trường đã lên đến 4 tỷ USD; chứ hoàn toàn không có chuyện các nhà đầu tư nước ngoài đổ 4 tỷ USD vốn gián tiếp vào Việt Nam trong thời gian qua.
Liên quan đến việc áp dụng các chính sách quản lý nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, ông Thành bày tỏ quan điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phải đến lúc cần những biện pháp quản lý kiểm soát luồng vốn một cách mạnh mẽ. Điều quan trọng là phải tăng cường tính minh bạch về thông tin. Các nguồn vốn ra vào chúng ta phải biết nguồn vốn từ đâu, bao nhiêu và đằng sau nó là ai...
Số liệu thống kê chính thức đến cuối năm 2006, số tài khoản các nhà đầu tư nước ngoài là vào khoảng 1.700 và nhóm này nắm giữ 25-30% số lượng cổ phiếu các công ty niêm yết. Đáng chú ý, trong số này có một số tổ chức đầu tư tài chính lớn trên thế giới như JP Morgan, Merryll Luynh, Citigroup...
Tuy nhiên, đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp hàng hiệu (blue-chips) trên các sàn chứng khoán với tỷ lệ tối đa (49%). Điều này đặt ra mối quan ngại vì còn ít động lực cho các nhà đầu tư này tham gia thị trường và họ chỉ thực hiện giao dịch khi có thêm cổ phiếu mới, hấp dẫn trên sàn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể thực hiện mua thêm cổ phiếu thông qua giao dịch nhờ ủy thác. Điều này sẽ khiến tính minh bạch của giao dịch và thị trường bị giảm. Và do vậy, mục tiêu hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cũng không thực hiện được.
Theo ông Thành, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, giá cả sẽ không còn lên xuống một cách "tên lửa" như thời gian qua. Bởi vì, về mặt quản lý vĩ mô chúng ta cũng đã có được bài học từ những biến động vừa qua; các nhà đầu tư cũng chuyên nghiệp hơn, tích lũy được nhiều kiến thức hơn để đầu tư. Cầu thị trường sẽ tiếp tục lên cao nhưng nguồn cung cũng sẽ rất lớn vì quá trình cổ phần hóa gắn với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán đang được đẩy mạnh. Sẽ có nhiều cổ phiếu tốt từ các tập đoàn, các tổng công ty, DN lớn sau khi CPH thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán.
VNN
|