Kiểm soát chặt việc tăng vốn ngân hàng
Cuối tháng 4 này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Gia Định dự kiến ký hợp đồng bán 30% cổ phần cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Vốn điều lệ của Gia Định hiện thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng cổ phần đô thị, có 210 tỉ đồng. Gia Định đã nộp hồ sơ xin tăng vốn lên 500 tỉ đồng, trong đó bán cho Vietcombank 150 tỉ đồng, cho cổ đông hiện hữu 105 tỉ đồng (người sở hữu 2 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới bằng mệnh giá), 35 tỉ đồng cổ phiếu còn lại sẽ đấu giá ra công chúng.
Quy mô của Gia Định khá khiêm tốn, ngoài hội sở chính, ngân hàng chỉ có ba chi nhánh ở TP.HCM, một ở Hà Nội. Nhưng sự góp mặt của Vietcombank sẽ là động lực mạnh đưa Gia Định tiến nhanh.
Siết chặt
Với xuất phát điểm thấp, việc tăng vốn của Gia Định có thể sẽ dễ dàng hơn những ngân hàng khác, song không có nghĩa là không qua những vòng thẩm định kỹ lưỡng đang ngày càng được Ngân hàng Nhà nước siết chặt.
Ngày 6-4-2007 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 3103/NHNN-CNH hướng dẫn việc tăng vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trong năm 2007. Theo đó các ngân hàng muốn tăng vốn phải trình phương án cụ thể, nêu rõ:
- Nhu cầu sử dụng vốn (đầu tư công nghệ thông tin, cơ sở vật chất...);
- Nhu cầu mở rộng cho vay;
- Nhu cầu mở rộng phạm vi kinh doanh sang các lĩnh vực khác như chứng khoán, cho thuê tài chính...
- Nhu cầu mở rộng địa bàn.
Đặc biệt, quyết định lần này có thêm điều khoản các ngân hàng nói rõ hiệu quả kinh doanh trên cơ sở vốn điều lệ mới, dự kiến mức lợi nhuận trước thuế, kết quả xếp loại, cổ tức. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét những chỉ tiêu quan trọng khi duyệt phương án tăng vốn, như tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn (ROE), tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản có (ROA), mức tăng trưởng tín dụng và mức tăng tiền gửi từ dân cư.
Cùng với việc tăng vốn, các ngân hàng phải chứng minh có đủ trình độ năng lực và nhân sự cần thiết để quản trị, điều hành, kiểm soát quy mô hoạt động tăng lên. Bộ phận Thanh tra ngành ngân hàng sẽ vào cuộc và hồ sơ tăng vốn chỉ được xem xét sau khi có ý kiến của Thanh tra.
Một nhấn mạnh khác là các ngân hàng phải công khai thông tin về lộ trình tăng vốn, nhất là các nội dung như tổng mức vốn dự định tăng thêm, các đợt dự kiến phát hành, phương án phát hành từng đợt (những đối tượng được mua, giá bán cho từng loại đối tượng, thời điểm bán, nghĩa vụ - quyền lợi đi kèm).
Rộng nhưng chưa sâu
Không phải bây giờ Ngân hàng Nhà nước mới lên tiếng cảnh báo và thực thi quyết liệt việc quản lý tăng vốn của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên những động thái của Ngân hàng Nhà nước gần đây cho thấy cơ quan này có lý để siết chặt việc tăng vốn điều lệ khi mà sự gia tăng chất lượng hoạt động không theo kịp sự bành trướng bề rộng.
Trước đòi hỏi bức bách của hội nhập và sự cạnh tranh của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng nội địa đã mạnh tay hơn trong đầu tư cho nhân lực, công nghệ, mạng lưới, nhưng hoạt động và lợi nhuận chủ yếu vẫn trông ở tín dụng. Doanh thu, lợi nhuận từ mảng dịch vụ chưa thể bằng một nửa mảng tín dụng. Trong khi đó những đề án thành lập ngân hàng mới ngày một nhiều.
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và sự lên giá của cổ phiếu ngân hàng trong vòng 6-12 tháng gần nhất (xem bảng dưới) đã khiến cho phong trào “nơi nơi, ngành ngành lập ngân hàng” lan rộng. Không ít tổng công ty đã và vẫn đang kiên trì với đề án lập ngân hàng chuyên ngành, công ty tài chính, công ty chứng khoán.
Lợi nhuận của một số ngân hàng tăng vọt không phải từ nghiệp vụ truyền thống tiền tệ, mà từ kinh doanh chứng khoán. Các khoản lợi nhuận từ chứng khoán đó rõ ràng là không bền vững một khi thị trường tài chính biến động thất thường.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển (Ngân hàng Nhà nước), trong một cuộc nói chuyện tại TP.HCM, nhấn mạnh rằng Ngân hàng Nhà nước ủng hộ việc sáp nhập các ngân hàng nội địa để tạo ra những ngân hàng đủ mạnh về tiềm lực tài chính, cạnh tranh ngang ngửa với ngân hàng nước ngoài.
Nhưng cho đến nay chưa có vụ sáp nhập các ngân hàng nội địa quy mô nào. Chuyện hai, ba doanh nghiệp Việt Nam khó đoàn kết bắt tay nhau hình như cũng không chừa lĩnh vực ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước có thể dùng những rào cản kỹ thuật để kéo dãn thời điểm cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam, song sự chậm trễ nào cũng có giới hạn. Đã có ít nhất hai ngân hàng nước ngoài nộp hồ sơ thành lập chi nhánh 100% vốn nước ngoài lên Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó nguồn tin mới nhất cho biết có thể Việt Nam sẽ mở cửa sớm hơn lĩnh vực chứng khoán cho đầu tư nước ngoài. Việc thành lập công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài có thể không phải đợi đến tháng 1-2009 như cam kết WTO, mà có khả năng sớm hơn.
Điều này buộc các ngân hàng, vốn đang “thò” một chân vào mảng chứng khoán phải tăng tốc đầu tư chiều sâu nếu không muốn bị “bật” khỏi cuộc chơi.
Thời gian tới cuộc đua nâng vốn của ngân hàng, như vậy, sẽ còn tiếp tục, nhưng khó có thể tăng với tốc độ vượt bậc như năm qua. Chính điều này là một trong những yếu tố tiếp tục tạo sức hấp dẫn nhất định cho cổ phiếu ngân hàng, loại sức hút dần đi vào ổn định và phân loại theo đẳng cấp tổ chức tín dụng.
Giá cổ phiếu của một số ngân hàng trong 12 tháng qua |
Ngân hàng |
Giá ngày 13-4-2006 |
Giá ngày 28-10-2006 |
Giá ngày 9-4-2007 |
ACB |
84.000 |
105.000 |
256.000* |
Sacombank |
73.000 |
62.000* |
147.000* |
Đông Á |
70.000 |
100.000 |
151.000 |
Eximbank |
62.000 |
70.000 |
127.000 |
VPBank |
52.000 |
62.000 |
130.000 |
SaigonBank |
40.000 |
50.000 |
125.000 |
Mệnh giá quy đổi: 10.000 đồng/cổ phiếu; Đơn vị tính: đồng/cổ phiếu
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước và các công ty chứng khoán. Số liệu chỉ có giá trị tham khảo, trừ cổ phiếu ACB và Sacombank (*) đã có giá chính thức giao dịch trên sàn niêm yết. |
TBKTSG
|