Cẩn trọng với việc thành lập mới các ngân hàng!
Hiện có hàng chục hồ sơ gửi về Ngân hàng Nhà nước xin thành lập ngân hàng ngoài nhà nước. Đó là chưa kể trong quá trình trở thành các tập đoàn kinh tế, một số tổng công ty, doanh nghiệp lớn thuộc các ngành kinh tế khác - như Tổng công ty bảo hiểm Việt Nam, Tổng công ty bưu chính - viễn thông Việt Nam, Tổng công ty thủy sản Việt Nam… cũng đề nghị được thành lập ngân hàng của riêng mình.
Việc thành lập ngân hàng thương mại hiện đang gia tăng như một "phong trào" như trên được các chuyên gia lý giải bằng nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân do các ngân hàng thương mại thời gian qua thường có lãi lớn, vượt rất xa so với tỷ suất lợi nhuận bình quân của nền kinh tế. Có nguyên nhân do sự tác động cộng hưởng "phi mã" của chỉ số giá chứng khoán, làm cho thị giá của cổ phiếu nói chung và của cổ phiếu các ngân hàng thương mại nói riêng được gấp lên mấy lần, đặc biệt là ở thị trường phi tập trung (OTC).
Cũng không loại trừ nguyên nhân có tình trạng một số người thành lập ngân hàng chỉ với ý đồ nhằm đẩy giá cổ phần lên cao rồi bán lấy lãi - bởi trong thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện thông tin quảng cáo rao mua - bán cổ phần của một số ngân hàng mới thành lập, thậm chí còn chưa được thành lập, bất chấp điều đó là trái với quy định hiện hành, trong khi đã có không ít nhà đầu tư "lao vào" bỏ tiền đầu tư, đã góp phần đẩy giá cổ phần của những "ngân hàng" ảo này lên cao ngất ngưởng! Đó là chưa nói, bắt đầu từ 1.4.2007, các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đứng trước tình hình trên, các chuyên gia đã khuyến cáo, không nên tăng số ngân hàng thương mại. Bởi vì:
Thứ nhất, tiền tệ - tín dụng là lĩnh vực rất nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống, kinh tế. Bởi vậy cần có định hướng phát triển an toàn, bền vững. Tại Việt Nam hiện đã có 5 ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 70-80 thị phần, 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng liên doanh với nước ngoài, 29 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 900 quỹ tín dụng nhân dân… Theo các chuyên gia, với thị trường vốn của Việt Nam và quy mô của các ngân hàng thì số lượng các ngân hàng như vậy đã là khá đủ, thậm chí có chuyên gia còn cho là quá nhiều.
Thứ hai, quy mô của các ngân hàng thương mại cổ phần của nước ta còn nhỏ bé. Việc tăng vốn pháp định lên để đạt được mức quy định theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22.11.2006 của Chính phủ (đến 2008 phải đạt thấp nhất là 1.000 tỉ đồng và đến năm 2010 đạt thấp nhất 3.000 tỉ đồng) đang là một áp lực lớn đối với các ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động trên thị trường nước ta. Từ sau 1.4.2007, nếu xuất hiện các ngân hàng con 100% vốn nước ngoài do các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nước ta, thì áp lực sẽ càng lớn lên gấp bội do sức ép cạnh tranh gay gắt của các ngân hàng trên.
Vì vậy, điều quan trọng cần phải làm ngay từ bây giờ là một mặt phải tìm mọi giải pháp tăng nhanh vốn pháp định, mặt khác cần khẩn trương mở rộng mạng lưới ra các địa bàn để tranh thủ lợi thế của ngân hàng thương mại trong nước so với ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trong nước cần tăng cường trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng các loại dịch vụ… để tăng hiệu quả và sức cạnh tranh. Các ngân hàng còn phải cẩn trọng trong việc cho vay cầm cố cổ phiếu, thế chấp nhà đất vay ngân hàng để chơi chứng khoán trong khi giá cổ phiếu đang tăng giảm khó lường. Tập trung nâng cao quy mô và chất lượng hoạt động ngân hàng thương mại hơn là thành lập ngân hàng thương mại mới.
Thanh Niên
|