Ngân hàng nội địa liên kết tăng sức cạnh tranh
Phát triển kênh phân phối, hợp sức cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng thông qua liên minh, liên kết đang là xu thế thịnh hành của các ngân hàng nội địa trong bối cảnh cạnh tranh, hội nhập….
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược trong hoạt động kinh doanh của hai bên.
Đây là cột mốc đánh dấu sự liên kết cùng phát triển giữa một ngân hàng quốc doanh lớn có lịch sử phát triển lâu đời, có quy mô hoạt động rộng khắp và một bên là ngân hàng TMCP còn non trẻ nhưng có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, kinh doanh năng động.
Theo ông Đỗ Tất Ngọc, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), với quan điểm “buôn có bạn, bán có phường”, Agribank đã hợp tác với nhiều ngân hàng nội địa nhằm tăng lực, cùng nhau phát triển. Được biết Agribank cũng vừa ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng TMCP An Bình trên các lĩnh vực quan hệ thanh toán, vốn, tín dụng, kinh doanh ngoại tệ, tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, kinh doanh chứng khoán…
Từ lâu SCB đã tạo dựng thế mạnh của mình bằng việc liên minh, liên kết với các ngân hàng “đại gia”. Đầu tiên SCB ký thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tiếp đó là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) và bây giờ là Agribank. Ông Lê Quang Nhường, Chủ tịch HĐQT SCB cho biết: “So với quy mô các ngân hàng quốc doanh, SCB quá bé nhỏ nhưng khi dựa vào các ngân hàng lớn, SCB sẽ có cơ hội phát huy thế mạnh của mình, khai thác tối ưu mọi tiềm năng từ việc hợp tác.
Chúng tôi tin tưởng rằng trong 3 năm tới, SCB đủ sức cạnh tranh với các tổ chức tín dụng trong nước cũng như các chi nhánh ngân hàng nước ngoài…”. Theo thỏa thuận hợp tác, Agribank và SCB sẽ hỗ trợ trong quá trình thiết kế sản phẩm, hợp tác trong lĩnh vực phát hành và thanh toán thẻ ghi nợ, trong lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ và phát triển các công nghệ ngân hàng… Ngoài ra, Công ty Chứng khoán Agribank sẽ hỗ trợ SCB trong việc cung cấp dịch vụ định giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trên thị trường OTC…
*
Hợp tác hay đối đầu?
Quan hệ giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và các ngân hàng bạn cũng đang được mở rộng. Nhiều hạn mức giao dịch hỗ tương và hợp đồng tổng quát về tiền gửi giữa Sacombank và các ngân hàng khác đã được ký kết. Sacombank đã đẩy mạnh liên kết hợp tác với các ngân hàng để mở rộng các kênh phân phối dịch vụ, cung ứng nhiều tiện ích cho khách hàng… Ngoài ra, Sacombank còn tham gia đầu tư vốn vào một số ngân hàng TMCP nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển của mình.
Đến nay, Sacombank đã góp vốn vào gần chục ngân hàng TMCP, góp phần nâng cao vị thế các ngân hàng nhỏ… Hoạt động sáp nhập bằng việc mua lại hoặc tham gia sáng lập các ngân hàng nội địa khác cũng là mục tiêu của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) hiện nay. ACB cho biết có thể đạt được tăng trưởng cả về chất và lượng từ mục tiêu này trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng này cũng vừa mới tham gia góp vốn trở thành một trong những cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Từ sự hỗ trợ toàn diện của ACB, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín có nhiều lợi thế trong hoạt động kinh doanh.
Xu hướng bắt tay giữa các ngân hàng nội địa ngày càng rõ nét. Bên cạnh bán cổ phần cho các ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng nội địa cũng đang vào cuộc đua tìm đối tác chiến lược từ các ngân hàng trong nước. Để chuẩn bị tốt cho thời kỳ hội nhập, các ngân hàng trong nước phải đảm bảo chất lượng dịch vụ tài chính. Nhìn tổng quát hệ thống dịch vụ của ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo các chuyên gia, một hai năm tới các ngân hàng Việt Nam sẽ bắt kịp nền công nghệ hiện đại của các ngân hàng nước ngoài.
Tuy nhiên đó sẽ là một cuộc cạnh tranh gay gắt. Ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà Nước chi nhánh TPHCM cho rằng: Trước mắt, hệ thống ngân hàng trong nước nên tìm sự liên kết trong hệ thống ngành. Bên cạnh việc mở rộng kênh phân phối, thu hút khách hàng, việc hợp tác giữa các ngân hàng trong nước sẽ tận dụng những kinh nghiệm của nhau, chuyển những điểm yếu thành điểm mạnh để cùng phát triển.
SGGP
|