Mua cổ phiếu ngân hàng hay bị ngâm sổ cổ đông
Quy định tổng mức chuyển nhượng cổ phiếu có ghi tên vượt quá 20% vốn điều lệ phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận đang gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong giao dịch cổ phiếu.
Chị Nga (nhân viên một công ty quản lý quỹ) cho biết, cuối tháng 1 chị mua 200 cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Nhân viên văn phòng Hội đồng quản trị Eximbank (nơi làm thủ tục chuyển nhượng) ghi giấy hẹn ngày 6/3 là có sổ cổ đông cho chị. Đúng hẹn, chị Nga đến lấy sổ thì tiếp tục bị khất lại đầu tháng 4.
Rất nhiều nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn này khi giao dịch cổ phiếu của những ngân hàng khác, nhất là các loại hàng "nóng" trên thị trường. Đại diện Văn phòng Hội đồng quản trị Eximbank giải thích: "Theo quy định, một khi số lượng cổ phần chuyển nhượng của các cổ đông vượt quá 20% vốn điều lệ của ngân hàng thì phải xin sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Những nhà đầu tư có nhu cầu chuyển nhượng khi chỉ mới có biên nhận, chứ chưa có sổ cổ đông thì ngân hàng sẽ đối chiếu với những thông tin hiện có để chấp thuận việc chuyển nhượng này".
Tuy nhiên, do phần lớn các loại cổ phiếu ngân hàng đều có giá trị lớn nên việc giao dịch mà chưa có sổ cổ đông khiến nhiều nhà đầu tư ngần ngại. Cán bộ của một ngân hàng cổ phần khác cho biết, chỉ chưa đầy 3 tháng, các cổ đông của ngân hàng này đã chuyển nhượng một lượng cổ phần lên đến 40% vốn điều lệ của ngân hàng. Cứ mỗi lần vượt quá 20% vốn điều lệ, ngân hàng phải xin và chờ nhân viên Ngân hàng Nhà nước vào kiểm tra. Mỗi lần kiểm tra như vậy mất từ 2-3 tuần. Trong khoảng thời gian này, các cổ đông lại có chuyển nhượng, nhiều khi lên đến 10%. Khi Ngân hàng Nhà nước kiểm tra xong phần vượt quá 20% cũ, ngân hàng lại đụng phần vượt quá 20% mới. Cứ vậy, vòng luẩn quẩn này tiếp diễn.
Theo Quyết định 1122 ngày 4/9/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước nơi ngân hàng thương mại cổ phần đặt trụ sở chính phải kiểm tra việc chuyển nhượng cổ phiếu trước khi thay đổi để bảo toàn vốn cổ phần của cổ đông là hợp pháp và có văn bản chấp thuận cho ngân hàng được chuyển nhượng cổ phiếu hoặc không chấp thuận (nếu xét thấy hồ sơ không đảm bảo quy định, việc thay đổi cổ phần có nguy cơ mất ổn định trong hoạt động). Văn bản không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty chứng khoán đặt vấn đề: "Tôi không biết Ngân hàng Nhà nước kiểm tra cái gì từ phần các nhà đầu tư chuyển nhượng vượt quá 20% vốn điều lệ của các Ngân hàng. Quy định này hiện chỉ áp dụng với các ngân hàng chưa lên sàn, không áp dụng đối với hai ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Hiện hoạt động của hai ngân hàng này vẫn rất ổn định và phát triển tốt. Điều đó cho thấy quy định này là không cần thiết. Nếu các Ngân hàng niêm yết cổ phiếu mà phải báo cáo và xin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phần chuyển nhượng cổ phiếu vượt quá 20% thì cứ vài phiên các cổ phiếu này phải dừng giao dịch là cái chắc".
Thanh Niên
|