CPH Tập đoàn Điện lực VN: Bán cổ phần ngay khi lập Ban quản lý dự án
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa trình Chính phủ một đề án cổ phần hóa (CPH) mới thay cho kế hoạch CPH hầu hết các công ty, đơn vị trực thuộc đến năm 2010. EVN dự định việc CPH các doanh nghiệp (DN), đơn vị trong ngành sẽ hoàn thành trước năm 2008, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch trước đây.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, sự phát triển nhanh chóng của TTCK là tín hiệu rất tốt cho việc huy động vốn của EVN. Nếu như giữa năm 2006, việc huy động vốn qua kênh này còn khá ì ạch thì đến cuối năm 2006 và đầu năm 2007, tình hình đã khác hẳn.
Các phiên đấu giá CP của các nhà máy điện được CPH thu hút hàng trăm nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Giá CP của một số nhà máy điện lên rất cao như CP của Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh hiện đã gấp 8 lần mệnh giá, CP Nhiệt điện Phả lại gấp 9 lần, CP của Công ty Điện lực Khánh Hòa cũng đã lên gấp 4 lần. Tỷ lệ chia cổ tức của các DN này đều vượt hơn 12%/năm là mức được nêu trong phương án CPH được phê duyệt.
Hiện tại, theo ông Đặng Phan Tường, Trưởng ban CPH của EVN, đã có 21 đơn vị, DN thuộc EVN đã hoàn thành CPH. Giá trị DN theo sổ sách kế toán của các DN này là 13.400 tỉ đồng nhưng qua khâu CPH, đánh giá lại thì giá trị các DN này đạt khoảng 19.000 tỉ đồng.
Trong đề án CPH trình Thủ tướng phê duyệt, có 14 công ty, trong đó đáng chú ý là các công ty Nhiệt điện Bà Rịa, Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh), Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi... đang tiến hành CPH năm 2006 sẽ hoàn thành CPH trong năm 2007.
15 đơn vị, DN khác sẽ tiến hành CPH trong đó có cả Nhiệt điện Thủ Đức, Phú Mỹ, Cần Thơ, Viện Năng lượng. EVN cũng dự định thành lập mới 13 công ty cổ phần như Công ty cổ phần Thủy điện Lai Châu, Bản Vẽ, A Vương, Sông Tranh, Sêrêpôk, Nhiệt điện Nghi Sơn, Nhiệt điện Mông Dương; 6 DN sẽ được hoàn thành CPH trong năm 2008 là Công ty Viễn thông Điện lực, các nhà máy thủy điện Tuyên Quang, Đại Ninh, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hà Nội và Điện lực TP.HCM, Công ty Tài chính Điện lực.
Ông Tường cũng cho biết, trong tháng 3 này, 3 công ty phát điện sẽ lần đầu thực hiện bán đấu giá cổ phần: Nhiệt điện Bà Rịa (phát hành khoảng 120 tỉ đồng vào 15.3), Nhiệt điện Ninh Bình (34 tỉ đồng) và Thủy điện Thác Mơ (bán 140 tỉ đồng).
"Từ cuối năm 2006, lãnh đạo tập đoàn đã có chủ trương bán cổ phần các nhà máy từ khi lập các ban quản lý dự án, đây là một quyết định lớn để thúc đẩy việc thu hút vốn đầu tư bên ngoài vào ngành điện", ông Tri khẳng định.
Ông Tri cũng cho biết, năm 2007, EVN sẽ thu hút 40.000 tỉ đồng và năm 2008 cũng thu hút khoảng trên 8.000 tỉ đồng từ việc bán cổ phần và phát hành trái phiếu. "Trước đây nói đến con số này thì thấy khủng khiếp lắm nhưng bây giờ, đó hoàn toàn trong tầm tay", ông Tri nói.
Đánh giá đề án CPH của EVN là "mạnh dạn, đúng hướng", tuy nhiên, ông Khiếu Hữu Bộ, thành viên Ban Đổi mới, sắp xếp DN của Bộ Công nghiệp nhận xét: "EVN muốn đẩy nhanh tiến độ CPH nhưng cũng có khó khăn ở chỗ yêu cầu đặt ra các nhà máy là phải có lãi trong khi giá điện hiện nay lại do Chính phủ khống chế. Theo lộ trình điều chỉnh giá điện được Chính phủ phê duyệt thì năm 2008, giá điện cũng chỉ tăng 4-5%, thấp hơn chỉ số lạm phát nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý, quyết định của nhà đầu tư".
"Các đơn vị truyền tải điện không CPH thì tổn thất điện năng ai chịu? Với các công ty kinh doanh điện, giá điện được mua vào là 500 đồng/kWh nhưng bán cho các hộ ở nông thôn chỉ được bán với giá tối đa 700 đồng... thì sự hấp dẫn cũng sẽ không cao", ông Bộ nói.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành công nghiệp thì cổ phần của các nhà máy nhiệt điện chạy than, các nhà máy thủy điện lớn của EVN sẽ có sức hấp dẫn lớn nhưng với các nhà máy nhiệt điện chạy dầu, việc bán cổ phần sẽ khá khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào - dầu DO, FO luôn luôn ở mức cao khó đảm bảo cho các nhà máy này có lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ.
Thanh niên
|