Chính sách khí đốt của Inđônêxia có thể ảnh hưởng đến dự án đường ống xuyên ASEAN
Theo một số chuyên gia kinh tế Inđônêxia, việc nước này thay đổi chính sách sử dụng khí đốt, trong đó ưu tiên việc đáp ứng nhu cầu khí đốt trong nước, có thể sẽ ảnh hưởng đến dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt khu vực mang tên "Đường ống khí đốt xuyên ASEAN" (TAGP).
Hồi tháng 7/02, tại Bali (Inđônêxia), các Bộ trưởng Năng lượng ASEAN đã ký bản ghi nhớ về TAGP nhằm giảm sự thiếu hụt năng lượng trong tương lai và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Dự án TAGP dự kiến nối các trung tâm phân phối khí đốt tự nhiên lớn của ASEAN bằng một hệ thống đường ống nối các nguồn khí đốt tự nhiên lớn tại Vịnh Thái Lan, đảo Sumatra và quần đảo Natuna ở Biển Đông.
Mạng lưới đường ống dẫn khí đốt xuyên ASEAN dài tổng cộng 4.500 km với bảy điểm kết nối chính, trong đó có bốn điểm nối liên quan đến việc cung cấp khí đốt từ Inđônêxia sang các nước láng giềng ASEAN, biến Inđônêxia trở thành quốc gia chiếm vai trò quan trọng trong dự án. Inđônêxia là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất khu vực với 182.500 tỷ phút khối (1 phút khối =0,0283 m3).
Hiện Inđônêxia, Malaixia và Xingapo đã có hệ thống đường ống dẫn khí đốt nối liền 3 nước. Theo đó, mỗi ngày Inđônêxia xuất khẩu 325 triệu phút khối khí đốt sang Xingapo thông qua một đường ống từ Tây Natuna và 110 triệu phút khối khí đốt sang Malaixia từ mỏ khí đốt Grissik ở Nam Sumatra. Với dự án TAGP, các mạng lưới đường ống dẫn khí đốt sẽ được mở rộng và nối với các nước ASEAN khác như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Mianma và Philíppin.
Tuy nhiên, do chính sách ưu tiên sử dụng khí đốt ở trong nước, Chính phủ Inđônêxia đã tuyên bố có thể không gia hạn các hợp đồng xuất khẩu khí đốt hiện nay với Malaixia và Xingapo, cũng như hợp đồng xuất khẩu khí đốt tự nhiên hoá lỏng với Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc. Do vậy, thay vì mở rộng các đường ống dẫn khí đốt qua biên giới, Inđônêxia đã xây dựng thêm các đường ống phục vụ việc cung cấp khí đốt cho thị trường trong nước.
Theo sắc lệnh của tổng thống ban hành năm 2006 về chính sách năng lượng quốc gia, đến năm 2025 Inđônêxia sẽ tăng tỷ lệ tiêu thụ khí đốt lên 30% tổng nhu cầu năng lượng và giảm lượng dầu mỏ tiêu thụ xuống 20%, so với mức 52% hiện nay. Theo ước tính của chính phủ, nhu cầu khí đốt của đảo Java, trung tâm công nghiệp của Inđônêxia, có thể đạt 4.854 triệu phút khối vào năm 2020, hơn gấp đôi so với mức 2.204 triệu phút khối năm 2005.
Mặc dù các hợp đồng xuất khẩu khí đốt của Inđônêxia với Xingapo và Malaixia còn kéo dài 15 năm nữa, song những thay đổi trong chính sách khí đốt của Inđônêxia chắc chắn sẽ khiến người ta hồ nghi về thành công của dự án xây dựng mạng lưới đường ống khí đốt ASEAN.
TTXVN
|