Thứ Năm, 01/03/2007 23:12

ASEAN cần chuẩn bị đối phó với cơn sốc thiếu dầu mỏ và khí đốt

Khi giá dầu thô vượt quá mức 70 USD/ thùng vào giữa năm 2006, các nước Đông Nam Á phải đối mặt với một thực tế khó chịu là không thể duy trì những mức thu nhập hiện tại, nếu không nhanh chóng tìm ra các nguồn năng lượng mới. Ngân hàng Thế giới (WB) tính rằng sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu đã làm giảm 1% giá trị GDP của khu vực năm 2006, do chi phí sản xuất tăng đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu, làm tăng chi phí vận chuyển và giá lương thực.

Khả năng thiếu nguồn cung dầu mỏ và khí đốt

Cùng với mối nguy hiểm về biến đổi khí hậu toàn cầu và làn sóng sức ép ngoại giao buộc các nước đang phát triển phải thực hiện các mục tiêu giảm khí thải đặt ra trong Nghị định thư Kyoto, cơn sốc thiếu năng lượng trong tương lai của khu vực nhanh chóng trở thành một khả năng hiện thực.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng trước ở Philíppin, Giám đốc Quỹ Thiên nhiên Hoang dã Thế giới (WWF), Hans Verolme, cảnh báo " Sự biến đổi khí hậu toàn cầu rõ ràng là mối đe dọa lớn cho sự sống và môi trường của khu vực ASEAN và cách hiệu quả nhất, kinh tế nhất để giảm bớt phụ thuộc vào dầu mỏ là phải nỗ lực nhiều hơn trong toàn khu vực để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng ".

Nhưng thực hiện điều đó như thế nào? Trong ASEAN, chỉ có Inđônêxia và Malaixia là tương đối tự túc được dầu thô, nhưng trong vòng 2 thập kỷ tới nguồn dầu này sẽ cạn kiệt cùng với phần lớn các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.

Bộ Năng lượng Mỹ tính rằng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng 35% trong giai đoạn 2004-2025, từ 82 triệu thùng/ngày lên 111 triệu thùng/ngày, chủ yếu là từ các nước mới công nghiệp hóa như Trung Quốc và Ấn Độ. Sản lượng cũng phải tăng theo lên mức đó. Nếu các nước sản xuất lớn như Arập Xêút, Nigiêria, sẽ tăng sản lượng lên gấp hai hay ba lần, rất có thể chỉ trong 2 thập kỷ nữa các nguồn cung cấp dầu thô cho khu vực sẽ không còn.

Chưa có giải pháp hứa hẹn về các nguồn năng lượng thay thế

Trong khi thị trường dầu mỏ thế giới luôn biến động và bị hạn chế, các nguồn năng lượng thay thế lại chưa có triển vọng rõ ràng. Than bị coi là nguồn năng lượng "quá bẩn", ấy là chưa kể chất lượng than trong khu vực thường rất kém; khai thác thủy điện có pợam vi ảnh hưởng lớn và đòi hỏi chi phí cao nên thường bị địa phương phản đối; năng lượng Mặt trời chưa đảm bảo đạt tới quy mô có thể tạo ra được thị trường có thể "sống" được.

Kể từ năm 1992, khi Đông Nam Á bắt đầu chiến lược phát triển năng lượng thay thế, WB đã cung cấp hơn 1,5 tỷ USD tiền cho vay, tín dụng hay viện trợ cho các dự án phát triển năng lượng thay thế và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong khu vực. Năm 1999, các dự án năng lượng thay thế đã chiếm tới 46% tổng số vốn tài trợ cho lĩnh vực năng lượng của khu vực.

Trong những năm qua, khi các vấn đề biến đổi khí hậu và khủng hoảng năng lượng xuất hiện, thủy điện, rồi ethanol, năng lượng hạt nhân, gió và mặt trời được hoan nghênh. Nhưng sau này người ta ngày càng nhận thấy rằng chẳng có công nghệ năng lượng nào có thể thay thế được các nguồn năng lượng hóa thạch, và cũng chưa ai đưa ra được cách thức kết hợp các công nghệ năng lượng thành một giải pháp tổng hợp có thể cứu được hành tinh và nền văn minh của chúng ta.

Hiệp hội Năng lượng Mặt trời Mỹ (ASEA) cho biết Mỹ có thể thực hiện mục tiêu giảm 60-80% lượng khí thải vào giữa thế kỷ này, nếu Mỹ tăng cường phát triển các dạng năng lượng thay thế, trong đó 57% là nhờ tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, 43% là nhờ vào các nguồn năng lượng thay thế.

Đông Nam Á chưa có nghiên cứu tương tự nào để so sánh, nhưng mô hình phát điện theo phạm vi cộng đồng mà ASEA nêu ra đã được thực hiện trong khu vực và rất phù hợp với lối sống nông thôn ở đó. Tuy vậy các dự án phát triển có quy mô quá nhỏ không thể đưa vào bản đồ năng lượng thông thường. Tổng số các dự án do WB tài trợ mới chỉ tạo ra được 1 gigawatt điện, một phần rất nhỏ so với tổng công suất phát điện hiện nay và chỉ đủ cung cấp cho khoảng 530.000 - 630.000 hộ nông thôn, mà chủ yếu cũng chỉ là những hộ trước đây không thể với tới các nguồn năng lượng hiện đại.

Về năng lượng gió, các nghiên cứu của WB tại 4 nướcViệt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia, cho thấy các nhà máy điện dùng sức gió với quy mô nhỏ có thể cung cấp điện cho khoảng 25% dân số nông thôn, nhưng chỉ có Việt Nam có tiềm năng đạt được công suất lớn hơn và lâu dài.

Về năng lượng hạt nhân, đến nay mới có 4 nước tiến hành nghiên cứu sơ bộ về nhà máy điện hạt nhân nhưng còn quá nhiều vấn đề đang lo ngại như sản xuất, vận chuyển và xử lý chất thải phóng xạ. Điều sẽ lại dẫn đến sự phụ thuộc mới vào bên ngoài.

Nhiên liệu sinh học xem ra rất thích hợp với khu vực về mặt điều kiện tự nhiên, giá cả và đảm bảo môi trường sạch. Đây cũng là hướng lựa chọn của Việt Nam, Malaixia, Inđônêxia, Thái Lan và Philíppin. Nguyên liệu như gạo, ngô, đậu, lạc, dầu cọ, dầu dừa, mía, cà phê... đều rất phong phú ở Đông Nam Á. Sau khi chế biến, sản phẩm thu được đem trộn với dầu điêden để dùng thay thế cho nhiên liệu ô tô, nhà máy điện hay đóng chai xuất khẩu, thực hiện được cam kết hợp tác của ASEAN.

Tuy nhiên, giải pháp năng lượng thay thế này cũng còn nhiều vấn đề phải bàn cãi. Nhiên liệu tổng hợp cũng xả ra nhiều khí thải gây hiệu ứng lồng kính như xăng, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm trong quá trình sản xuất, hay gây hỏng hóc xe. Nhìn từ góc độ kinh tế, với công nghệ hiện nay, người ta phải cần tới 540% đất canh tác mới sản xuất đủ nguyên liệu cho nhu cầu năng lượng, nghĩa là phải có diện tích đất trồng rộng bằng 54% bề mặt các lục địa. Tổng số diện tích đất trồng hiện nay cho sản lượng chỉ đủ giải quyết 20% năng lượng sản xuất từ dầu thô hàng năm. Ấy là chưa kể những vấn đề đặt ra về đất trồng mới, cân đối với nhu cầu lương thực, giá cả lương thực khi đi vào sản xuất năng lượng có tính cạnh tranh. Hiện tại các nước vẫn chưa thoát khỏi việc trợ cấp cho sản xuất lương thực.

Rõ ràng là các nhà lập kế hoạch kinh tế trong khu vực chưa thể sớm chọn được hướng đi đúng cho nguồn năng lượng thay thế. Kinh tế khu vực tăng trưởng nhanh chắc chắn sẽ sớm bị tác động mạnh hơn một khi thiếu nguồn cung năng lượng hóa thạch.

Xítni

Các tin tức khác

>   Thái Lan nới lỏng các biện pháp kiểm soát vốn (28/02/2007)

>   Malaixia giới thiệu chip nhỏ nhất thế giới có công nghệ vô tuyến (28/02/2007)

>   Kế hoạch đưa bang Johor thành một "Hồng Công" thứ hai của Malaixia (28/02/2007)

>   Xingapo sẽ đứng trong tốp đầu các quốc gia giầu nhất thế giới trong 10-20 năm tới (27/02/2007)

>   Inđônêxia nghiên cứu việc nhập khẩu gạo của Pakixtan và Trung Quốc (27/02/2007)

>   Nhiều công ty quốc tế muốn khai thác dầu khí ở Campuchia (27/02/2007)

>   Thái Lan sẽ bán 600.000 tấn gạo cho Inđônêxia và Iran (26/02/2007)

>   Malaixia và Inđônêxia tăng cường hợp tác kinh tế, bảo vệ rừng (26/02/2007)

>   Malaysia vươn lên thành cường quốc về xuất khẩu (25/02/2007)

>   Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm viện trợ trực tiếp cho Campuchia (25/02/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật