Cổ phần hóa ngân hàng thương mại vào giai đoạn nước rút
Bốn ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu Việt Nam đang tích cực triển khai kế hoạch cổ phần hóa và hy vọng sẽ hoàn tất việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường trong nước trong năm 2007.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) và Ngân hàng Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) được chọn làm thí điểm. Ngân hàng Công thương Việt Nam (ICB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tiến hành cổ phần hóa ngay sau đó.
Trước Tết Đinh Hợi, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã công bố nhà tư vấn cho VCB và MHB. Theo đó, tập đoàn tài chính Thụy Sĩ Credit Suisse sẽ là nhà tư vấn cổ phần hóa cho VCB và Deutsche Bank cho MHB. Theo các chuyên gia kinh tế, quyết định này đồng nghĩa với việc tháo gỡ bế tắc cho quá trình cổ phần hóa của các ngân hàng nhà nước vốn diễn ra rất chậm chạp trong thời gian qua.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng Giám đốc VCB, khẳng định việc ký hợp đồng với nhà tư vấn thực sự là một bước ngoặt quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của VCB. Credit Suisse sẽ giúp VCB giải quyết nợ xấu, hỗ trợ kỹ thuật, quản lý tài sản, quản lý rủi ro, tư vấn cho VCB các giải pháp phát hành cổ phiếu lần đầu tiên (IPO) ra công chúng vào tháng 7/2007 và niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh sau IPO khoảng 6-8 tuần.
Dự kiến, VCB sẽ thực hiện IPO tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh theo phương thức đấu giá công khai. Tổng số cổ phần phát hành mỗi đợt của VCB sẽ không vượt quá 10% so với vốn điều lệ. Sau khi tiến hành IPO, VCB cũng sẽ tiến hành tìm đối tác chiến lược và bán khoảng 10% vốn điều lệ cho đối tác.
Trong giai đoạn một của tiến trình cổ phần hóa, cổ phần của nhà nước tại VCB sẽ chiếm 70% và đến giai đoạn 2, tỷ lệ cổ phần của nhà nước sẽ giảm xuống nhưng không thấp hơn 51%.
Ông Ngoạn cho biết thêm quá trình cổ phần hóa của VCB sẽ có những điểm khác biệt với các ngân hàng khác bởi VCB sẽ áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo thông lệ quốc tế. Và VCB cũng đang cân nhắc liệu có bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài hay không trong lần đầu phát hành cổ phiếu trên thị trường trong nước.
Sau khi có nhà tư vấn, MHB cũng đang bắt tay vào công việc cổ phần hóa. Ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia ngân hàng và là nhà tư vấn cao cấp của MHB, cho biết MHB hy vọng Deutsche Bank sẽ giúp họ nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng; thay đổi phương thức quản lý điều hành; áp dụng các công nghệ hiện đại của thế giới; ứng dụng phong phú các sản phẩm dịch vụ ngân hàng của các nước tiên tiến; góp phần lành mạnh hóa và minh bạch hóa tình hình tài chính của các doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa.
Hai ngân hàng thương mại nhà nước khác là ICB và BIDV cũng đang tăng tốc chuẩn bị cho cổ phần hóa. Mới đây, ông Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cũng chính thức công bố kế hoạch IPO của BIDV sẽ được thực hiện vào quý IV/2007. Sau khi tiến hành IPO, BIDV sẽ thực hiện niêm yết tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào quý I/2008.
Lãnh đạo của BIDV cho biết ngân hàng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho việc cổ phần hóa. Trong hai năm qua, ngân hàng đã giảm đáng kể tỉ lệ nợ xấu, từ 19,04% xuống còn 9,1% tổng số nợ theo chuẩn quốc tế. BIDV hy vọng sau khi niêm yết cổ phiếu, tỷ lệ này chỉ còn dưới 5%. Trong năm 2006, BIDV đã phát hành một lượng lớn trái phiếu trị giá 3.200 tỉ đồng, góp phần nâng hệ số an toàn vốn lên 9,6%.
Mặc dù thừa nhận việc , nhưng
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy cho biết cổ phần hóa VCB và MHB như hiện nay là chậm so với kế hoạch. Tuy nhiên, trong thời gian tới công việc này sẽ được thúc đẩy và việc phát hành cổ phiếu lần đầu của hai ngân hàng này sẽ vẫn diễn ra vào năm 2007. Các ngân hàng thương mại nhà nước còn lại sẽ được cổ phần hóa xong trước năm 2009.
Chính phủ và Ngân hàng nhà nước cũng đang xem xét khả năng cho phép một nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ 20% cổ phiếu của một ngân hàng trong nước. Theo quy định hiện nay, con số đó chỉ dừng ở mức 10%, và tổng số cổ phiếu do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trong một ngân hàng Việt Nam không được vượt quá 30%.
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mang đến một hướng phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống tài chính nói riêng. Không ai có thể chắc chắn rằng các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ tiếp tục giữ thị phần chi phối trên thị trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng tỏ ra tin tưởng vào sự phát triển sau cổ phần hóa./.
TTXVN
|