Thứ Hai, 29/01/2007 16:12

Liệu Inđônêxia có duy trì được đà tăng trưởng kinh tế trong năm 2007?

Quốc đảo Inđônêxia đang trỗi dậy, với xuất khẩu và kinh tế tăng trưởng khá ấn tượng đã giúp đẩy chỉ số chứng khoán Jakarta tăng trên 55% để trở thành thị trường chứng khoán hoạt động sôi động thứ ba thế giới năm 2006.

Thông tin tốt lành đó cùng với nền tảng kinh tế vĩ mô được cải thiện và tình hình chính trị ổn định một cách đáng ngạc nhiên là những yếu tố làm thay đổi cách nhìn nhận lâu nay về Inđônêxia như là miền đất trú chân của các phần tử khủng bố quốc tế và sự quản lý kinh tế kém cỏi.

Câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế ốm yếu ở Đông Nam Á này có thể duy trì được đà tăng trưởng đó trong năm 2007 hay không?

Các cuộc điều tra khảo sát gần đây dự đoán kinh tế Inđônêxia sẽ tăng trưởng 5,5-6% năm nay, nhờ được hỗ trợ bởi chi tiêu tiêu dùng tư nhân khá mạnh và lãi suất thấp và nhờ xuất khẩu tăng mạnh(đạt kỷ lục 8,92 tỷ USD trong tháng 11/06) do giá năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên trên thị trường thế giới vững ở mức cao.

Một loạt các đợt cắt giảm lãi suất, cùng với việc đồng nội tệ rupiah mạnh lên và tỷ lệ lạm phát sụt giảm dần đã giúp "bơm phồng" thị trường chứng khoán Inđônêxia. Bất chấp đợt sụt giảm gần 4% trước thông tin Thái Lan sẽ thực hiện biện pháp kiềm chế đầu tư nước ngoài, các nhà phân tích tài chính cho rằng thị trường chứng khoán nước này có đủ những điều kiện cần thiết để hướng tới một năm "bội thu" tiếp theo.

Sự cải thiện của các nền tảng kinh tế trong nước được xem là chương lớn nhất trong câu chuyện về Inđônêxia. Giới hoạch định chính sách của nước này đã kiềm chế được lạm phát xuống 6,6% năm 2006, so với 17,1% năm 2005. Trong khi cùng với đà tăng giá của nhiều đồng tiền khác trong khu vực, đồng rupiah đã mạnh lên so với đồng USD, từ mức 9.823 rupiah = 1 USD hồi tháng 1/06 lên 9.034 rupiah/USD vào cuối năm 2006.

Trong thời gian từ tháng 5 đến cuối năm 2006, Ngân hàng Trung ương Inđônêxia (BOI) đã cắt giảm lãi suất 8 lần, đưa lãi suất cơ bản của nước này từ mức 12,75% xuống 9,5%. Động thái này giúp làm tăng sự lạc quan trên thị trường chứng khoán trong nước.

Theo công bố mới nhất của Ủy ban điều phối đầu tư Inđônêxia (BKPM), số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được thông qua năm 2006 đã tăng 18% so với năm 2005 lên 13,9 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư Malaixia đứng đầu với cam kết rót 2,2 tỷ USD. Còn tổng số vốn mà các doanh nghiệp và cá nhân trong nước cam kết đầu tư vào những dự án đã được thông qua năm 2006 tăng gần 300% lên 157.500 tỷ rupiah (khoảng 17,37 tỷ USD).

Tuy vậy, nhiều đám "mây đen" đang tái xuất hiện trên "bầu trời đầu tư" ở Inđônêxia. Năm 2006, lượng vốn đầu tư nước ngoài đã được thực hiện trên thực tế đã giảm 46%, từ mức 8,67 tỷ USD năm 2005 xuống chỉ còn 4,69 tỷ USD. Mặc dù đã ký Hiệp định đối tác kinh tế mới với Nhật Bản, nhưng đầu tư của Nhật Bản vào Inđônêxia trong 11 tháng đầu năm 2006 giảm 61% so với cùng kỳ năm 2005, xuống còn 430 triệu USD. Trong khi số vốn đầu tư của Trung Quốc đã được giải ngân cũng giảm 43%, xuống còn 114,8 triệu USD.

Theo người đứng đầu BKPM Muhammad Lutfi, hoạt động đầu tư của Nhật Bản tại Inđônêxia sụt giảm phản ánh sự lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường pháp lý bất ổn, cơ chế thuế mang tính ngăn cấm, và tình trạng thiếu đội ngũ công nhân có chất lượng và kết cấu hạ tầng tốt. Thống đốc BOI Burhanuddin Abdullah gần đây cảnh báo rằng bất chấp những số liệu khả quan về kinh tế vĩ mô, hiện vẫn còn những vấn đề lớn liên quan đến cơ chế hoạt động trong nền kinh tế, chẳng hạn như năng suất lao động thấp, tệ quan liêu hành chính và cơ sở hạ tầng yếu kém.

Tiến trình cải cách kinh tế chậm chạp cộng với sự chậm trễ trong việc thông qua luật đầu tư và thuế mới tiếp tục tác động đến môi trường kinh doanh và đầu tư ở Inđônêxia cũng như năng lực của chính phủ trong nỗ lực tạo việc làm. Ngoài ra, sự non kém trong ngành ngân hàng cũng là điều đáng quan ngại. Gần tròn 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-98 và sau nhiều vòng định lại thời gian trả nợ, nhưng đến nay nợ khó đòi vẫn chiếm tới 16% tổng số dư nợ trong hệ thống ngân hàng. Điều này tiếp tục là nguyên nhân khiến các ngân hàng Inđônêxia không háo hức cho vay.

Không ít ngân hàng muốn gửi tiền tại Ngân hàng trung ương, nơi họ có thể hưởng lãi suất 12% mà ít gặp rủi ro. Trong khi nhiều chủ ngân hàng khác vẫn e ngại về một số luật lệ được áp dụng thời hậu khủng hoảng, trong đó quy định cán bộ phụ trách tín dụng có thể bị tống giam nếu hoạt động cho vay của họ đổ bể. Cho dù đã đạt được những tiến triển đáng ghi nhận trong chương trình xóa đói giảm nghèo, nhưng Ngân hàng Thế giới ước tính, khoảng 42% dân số nước này vấn đang sống với mức thu nhập chỉ vẻn vẹn 1-2 USD/ngày.

TTXVN

Các tin tức khác

>   Inđônêxia cấm xuất khẩu thiếc đối với các công ty chưa đăng ký (29/01/2007)

>   Campuchia thu hút 3,97 tỷ USD đầu tư nước ngoài năm 2006 (28/01/2007)

>   Lào: Đặt mục tiêu thu hút 1,6 triệu lượt khách du lịch vào năm 2010 (28/01/2007)

>   Nhật Bản và Trung Quốc giúp Campuchia phát triển kinh tế (26/01/2007)

>   Xingapo kêu gọi các nước ASEAN mở cửa bầu trời cho các hãng hàng không giá rẻ (26/01/2007)

>   Campuchia: Từ chối tiền vay của ADB để bảo toàn chủ quyền (26/01/2007)

>   MRPL của Anh đạt được thỏa thuận chia sẻ sản lượng khí đốt với Mianma (24/01/2007)

>   Lào phát triển ngành điện để xuất khẩu (24/01/2007)

>   Kinh tế Malaixia sẽ tăng trưởng 5,2% năm 2007 (24/01/2007)

>   Malaixia tăng cuờng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (24/01/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật