Cổ phiếu Bảo Minh điêu đứng vì tin đồn
Cổ phiếu Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) mấy phiên gần đây bị bán ra rất mạnh ở giá sàn, sau khi bung ra thông tin công ty có nguy cơ phong toả tài khoản do "rắc rối" liên quan đến việc đền bù thiệt hại do hoả hoạn cho Công ty Hoàng Long tại Đà Nẵng.
Phản ứng khá chậm của Bảo Minh trong việc cung cấp thông tin chính xác cho nhà đầu tư chứng tỏ doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tác động tiêu cực có thể xảy ra trên thị trường chứng khoán.
Sự thật về việc phong toả tài khoản
Bắt đầu từ thông tin đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng: Tổng công ty Bảo Minh có khả năng bị phong toả tài khoản do chậm chi trả bảo hiểm đối với Công ty Hoàng Long trong vụ cháy nhà máy sản xuất mì ăn liền nhãn hiệu "Rồng Vàng" (Goldrafood) tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc xảy ra đã hơn 4 năm trước.
Theo thông tin này, do Bảo Minh chậm chi trả 4.913.578.000 đồng tiền bảo hiểm và Phòng Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án và đề nghị áp dụng biện pháp phong toả tài khoản.
Vấn đề đặt ra là với mức chi trả chưa tới 5 tỷ đồng, tại sao lại có thông tin về việc phong toả tài khoản của Bảo Minh? Theo giải trình của đại diện Tổng công ty Bảo Minh, thực ra việc chi trả tiền bảo hiểm cho Công ty Hoàng Long vẫn chưa được thực hiện là do yêu cầu của nhiều cơ quan chức năng liên quan chứ không phải Bảo Minh cố tình không thực hiện.
Trong khi chờ kết luận cuối cùng, Bảo Minh đã mở một tài khoản tại Đà Nẵng với số tiền bằng mức mà toà dân sự yêu cầu bồi thường và đồng ý để cơ quan thi hành án Đà Nẵng phong toả tài khoản này. Ngoài ra, tất cả các tài khoản khác của Tổng công ty Bảo Minh vẫn giao dịch bình thường.
Bài học đắt giá
Chịu ảnh hưởng của những thông tin bất lợi, cổ phiếu Bảo Minh (BMI) trên sàn Hà Nội nhiều phiên liên tiếp bị bán tháo giá sàn với khối lượng lớn.
Ngày 26/1 (3 ngày sau khi có thông tin không chính xác), Bảo Minh mới có đính chính chính thức. Giá BMI đã tăng kịch trần trở lại trong phiên cuối tuần.
Đây cũng không phải lần đầu việc phản ứng chậm trước những thông tin bất lợi khiến cổ phiếu của doanh nghiệp bị bán tháo. Cổ phiếu GMD của Công ty Gemadept từng bị bán ra ồ ạt hàng trăm nghìn đơn vị với giá sàn trước thông tin thanh tra doanh nghiệp. Công ty Nhiệt điện Phả Lại cũng chịu cảnh tương tự với tin đồn cháy tổ máy phát điện.
Mặc dù giá cổ phiếu trong nhiều trường hợp không phản ánh đúng tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng từ góc độ tích cực, giá cổ phiếu cũng góp phần tạo nên thương hiệu và uy tín của đơn vị phát hành.
Hiện, tâm lý phổ biến của doanh nghiệp là che giấu những thông tin bất lợi và hầu hết vẫn nhìn nhận việc công bố thông tin từ góc độ nghĩa vụ. Đối với phần lớn nhà đầu tư cá nhân, phản ứng đầu tiên đối với các thông tin tiêu cực là bán ra cổ phiếu thay vì tự mình tìm hiểu, phân tích mức độ chính xác của nguồn tin.
Do đó, việc công bố thông tin liên tục, kịp thời không chỉ tạo niềm tin đối với nhà đầu tư, mà còn là cơ hội để đánh tan các thông tin "vỉa hè".
Hiện rất hiếm doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách nhiệm vụ công bố thông tin, theo dõi các diễn biến giao dịch cổ phiếu của đơn vị cũng như "nghe ngóng" các tin đồn bất lợi để có những đính chính kịp thời, tạo cảm giác an toàn cho nhà đầu tư.
Lao Động
|