Thứ Ba, 30/01/2007 00:00

Có nên mua cổ phần các công ty cao su?

Theo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, thực hiện tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước trong ngành Cao su, sắp tới, sẽ có nhiều công ty cao su tham gia bán đấu giá cổ phần. Mua cổ phần cao su, cũng có nhiều cơ hội làm giàu và cũng phải đề phòng nhiều rủi ro.

Ngày 7/12/2006, tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM, Công ty Cao su Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) đã tổ chức phiên bán đấu giá cổ phiếu. Những ngày cuối năm 2006, đầu năm 2007, các công ty Cao su Tây Ninh, Đà Nẵng, Hoà Bình… cũng đã tổ chức đưa  cổ phiếu lên sàn giao dịch. Giá các cổ phiếu đều tăng gấp nhiều lần so với giá ban đầu đưa ra.

Cơ hội

Ngày 7/12/2006, Công ty Cao su Đồng Phú đã tổ chức bán đấu giá 11.701.300 cổ phiếu, giá 18.300 đồng/cổ phiếu. Mặc dù giá vốn gốc một cổ phiếu chỉ là 10.000 đồng nhưng khi khớp lệnh giá, giá một cổ phiếu lên tới 53.300 đồng, tăng 2,9 lần so với giá đưa ra.

Ngày 12/12/2006, tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP HCM, Công ty Cao su Tây Ninh cũng đã tổ chức phiên bán đấu giá cổ phiếu. Cổ phiếu được công ty chào với giá 18.300 đồng nhưng khi khớp giá, giá đã tăng đến mức kỷ lục 68.300 đồng/cổ phiếu, tăng 3,7 lần. Đặc biệt giá cổ phiếu của Công ty Hoà Bình  (Bà Rịa - Vũng Tàu) tăng gấp 14 lần so với giá công ty đưa ra lúc ban đầu.

Vì sao giá cổ phiếu cao su đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm và có lực hút mãnh liệt đến như vậy? Theo ý kiến của một số các nhà kinh tế, ngoài yếu tố thị trường, tiềm năng và một số thuận lợi mà ngành Cao su Việt Nam hiện có là những yếu tố vô cùng quan trọng.

Theo số liệu của Bộ NN& PTNT, Việt Nam hiện có trên 50.000ha diện tích cây cao su, trong đó mới chỉ 63% diện tích cho khai thác. Theo quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản trên cả nước, đến năm 2010, nước ta có diện tích trên 700.000ha cây cao su. Nếu tính cả diện tích khoảng 50.000ha cao su đã và sẽ trồng trên đất Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và khoảng 100.000ha cao su ta sẽ trồng tại 3 tỉnh phía Đông - Bắc Vương quốc Campuchia thì đến năm 2010, diện tích cao su của Việt Nam sẽ là gần 900.000ha, sản lượng khai thác mủ sẽ đạt 1 triệu tấn.

Số liệu của Hiệp hội Cao su thế giới cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 6 về sản lượng sản xuất và thứ 4 thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên (chỉ sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia) trong khi đó, theo dự báo của các nhà kinh tế học, cao su thiên nhiên trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới (tốc độ trung bình 3,3%/năm).

Với tốc độ này, nguồn cung cấp cao su thiên nhiên sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, do vậy, trong những năm tới, có khả năng cao su sẽ còn phải tiếp tục tăng. Nếu không có sự thay đổi bổ sung, đến năm 2020, tình hình thiếu hụt cao su thiên nhiên trên thế giới sẽ trở nên nghiêm trọng.

Mặt khác, do những năm gần đây, giá dầu thô trên thế giới liên tục biến động theo hướng tăng giá nên giá cao su tổng hợp (được sản xuất từ nguyên liệu chính là dầu mỏ) cũng tăng cao hơn mức sản xuất từ cao su tự nhiên trên 30%. Từ đó, một số nhà sản xuất cao su tổ hợp đang tìm cách thay đổi một phần công nghệ, chuyển hướng sang sản xuất cao su tự nhiên.

Theo lộ trình WTO, khi hội nhập, hàng cao su Việt Nam vốn đã có uy tín về chất lượng sẽ có chỗ đứng vững vàng trên thị trường thế giới.

Rủi ro

Rủi ro đáng lo ngại nhất đối với các nhà đầu tư cao su là biến động về giá cả. Theo dõi thị trường cao su thế giới 10 năm trở lại đây, có thể thấy rằng giá cao su tự nhiên lên xuống thất thường. Năm 1996, giá cao su tự nhiên trên thế giới đạt 13.000 USD/tấn, đến 1999, giá xuống thấp chỉ còn 550 USD/tấn.

Sau đó, vào những năm 2000, 2001, 2002, giá cao su trên thị trường thế giới tiếp tục đứng ở mức đáy nên nhiều công ty cao su gặp khó khăn, nhiều hộ dân có cao su tiểu điền đã phải cắt chặt cao su non bán củi để thâm canh các loại cây trồng khác. Từ năm 2003, giá cao su lại tăng mạnh, duy trì ở mức giá cao cho đến hiện nay.

Nói là mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng thực tế, cao su Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (chiếm trên 60% tổng sản lượng). Thực tế nhiều năm qua cho thấy, Trung Quốc thực sự không phải là thị trường ổn định, giá nhập khẩu cao su thường có diễn biến thất thường.

Tuy là nước sản xuất cao su tương đối lớn nhưng sản lượng cao su ở Việt Nam so với một số nước như Thái Lan (gần 3 triệu tấn/ năm); Indonesia (2 triệu tấn/ năm); Malaysia (trên 1 triệu tấn/năm) còn thấp hơn nên dường như sản lượng cao su của Việt Nam không hoặc ít tác động được đến khả năng cung cầu cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới. Do vậy, Việt Nam khó có thể chủ động được về giá xuất khẩu, hoàn toàn phụ thuộc vào giá cao su thế giới.

Trong lúc giá cao su xuất khẩu tăng, giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất cao su như phân bón, xăng dầu, phương tiện vận chuyển… cũng ngày càng tăng cao làm chi phí đầu vào tăng, lợi nhuận từ cây cao su sẽ giảm. Bên cạnh đó, cũng phải nhận thấy nạn trộm cắp, gây thất thoát mủ cao su đang là vấn đề xã hội nhức nhối xảy ra ở hầu hết các địa phương có trồng cao su.

Mặc dù, lực lượng bảo vệ cao su, chính quyền các địa phương, lực lượng Công an đã có nhiều cố gắng song hiệu quả từ công tác ngăn chặn vẫn chưa cao, lượng mủ cao su thất thoát vẫn còn nhiều.

CAND

Các tin tức khác

>   2007, Ngân hàng Đông Á tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng (29/01/2007)

>   Đấu giá CP Công ty Vận tải Biển Bắc (29/01/2007)

>   Bán đấu giá CP Chợ Vườn Hoa thuộc Công ty Sông Mã (29/01/2007)

>   Bán đấu giá CP Cty cổ phần Xi măng VLXD - Xây lắp Đà Nẵng (29/01/2007)

>   Thông tin đăng ký tham gia đấu giá cổ phần CADIVI (29/01/2007)

>   Cấp Giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chúng cho CTCP Quốc tế Hoàng Gia (29/01/2007)

>   CTCP XNK Giày Dép Nam Á chia cổ tức lần II năm 2006 (29/01/2007)

>   May Nhà Bè tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2006 (29/01/2007)

>   CTCP SX-TM-DV Phú Phong chi trả tạm ứng cổ tức đợt 01/2006 (29/01/2007)

>   Tạm giam 2 nhân viên Công ty cổ phần Dược phẩm Khánh Hòa (29/01/2007)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật