Giới đầu tư nước ngoài và các nhà xuất khẩu Thái Lan lo ngại trước việc đồng bath tăng giá
Trong những ngày qua, đồng baht Thái đã tăng mạnh so với đồng USD. Hiện tại, 1 USD chỉ còn đổi được 35,56 baht so với mức 41 baht/USD hồi đầu năm. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT), Tarisa Wattanagase, dự báo đồng baht Thái có thể sẽ còn tiếp tục tăng giá so với đồng USD bởi các nhân tố tác động bên ngoài.
Đồng baht lên giá sẽ có lợi cho việc đầu tư vào các dự án lớn trong nước vì thiết bị nhập khẩu sẽ rẻ hơn khi được quy đổi thành đồng baht. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Thái Lan, đặc biệt là đầu tư của Nhật Bản, lại đang trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các nhà đầu tư đang rất phân vân giữa hai lựa chọn: có nên tiếp tục đầu tư khi đồng baht lên giá hay tốt hơn là chuyển đầu tư sang các nước có chi phí rẻ hơn?
Việc đồng baht lên giá lúc đầu được cho là dấu hiệu tốt lành, thể hiện lòng tin của các nhà đầu tư đối với Thái Lan sau cuộc đảo chính quân sự đêm 19/9/06. Nhưng hóa ra, dòng vốn đầu tư này chỉ là việc đầu cơ đồng bath, khiến nó vượt trên giá trị thực. BOT đã nhận thấy điều này, nhưng vẫn chưa tìm được cách kiềm chế hiệu quả sự tăng giá của đồng baht, và điều này đang khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn chuyển hướng sang các nước láng giềng.
Chủ tịch Phòng thương mại Nhật Bản tại Băngcốc cho biết, các nhà sản xuất Nhật Bản rất lo ngại về sự tăng giá liên tục của đồng bath. Chỉ trong vài tháng qua, nó đã tăng giá nhanh hơn rất nhiều so với các đồng tiền khác ở Đông Nam Á, từ 40 baht đổi 1 USD lên 36 baht.
Vào giữa những năm 1980, sự lên giá của đồng yên và giảm giá của đồng baht đã tạo ra một làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan, nơi chi phí lao động thấp hơn nhiều so với đặc khu hành chính Hồng Công, Hàn Quốc, Xingapo và vùng lãnh thổ Đài Loan. Lúc đó, Thái Lan đã trở thành điểm hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản.
FDI đã đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế cao của Thái Lan thời kỳ cuối những năm 1980 và đầu 1990. Trong thời gian này GDP của Thái Lan luôn ở mức hai chữ số. Nhưng trong những năm gần đây, Thái Lan đang mất dần sự hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi so sánh với các nền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh.
Nhật Bản hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan. Theo số liệu của Ủy ban đầu tư Thái Lan (BOI), đầu tư của Nhật Bản thông qua BOI phê chuẩn trong hơn 20 năm qua đã đạt hơn 1.000 tỷ baht, chiếm 40% tổng vốn FDI. Từ năm 2001 đến 2005, FDI của Nhật Bản luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong danh sách các nhà đầu tư vào Thái Lan, sau đó mới đến Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan.
Nhưng tình hình kinh tế Thái Lan và thế giới đã có những thay đổi mạnh mẽ trong những năm qua. Hiện tại, đồng bath đã tăng giá mạnh, nguồn lao động thiếu hụt và có chi phí cao, trong khi lại xuất hiện thêm nhiều đối thủ cạnh tranh. Những nhân tố này đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới FDI vào Thái Lan.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan, Kosit Panpiemras, gần đây nói rằng Thái Lan sẽ không còn nguồn lao động giá rẻ, mà sẽ dựa vào nguồn lao động chưa có tay nghề từ các nước láng giềng. Ông kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản mở rộng các dự án đầu tư sử dụng lao động có tay nghề cao vào Thái Lan.
Điều này đang khiến các nhà đầu tư Nhật Bản rất khó lựa chọn. Nhiều công ty Nhật Bản có thể sẽ không vượt qua được thách thức này và giải pháp đơn giản nhất là họ sẽ chuyển hoạt động sản xuất sang các nước châu Á láng giềng khác của Thái Lan.
Trong khi đó, thu nhập của các nhà xuất khẩu Thái Lan đã giảm đáng kể khi những đồng USD thu về được quy đổi ra đồng baht. Theo các hiệp hội thực phẩm đông lạnh, gà, tôm, rau quả, dầu thực vật, dệt may Thái Lan, từ đầu năm tới nay đồng baht đã tăng giá 12% so với đồng USD, trong khi hầu hết các đồng tiền khu vực chỉ tăng giá từ 3-6%. Do vậy, giới xuất khẩu đã kêu gọi BOT ổn định lại tỷ giá đồng baht. Các hiệp hội này mỗi năm đóng góp khoảng gần 700 tỷ bath vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan.
Chủ tịch Hiệp hội tôm Thái Lan Somsak Paneetatyasai cho biết ngành xuất khẩu tôm có thể sẽ mất hơn 10 tỷ batht từ sự chênh lệch giá của đồng baht. Theo ông Somsak, đồng baht lên giá gây khó khăn cho việc đánh giá liệu thu nhập sẽ giảm hay tăng lên và gây khó khăn cho việc áp giá xuất khẩu. Đồng baht tăng giá quá nhanh đang làm giảm khả năng cạnh tranh của Thái Lan.
Trong 10 tháng đầu năm 2006, xuất khẩu tôm của Thái Lan đã tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị. Nhưng có một nghịch lý là xuất khẩu càng tăng về số lượng, thì thiệt hại về tiền lại càng lớn khi quy đổi từ đồng USD sang đồng baht vào thời điểm hiện nay.
Sự tăng giá của đồng baht cũng là một trong những nhân tố làm ngành xuất khẩu hàng may mặc của Thái Lan lép vế so với Việt Nam và Campuchia. Vụ trưởng đàm phán thương mại Thái Lan Chutima Bunyapraphasara đã chỉ rõ hai nước này đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh chính của Thái Lan trong thị trường xuất khẩu hàng may mặc thế giới. Thái Lan đã tụt hai bậc, xuống vị trí thứ 11, trong danh sách các nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Campuchia và Việt Nam đã vươn lên xếp hàng thứ 5 và thứ 7.
TTXVN
|