Cổ phiếu hải sản đắt hàng
Trong suốt một tháng qua, cổ phiếu của các công ty chế biến thủy sản xuất khẩu luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, giá tăng đều đều trên thị trường chính thức và thị trường OTC.
Tuy nhiên, khi muốn đầu tư dài hạn vào cổ phiếu hải sản, nhà đầu tư nên tham khảo nhiều thông tin về tiềm năng và những bất cập của ngành thủy sản Việt Nam.
Theo một số công ty chứng khoán, trên thị trường OTC, hiện 3 cổ phiếu hải sản được nhiều nhà đầu tư quan tâm, giá tăng đều trong suốt 3 tháng qua: ngày 20/11, giá cổ phiếu của Công ty cổ phiếu thủy sản Bến Tre đã lên tới 74.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), Công ty cổ phiếu thực phẩm Sao Ta có giá cổ phiếu đạt 640.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 100.000 đồng/cổ phiếu), giá cổ phiếu của Công ty XNK thủy sản Minh Phú đang được giao dịch ở mức 51.000 - 52.000 đồng/cổ phiếu, gấp 5 lần mệnh giá.
Hiện Công ty Minh Phú đang hoàn tất mọi thủ tục để lên sàn Hà Nội trong năm nay. Nhiều nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị tiền bạc để mua cổ phiếu của Công ty cổ phiếu Seaprodex Minh Hải (sắp phát hành cổ phiếu ra công chúng) do công ty này có mức tăng trưởng khá cao, 9 tháng đầu năm 2006 đạt lợi nhuận 6,5 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 23 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu lên tới 43 tỷ đồng.
Công ty cổ phiếu XNK thủy sản An Giang (Agifish) đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài biết đến sau vụ kiện bán phá giá cá tra, basa vào thị trường Mỹ. Trong năm 2006, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng mạnh mua vào cổ phiếu của Agifish sau khi Agifish thực hiện chương trình nuôi cá sạch và xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm cá sạch Agifish vào đầu năm 2007.
Sau hơn 1 năm thành lập Liên hiệp sản xuất cá sạch Agifish (APPU), số thành viên tham gia APPU tăng từ 19 lên 32, diện tích ao nuôi từ 50 ha lên 72 ha, sản lượng nuôi năm 2006 dự kiến đạt 62.000 tấn và năm 2007 sẽ nâng lên 90.000-100.000 tấn. Tính đến ngày 18/11, các nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu 48,6% cổ phiếu của Agifish, họ chỉ còn được phép mua thêm 0,4% cổ phiếu Agifish theo quy định. Giá cổ phiếu của Agifish cũng đã được đẩy lên tới 92.500 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 17/11), gấp gần 10 lần mệnh giá.
Tiềm năng rất lớn
Theo Bộ Thủy sản, diện tích nuôi thuỷ sản của Việt Nam khá lớn, chỉ tính riêng diện tích nuôi tôm của 23 tỉnh, thành ven biển hiện nay là gần 660.000 ha... Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Theo đó, đến năm 2010, tổng trị giá xuất khẩu thủy sản đạt 4-4,5 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân 9%/năm. Đến năm 2020, trình độ công nghệ chế biến thủy sản Việt Nam tương đương với các nước phát triển và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Để hoàn thành được mục tiêu trên, ngành thủy sản sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Năm 2010, Bộ Thủy sản đưa ra mục tiêu đạt 420.000 tấn tôm nuôi, trong đó có 360.000 tấn tôm nước lợ và 60.000 tấn tôm nước ngọt.
Để đạt được mục tiêu này, từ năm 2007, ngành thủy sản sẽ tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch vùng nuôi, quản lý mùa vụ, chất lượng con giống, cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi, sản xuất, chế biến và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phát triển nuôi tôm bền vững, bảo vệ môi trường.
Theo thống kê, Việt Nam thuộc 10 nước có sản lượng thủy sản xuất khẩu lớn nhất thế giới, Việt Nam hiện có 335 nhà máy chế biến thủy sản, trong đó phía Nam chiếm 70%, miền Trung 24% và phía Bắc 6%. Khoảng 85% các nhà máy chế biến thủy sản trên cả nước có sản phẩm chế biến xuất khẩu là chủ yếu, trong đó có 171 nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thủy sản vào thị trường khó tính nhất là EU. Hiện Nhật Bản và Hoa Kỳ là 2 khách hàng lớn nhất của thuỷ sản Việt Nam đồng thời cũng là 2 thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của các công ty xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo bản báo cáo tình hình nuôi trồng thuỷ sản thế giới năm 2006 của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam đứng vị trí thứ 6 trong tổng số 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới về nuôi trồng thuỷ sản. Trung Quốc vẫn là nước dẫn đầu bảng xếp hạng với gần 70% về sản lượng và trên 51% về giá trị các mặt hàng thuỷ sản được nuôi trồng trên thế giới. Vị trí thứ hai thuộc về Ấn Độ, chiếm 4,2% cả về sản lượng cũng như giá trị.
Những vấn đề sống còn
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định: chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu là điều sống còn của từng doanh nghiệp, là yếu tố hàng đầu tạo uy tín thương hiệu.
Việc tôm nguyên liệu của Việt Nam hay bị bơm ngâm tạp chất là trở ngại lớn, tạo ra rủi ro không lường trước được. Nhất là 2 năm gần đây khi các nhà máy chế biến mọc ra nhiều hơn và các nhà máy đang có đều mở rộng công suất thì quan hệ cung cầu nguyên liệu càng mất thăng bằng thì tình trạng bơm, ngâm tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng trầm trọng.
Ông Diệp Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Thủy sản Cà Mau, ngày 25-10, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành lệnh kiểm tra 100% (trước đây chỉ có 50%) các lô tôm nhập khẩu (tôm nuôi trồng và các chế phẩm từ tôm nuôi trồng) có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo thông báo của các cơ quan chức năng Nhật Bản, kết quả kiểm tra định lượng tại Sở kiểm dịch Tokyo mới đây đã phát hiện một lô tôm đông lạnh có khối lượng hơn 1,2 tấn nguồn gốc nuôi trồng được nhập từ một doanh nghiệp Việt Nam có dư lượng kháng sinh chloramphenicol.
Nỗi lo rất lớn nữa là tình trạng phát triển tự phát nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá của Bộ Thủy sản tại cuộc hội thảo diễn ra ở Hà Nội, ngày 9/11/2006, việc quản lý vùng nuôi tôm hiện vẫn còn nhiều bất cập, các vùng nuôi tôm còn nhỏ lẻ, manh mún, dịch bệnh vẫn còn nhiều, phát triển nuôi tôm còn thiếu tính bền vững.
Nếu cứ để nông dân tiếp tục ào ạt tự phát nuôi tôm theo phong trào, cầm cố, vay nợ, đào ruộng lúa nuôi tôm để “đánh bạc” trên ruộng đồng của mình trong khi chưa tìm hiểu kỹ về các kỹ thuật nuôi tôm, kinh nghiệm, thị trường, chất lượng... thì hậu quả sẽ khó lường.
TBKTVN
|