Thứ Ba, 17/10/2006 00:01

Inđônêxia: Bài học rút ra từ quan hệ giữa ngoại thương và nợ nước ngoài

Theo nhà kinh tế Tulus Tambunan, từ cuối những năm 1990, các nhà hoạch định chính sách và người dân nhiều quốc gia đã bắt đầu lo ngại rằng tỷ lệ nợ nước ngoài cao tại nhiều nước đang phát triển đã hạn chế sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của họ. Vấn đề này đã trở nên đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh xảy ra các cuộc khủng hoảng tài chính, như ở châu Á năm 1998, khi triển vọng không thể trả nợ nước ngoài đúng hạn trở nên rõ ràng.

Hầu như tất cả các nước đang phát triển đều nhất trí rằng đường vào thị trường quốc tế đối với các sản phẩm xuất khẩu của họ là công cụ chính để làm giảm những khoản nợ nước ngoài khổng lồ bằng cách tạo ra thặng dư thương mại (xuất siêu). Vì thế, nhiều nước đang phát triển, trong đó có Inđônêxia đã tìm hiểu kỹ các mối quan hệ tương tác giữa thương mại, nợ và tài chính nhằm tìm ra những giải pháp bền vững để tăng xuất siêu đồng thời với việc giải quyết nợ nước ngoài, trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa phương.

Các nhà lãnh đạo của Nhóm 8 nước phát triển (G-8) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng công nhận vấn đề này bằng việc nhấn mạnh sự kết hợp hài hoà giữa những sáng kiến giảm bớt nợ và cải thiện đường vào thị trường cho các nước đang phát triển. Sự công nhận này đã được thể hiện bằng Tuyên bố Bộ trưởng của WTO tại vòng đàm phán Đôha năm 2001, rằng các thành viên WTO nhất trí xem xét mối quan hệ giữa ba lĩnh vực này và đề xuất những biện pháp cần thực hiện để góp phần giải quyết vấn đề nợ nước ngoài của các nước đang phát triển.

Về quan hệ tương tác giữa thương mại và nợ, đối với Inđônêxia có ba câu hỏi quan trọng sau:

Thứ nhất, liệu nợ nước ngoài có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế của Inđônêxia hay không? Về cơ bản, trả lời cho câu hỏi này gồm hai phần: Về ngắn hạn, nợ nước ngoài là cần thiết cho những nước thiếu vốn và không hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Nhưng về lâu dài, nợ nước ngoài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các nước mắc nợ. Kinh nghiệm của Inđônêxia trong suốt kỷ nguyên Soeharo cho đến cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 có thể hỗ trợ cho quan điểm chung này. Rõ ràng là trong suốt những năm từ 1970 đến 1997, Inđônêxia đã có thể phát triển kinh tế với mức tăng trưởng trung bình hàng năm 7% chỉ đơn thuần nhờ vào các khoản vốn nước ngoài khổng lồ, kể cả các khoản vay, bơm vào nền kinh tế. Tuy nhiên, năm 1998, nền kinh tế Inđônêxia đã bị suy sụp vì cuộc khủng hoảng tài chính châu á chủ yếu bởi vì gánh nặng nợ nước ngoài quá cao. Mọi sự đã có thể khác, nếu Inđônêxia không mắc nợ nước ngoài hoặc nợ ít. Họ đã có thể sống sót trước sự mất giá đột ngột và khủng khiếp của đồng rupiah vào năm đó.

Thứ hai, tại sao Inđônêxia lại sử dụng nợ nước ngoài để cung cấp vốn cho sự phát triển của mình? Câu trả lời thật đơn giản: ở Inđônêxia, tỷ lệ tiết kiệm trong nước luôn thấp hơn nhu cầu đầu tư vốn trong nước. Trong mô hình "thâm hụt kép" này, thâm hụt giữa đầu tư-tiết kiệm (I-S) có liên quan đến thâm hụt nhập khẩu-xuất khẩu (M-X tức nhập siêu). Trong kế toán thu nhập quốc gia, nếu tiết kiệm quốc gia cao hơn đầu tư trong nước, tương đương với xuất siêu. Nếu tiết kiệm thấp hơn đầu tư thì cũng giống như nhập siêu. Tại các nước đang phát triển, mức tiết kiệm quốc gia thường xuyên thấp bởi vì đói nghèo và các thể chế tài chính yếu kém. Các nước này tương đối nghèo vốn, tuy nhiên lại có nhiều cơ hội cho việc kiếm lợi mới hoặc mở rộng các nhà máy hiện có. Bằng việc duy trì thâm hụt vãng lai (nhập siêu), một quốc gia có thể giành được các nguồn vốn từ nước ngoài để đầu tư trong nước, thậm chí cả khi mức tiết kiệm trong nước thấp. Vì vậy, nói cách khác, sự nhập siêu được tài trợ bằng nợ nước ngoài cho phép một quốc gia chi tiêu nhiều hơn con số họ sản xuất ra hoặc đầu tư nhiều hơn tiết kiệm.

Nếu mức thâm hụt I-S lớn hơn M-X, khi ấy các khoản vay nước ngoài sẽ tăng lên để đáp ứng khoản tiết kiệm thấp hơn mức đầu tư cần thiết cho việc đạt được chỉ tiêu tỷ lệ tăng trường kinh tế trong nước. Nếu Inđônêxia mong muốn thu hẹp mức thâm hụt I-S, và giảm hoặc trả hết nợ nước ngoài, kinh tế của họ phải tiếp tục tăng trưởng bền vững và mức tăng tiết kiệm quốc gia phải cao hơn mức tăng đầu tư trong nước.

Nhưng khó có thể tạo đủ tiết kiệm ở Inđônêxia vì bốn lý do sau. Thứ nhất, tâm lý tiết kiệm trong xã hội Inđônêxia chưa đủ mạnh. Người dân Inđônêxia thích mua sắm hơn là tiết kiệm tiền, không giống như người Nhật Bản hoặc Hà Lan rất tiết kiệm các chi phí hàng ngày. Người Inđônêxia thích mỗi đồ vật có ít nhất hai chiếc: hai ngôi nhà, hai chiếc xe ô tô, hai điện thoại di động, hai vợ và đi hành hương tới Mécca nhiều hơn một lần. Thứ hai, môi trường kinh tế và pháp lý tại Inđônêxia vẫn chưa đủ thuận lợi để khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm nhiều hơn, do khu vực ngân hàng không lành mạnh, thiếu những cơ hội đầu tư rõ ràng và kém ổn định, an ninh. Thứ ba, mặc dù thu nhập bình quân đầu người ở Inđônêxia đang tăng lên, nhưng đa số người dân vẫn chưa đủ thu nhập để tiết kiệm. Cuối cùng, Chính phủ Inđônêxia không thể tiết kiệm chỉ đơn giản bởi vì họ luôn bị thâm hụt tài chính.

Câu hỏi thứ ba: liệu xuất siêu của Inđônêxia có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài của họ hay không?

Chế độ ngoại thương và khả năng xuất khẩu được coi là những yếu tố chính trong việc vượt qua cuộc khủng hoảng nợ nước ngoài của một quốc gia. Về lý thuyết, mức tăng xuất khẩu thấp sẽ dẫn đến gánh nặng nợ nước ngoài tăng lên. Đó chính là lý do khiến quan hệ giữa ngoại thương và nợ nước ngoài thường là trọng tâm của các nước đang phát triển trong việc tìm những giải pháp để giảm gánh nặng nợ nước ngoài thông qua hệ thống thương mại đa phương.

Người ta có thể phân tích một cách đơn giản vấn đề quan hệ giữa ngoại thương và nợ nước ngoài này bằng mô hình "thâm hụt kép" I-S và M-X. Nếu thâm hụt M-X lớn hơn I-S, khi ấy cần có các khoản vay nước ngoài để bù vào khoản thiếu hụt ngoại tệ. Do vậy, dựa trên cách tiếp cận lý thuyết này, câu trả lời là: Xuất siêu của Inđônêxia chỉ có thể làm giảm nợ nước ngoài của họ nếu cả hai điều kiện sau đồng thời được đáp ứng. Thứ nhất, xuất siêu phải dẫn đến thặng dư trong cán cân tiết kiệm-đầu tư của nước này. Điều đó rõ ràng có nghĩa là các chính sách ngoại thương sẽ được hỗ trợ bởi các chính sách huy động tiết kiệm trong nước và đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng quan trọng nhất là người dân Inđônêxia phải tiết kiệm nhiều hơn tiêu dùng, và họ phải gửi tiền tiết kiệm ở trong nước chứ không phải ở nước ngoài. Thứ hai, các sản phẩm xuất khẩu của Inđônêxia (cả hàng hoá và dịch vụ) phải có sức cạnh tranh cao hơn các đối thủ.

Có ít nhất 4 yếu tố cơ bản đã khiến xuất khẩu tăng trưởng thấp tại Inđônêxia:

1. Sự cạnh tranh về chi phí giảm sút do sự tăng giá của đồng rupiah và tỷ lệ lạm phát so với tỷ lệ lạm phát tại các nước đối tác thương mại. Kết quả một nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy chi phí lao động/đơn vị ở Inđônêxia hiện đã tăng 35% so với mức trước khủng hoảng. Sức cạnh tranh chi phí thấp của ngành chế tạo Inđônêxia cũng bị ảnh hưởng do chi phí giao dịch trong nước cao.

2.Xu hướng sụt giảm đầu tư. Điều kiện kinh doanh yếu kém tại Inđônêxia cũng bị xem là một khó khăn khác, cản trở tăng trưởng xuất khẩu do không có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, yếu tố quan trọng trong thúc đẩy xuất khẩu hàng phi dầu khí, trong đó có các sản phẩm công nghiệp, như giai đoạn cuối những năm 1980 đến năm 1996. Việc thiếu đầu tư nước ngoài cũng có nghĩa là khó tìm được các khoản đầu tư mới để nâng cấp sản xuất.

3.Sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt. Việt Nam và Trung Quốc hiện là hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Inđônêxia trong xuất khẩu các sản phẩm của các ngành cần nhiều lao động như dệt, may, sản xuất giày dép. Hậu quả là Inđônêxia đang bị mất thị phần của 30 mặt hàng xuất khẩu phi dầu khí vào tay Việt Nam và Trung Quốc.

3.Cơ sở thương mại yếu kém. Một loạt các hạn chế tại các cảng biển và cơ sở vật chất là một trong những yếu tố chủ chốt làm tăng chi phí của các mặt hàng xuất khẩu. Mặc dù phí sử dụng cảng ở Inđônêxia tương đối thấp nhưng hầu như toàn bộ hàng xuất khẩu của Inđônêxia lại được chuyển tải qua Xinhgapo hoặc Malaixia do sự kém hiệu suất tại các cảng của Inđônêxia. Theo một phân tích liên quan đến hiệu suất cảng biển của Inđônêxia, Cảng côngtenơ quốc tế Giacácta nằm trong cảng Tanjung Priok là cảng lớn nhất Inđônêxia, nhưng cũng đồng thời là cảng kém hiệu suất nhất Đông Nam Á nếu xét về năng suất (tổng số côngtenơ bốc dỡ trong một giờ) và chi phí/đơn vị (giá bốc dỡ một côngtenơ 40 feet trong một giờ).

TTXVN

Các tin tức khác

>   Thái Lan sẽ trở thành trung tâm sản xuất ôtô của châu Á vào năm 2010 (14/10/2006)

>   Khu vực tư nhân dẫn đầu trong hoạt động R&D của Xingapo (14/10/2006)

>   Xingapo tăng cường phát triển dịch vụ truy cập băng rộng không dây (13/10/2006)

>   Inđônêxia huỷ hợp đồng hợp tác khai thác khí đốt với Exxon Mobil (13/10/2006)

>   Thái Lan sẽ đình chỉ đàm phán về tự do thương mại (12/10/2006)

>   Inđônêxia khôi phục hoạt động của các trung tâm xúc tiến thương mại để tăng cường xuất khẩu (11/10/2006)

>   Inđônêxia và Nhật Bản đặt mục tiêu sớm ký kết EPA (10/10/2006)

>   Thị trường bất động sản Thái Lan giảm 4,5% trong 7 tháng đầu năm (10/10/2006)

>   Malaixia phát động chiến dịch khắc phục tình trạng thiếu đường (10/10/2006)

>   Sân bay mới Suvarnabhumi của Thái Lan lại gặp trục trặc (09/10/2006)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật